Công tác kỹ thuật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

10:39 | 15/04/2015

(Bqp.vn) - Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, nhưng ngay từ đầu, Hiệp định đã bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại. Trước tình hình trên, Đảng ta chủ trương tiếp tục chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những nhiệm vụ cấp bách là chuẩn bị vũ khí, trang bị, vật tư bảo đảm cho quân và dân ta đủ sức đánh bại mọi âm mưu, hành động chiến tranh mới của địch, giành thắng lợi.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (ảnh tư liệu)

Một là, công tác kỹ thuật quân sự đã được xây dựng thành hệ thống, tạo thế và lực mới bảo đảm cho quân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội ta ngày càng trưởng thành về mọi mặt, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Đặc biệt, đến giai đoạn 1973 - 1975, công tác bảo đảm kỹ thuật của quân đội ta có bước phát triển mới. Việc thành lập Tổng cục Kỹ thuật - cơ quan chỉ đạo công tác bảo đảm, quản lý vũ khí, trang bị, nghiên cứu kỹ thuật quân sự và sản xuất quốc phòng là một sự kiện lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu mới về tác chiến của quân đội ta trong tình hình mới. Kể từ khi quân đội ta được thành lập (22/12/1944), lần đầu tiên ngành kỹ thuật quân sự được xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn này, quân và dân ta đã chuyển tới các chiến trường một khối lượng vũ khí, trang bị (VKTB) và vật chất khác gấp 1,6 lần so với tổng khối lượng của 13 năm trước. Nhờ đó tạo được lượng dự trữ vật chất cần thiết, nhất là về VKTB trên từng chiến trường để chuẩn bị cho tác chiến lớn.

Từ 13/12/1974 - 6/1/1975, cùng với ngành hậu cần, ngành kỹ thuật đã bảo đảm 1.170 tấn vũ khí đạn dược và vật chất các loại cho Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long. Đây là một trận trinh sát chiến lược, giúp cho Bộ Chính trị đánh giá và kết luận chính xác rằng thế và lực đã nghiêng về phía ta, Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng trở lại, dù Mỹ có quay trở lại cũng không thể cứu vãn được sự sụp đổ của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Từ đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam theo kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976; đồng thời dự kiến nếu thời cơ đến thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Hai là, đã bảo đảm tốt VKTB cho quân dân ta mở các chiến dịch lớn đầu năm 1975, nhanh chóng làm tan rã địch.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Xác định đây là trận mở đầu then chốt, một trận quyết chiến chiến lược, có tính quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Tổng cục Kỹ thuật đã tập trung mọi nỗ lực, chủ động và phối hợp chặt chẽ với lực lượng hậu cần - kỹ thuật của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng bảo đảm mọi yêu cầu về VKTB kỹ thuật cho chiến dịch. Các đơn vị tham chiến được bảo đảm 1.681 tấn vũ khí đạn. Các tổ, đội, trạm sửa chữa cơ động được điều vào Tây Nguyên cùng cơ quan kỹ thuật chiến dịch kiểm tra, sửa chữa, bảo đảm VKTB kỹ thuật cho các Sư đoàn 10, 320, 320a, 316. Trong quá trình chiến dịch, Tổng cục Kỹ thuật còn chuyển tiếp vào mặt trận 2.000 tấn VKTB. Khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, các đội, trạm kỹ thuật bám theo bảo đảm cho các đơn vị truy kích trên đường 7, đường 5, giải phóng Phú Yên.

Sau chiến thắng Tây Nguyên, Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975; trước mắt, nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn 1 của địch, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Nam Trung bộ. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật khẩn trương điều động nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật cùng trang bị bảo đảm kỹ thuật phục vụ Chiến dịch Trị - Thiên - Huế.

Ba là, góp phần bảo đảm cơ động thần tốc các quân đoàn chủ lực nhanh chóng áp sát Sài Gòn.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, nhận định thời điểm mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào sào huyệt của địch đã chín muồi, ngày 1/4, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4. Các quân đoàn chủ lực được lệnh nhanh chóng áp sát Sài Gòn. Các cuộc hành quân cơ động chiến lược diễn ra từ nửa cuối tháng 3 đến hạ tuần tháng 4. Việc tổ chức bảo đảm hậu cần kỹ thuật cho cơ động chiến lược đường dài với số lượng quân số đông cùng nhiều xe máy, VKTB là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định. Ngoài sự chi viện lớn của cơ quan hậu cần kỹ thuật cấp chiến lược, các cơ quan hậu cần kỹ thuật cấp chiến dịch cũng phải tổ chức hết sức chặt chẽ, dốc sức cùng cơ quan hậu cần - kỹ thuật các sư đoàn, các đơn vị binh chủng thực hiện nhiệm vụ mới có thể bảo đảm được đầy đủ, kịp thời cho bộ đội hành quân cơ động an toàn, vừa hành quân vừa đánh địch, tới điểm tập kết vẫn đủ sức chiến đấu.

Ngày 19/3, Sư đoàn Bộ binh 320b, Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ hậu phương và làm lực lượng dự bị chiến lược của Bộ) bắt đầu cơ động từ Bắc Thanh Hóa vào Vĩnh Chấp (Bắc Vĩnh Linh). Một bộ phận của Quân đoàn 1 cơ động bằng 8 chuyến xe lửa tới Vinh và bằng tàu biển từ Vinh tới Đông Hà. Quân đoàn 1 được Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật tăng cường 1.168 xe ô tô để chở quân. Đến ngày 24/4, toàn Quân đoàn đã vượt 1.700 km tới vị trí tập kết ở Đồng Xoài. Trung bình các khối hành quân mất từ 10 - 12 ngày, bảo đảm tới đích 98,15% quân số, 93,3% xe máy, 89,3% pháo mặt đất, 84,3% pháo cao xạ.

Ngày 5/4, Quân đoàn 2 nhận lệnh cơ động thần tốc dọc theo quốc lộ 1 (trừ Sư đoàn 324 ở lại Đà Nẵng). Theo mệnh lệnh của Bộ, ngày 24/4, Quân đoàn 2 phải có mặt ở Xuân Lộc. Ngày 8/4, Quân đoàn 2 bắt đầu cơ động, lực lượng gồm hai sư đoàn bộ binh 304, 325 (sau được Bộ tăng cường thêm Sư đoàn 3, Quân khu 5) và các đơn vị binh chủng, quân số hơn 30.000 người. Ngoài số xe trong biên chế, Quân đoàn 2 còn được bổ sung thêm các xe chiến lợi phẩm thu được trong các chiến dịch Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng và được Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật tăng cường thêm 669 xe. Quân đoàn còn được Quân khu 5 và các địa phương chi viện 340 xe ô tô vận tải và xe ca dân sự. Riêng Trung đoàn Bộ binh 9 thuộc Sư đoàn 304 cơ động từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn bằng tàu vận tải của hải quân.

Để bảo đảm cho các trận tiến công đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận (16/4), Phan Thiết (18/4), Hàm Tân (22/4), ngành hậu cần kỹ thuật đã bảo đảm đầy đủ VKTB và các nhu cầu vật chất cho các đơn vị tiến công địch trong hành tiến thắng lợi. Đúng ngày 24/4, toàn Quân đoàn tập kết đầy đủ ở Xuân Lộc sau quá trình vừa hành quân, vừa chiến đấu, vượt qua chặng đường 900 km.

Ngày 27/3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập trên cơ sở Mặt trận Tây Nguyên. Ngày 4/4, Quân đoàn nhận nhiệm vụ cơ động vào khu vực Dầu Tiếng - Tây Ninh ở Tây Bắc Sài Gòn. Khi nhận lệnh cơ động, đội hình quân đoàn đang đứng chân ở ba khu vực. Quân đoàn bộ cùng Sư đoàn Bộ binh 316 và các lực lượng binh chủng từ Buôn Ma Thuột cơ động theo đường 14 vào tới Dầu Tiếng ngày 15/4. Sư đoàn Bộ binh 320a từ Tuy Hòa theo đường 7 trở về Buôn Ma Thuột rồi theo đường 14 vào Củ Chi (Sài Gòn), Đồng Dù (Tây Ninh), với chặng đường hơn 500 km. Sư đoàn Bộ binh 10 ở Cam Ranh chia thành hai bộ phận, một bộ phận vòng đường 21 về Buôn Ma Thuột để đi vào Dầu Tiếng, một bộ phận theo quốc lộ 1, vòng lên đường 20 và đường 14 để tới vị trí quy định. Ngoài việc bảo đảm kỹ thuật cho các đoàn xe chở bộ binh, các đoàn binh khí kỹ thuật, Tổng cục Kỹ thuật còn bảo đảm cho quân đoàn 1.200 tấn đạn, trong đó chủ yếu là đạn pháo. Nhờ đó, đã góp phần giúp quân đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong trận tổng công kích.

Bốn là, nhanh chóng bảo đảm VKTB cho các đơn vị tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven biển Quân khu 5, các đảo ở vùng biển Tây Nam.

Trong kế hoạch tác chiến chiến lược và trong chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đặt vấn đề giải phóng các đảo từ rất sớm. Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, các quân đoàn chủ lực của ta đang cơ động thần tốc, nhanh chóng áp sát Sài Gòn, ngày 4/4/1975, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh điện chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân “nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do Quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng” [1].

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân đã sử dụng ba tàu vận tải 673, 674 và 675 của Trung đoàn 125 đưa lực lượng chiến đấu gồm Đội 4 (thuộc Trung đoàn Đặc công nước 126), một số phân đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa do Trung tá Mai Năng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công nước 126 chỉ huy tiến ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đúng 4 giờ sáng ngày 11/4, các tàu của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng ra vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa, rồi bất ngờ tiếp cận đổ bộ lần lượt giải phóng các đảo.

Hậu cần, kỹ thuật Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 đã chuẩn bị bảo đảm đầy đủ số lượng, chất lượng chủng loại VKTB, đạn dược và các trang thiết bị khác cho các lực lượng chiến đấu. Đêm 13 rạng sáng ngày 14/4, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây, tiếp đó ngày 25/4, giải phóng đảo Sơn Ca. Trong các ngày từ 27 - 29/4, cùng thời gian các quân đoàn mở cuộc tổng công kích vào Sài Gòn, Bộ đội Hải quân tiếp tục giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và các đảo khác do Quân đội Sài Gòn chiếm giữ. Các trận chiến đấu đều kết thúc nhanh gọn, VKTB, vật chất, đạn dược được bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Đây là lần đầu tiên ngành hậu cần - kỹ thuật bảo đảm cho tác chiến hiệp đồng giữa hải quân và bộ binh trên vùng biển đảo cách bờ từ 300 - 500 hải lý.

Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc có ý nghĩa chiến lược của quân đội ta, của hải quân ta. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, sau khi giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngành kỹ thuật cũng kịp thời bảo đảm VKTB cho một số phân đội của các trung đoàn 171, 172, 125, 126 hải quân cùng với một bộ phận lực lượng Sư đoàn Bộ binh 3 tiến ra giải phóng đảo Côn Sơn (Côn Đảo). Khi bộ đội ta đang trên đường hành quân thì được tin các chiến sỹ cách mạng bị địch giam giữ ở đây đã nổi dậy tự giải phóng đảo từ chiều ngày 30/4. Ở đảo Phú Quốc, anh em tù bị địch giam giữ đã cùng với nhân dân trên đảo nổi dậy chiếm đảo, tự giải phóng vào ngày 30/4. Cũng trong thời gian này, hải quân của ta giải phóng ở các đảo Thổ Chu, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Ông, Hòn Bà.

Năm là, bảo đảm VKTB góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện mệnh lệnh và kế hoạch tác chiến của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật tập trung mọi nỗ lực, huy động đến mức cao nhất khả năng hiện có của mình để bảo đảm VKTB, kỹ thuật cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Quân đoàn 1 được Tổng cục bổ sung 64 cán bộ và nhân viên kỹ thuật đã kiểm tra kỹ thuật và sửa chữa 100% VKTB trước khi Quân đoàn cơ động vào Đồng Xoài. Quân đoàn 2 được Tổng cục tăng cường 39 cán bộ, nhân viên kỹ thuật, cùng với trang thiết bị kỹ thuật để nâng cấp các trạm sửa chữa. Tổng cục Kỹ thuật còn tăng cường hơn 100 cán bộ, nhân viên bảo đảm đủ VKTB kỹ thuật cho Quân đoàn tác chiến liên tục trong nhiều ngày. Lực lượng của Tổng cục cùng với lực lượng của Quân đoàn kiểm tra, sửa chữa bảo đảm hệ số kỹ thuật đạt 98% với súng bộ binh, súng cối 93%, pháo mặt đất 96%. Do mới thành lập nên lực lượng kỹ thuật của Quân đoàn 3 chủ yếu do Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật chi viện. Tổng cục đã kịp thời bổ sung cho Quân đoàn 1.236 tấn đạn, 158 tấn vũ khí, các xe công trình, trang thiết bị và dụng cụ sửa chữa phục vụ tác chiến. Quân đoàn 4, do tình hình khó khăn chung của chiến trường Nam bộ nên cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu. Ngoài việc trực tiếp bảo đảm vũ khí - đạn, nhất là đạn hỏa lực. Tổng cục phối hợp với Cục Hậu cần - Kỹ thuật Miền củng cố hai xưởng OX1, OX2, tổ chức các đội sửa chữa cơ động, trang bị xe công trình phục vụ các đơn vị của Quân đoàn tham gia chiến dịch.

Bộ đội Quân khí vận chuyển vũ khí, đạn dược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (ảnh tư liệu)

Đến giữa tháng 4/1975, toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đã đến vị trí tập kết trên các hướng theo kế hoạch, khối lượng đạn dược bảo đảm cho chiến dịch lên đến 60.000 tấn, vượt yêu cầu đề ra. Tính chung từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4/1975, Tổng cục đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, nhân viên, gần 3.000 lượt xe quân sự, cùng hơn 8.000 xe của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các địa phương tổ chức vận chuyển hàng chục vạn tấn VKTB kỹ thuật bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

[1] - Điện số 990b/TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân ngày 4/4/1975. Dẫn theo Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2011), Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.343.

File đính kèm:

Trung tướng Nguyễn Châu Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.