Web Content Viewer
Đại tướng Hoàng Văn Thái với cơ quan tham mưu các cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam
(Bqp.vn) - Cố Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Đại tướng Hoàng Văn Thái là một cán bộ xuất sắc của Đảng ta, là một vị tướng có đức độ và tài năng, được quân đội ta và nhân dân ta mến phục” [1]. Đặc biệt, với vai trò Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên, đồng chí Hoàng Văn Thái là người có công đầu xây dựng hệ thống cơ quan tham mưu các cấp của quân đội từ Bộ Tổng Tham mưu đến các đơn vị, các địa phương.
Đại tướng Hoàng Văn Thái trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị kháng chiến toàn quốc năm 1950. (ảnh tư liệu)
Cách mạng tháng Tám thành công, theo đề nghị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đặc trách công tác quân sự của Đảng, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Hoàng Văn Thái thành lập Bộ Tổng Tham mưu và đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng. Người chỉ rõ: “Ta vừa giành được độc lập, tự do, cả nước đang tích cực xây dựng quân giải phóng và tự vệ để cùng toàn dân giữ gìn độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể (Đảng) lập Bộ Tổng Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang (LLVT) trong cả nước. Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội, có nhiệm vụ: tổ chức nắm định, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm vừa học, có quyết tâm thì khó khăn mấy cũng làm được, thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc” [2].
Thực hiện chỉ thị của Bác, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã đi sâu tìm hiểu nhiệm vụ, tập hợp một số cán bộ được tôi luyện và trưởng thành trong thực tiễn công tác để nghiên cứu tổ chức, biên chế cơ quan tham mưu. Trước hết, coi trọng việc lựa chọn các đồng chí có hiểu biết ít nhiều về quân sự như đồng chí Mai Hữu Thao về công tác tham mưu trung đoàn, đồng chí Hoàng Minh Đạo về công tác theo dõi hoạt động của bọn phản cách mạng, đồng chí Hoàng Đạo Thúy về công tác thông tin... để chuẩn bị hình thành các cơ quan, bộ phận trọng yếu của Bộ Tổng Tham mưu. Ngày 12/9/1945, Tổng Tham mưu trưởng triệu tập cuộc họp tham mưu quân sự đầu tiên tại số nhà 16 phố Ri-ki-ê (nay là 18 phố Nguyễn Du) để thống nhất tổ chức cơ quan tham mưu, quy định một số vấn đề về ăn, ở sinh hoạt và tuyển chọn nhân sự. Đồng chí nói: “Chúng ta phải nghiên cứu tổ chức biên chế của cơ quan tham mưu nước ngoài nhưng có chọn lọc, cần vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta trong lúc này, nhất là yêu cầu nắm địch, nắm ta, theo dõi việc xây dựng LLVT, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt... Mọi người thân ái đoàn kết, cùng nhau góp công sức của mình, đem hiểu biết xây dựng cơ quan để guồng máy sớm hoạt động” [3].
Về tổ chức, được sự gợi ý, giúp đỡ của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng trao đổi với nhóm cán bộ nghiên cứu thống nhất hình thành tổ chức chính của cơ quan tham mưu. Với phương châm “vừa làm vừa học”, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vừa xác định nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, bộ phận, vừa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm theo đúng chủ trương sách lược của Thường vụ Trung ương Đảng. Từ buổi ban đầu chỉ có 8 người [4], đồng chí Hoàng Văn Thái không chỉ đặt nền móng xây dựng Bộ Tổng Tham mưu cả về tổ chức biên chế và hoạt động công tác tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến, mà còn từng bước tăng cường cán bộ và phái viên của Bộ cho các liên khu, các đại đoàn; vừa bồi dưỡng về nghiệp vụ để xây dựng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, vừa hình thành hệ thống cơ quan tham mưu ngành dọc xuống các đơn vị, địa phương ngày càng hoàn thiện về tổ chức, giỏi về nghiệp vụ. Để khắc phục tình trạng còn non yếu của hệ thống cơ quan tham mưu các cấp, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng thường tranh thủ các lần gặp gỡ cán bộ chỉ huy các khu và trung đoàn để kịp thời giúp đỡ, uốn nắn và kiên quyết nhắc nhở trách nhiệm củng cố tổ chức của cơ quan tham mưu cấp dưới. Tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ ba (tháng 6/1947), đồng chí nói: “Đảng uỷ các khu đã có nghị quyết thành lập Phòng Tham mưu khu, nhưng trải qua nửa năm, nhiều nơi vẫn chưa hình thành hoặc có nơi vẫn chưa có cán bộ phụ trách. Nền nếp nắm tình hình và báo cáo định kỳ theo quy định (10 ngày một lần) còn nhiều thiếu sót, cả về nội dung cũng như nền nếp hành chính quân sự: báo cáo không đồng đều, chất lượng chưa đạt yêu cầu, không có chữ ký của người phụ trách, nội dung thiếu phân tích, chọn lọc, so sánh, nhận xét” [5]. Đồng chí yêu cầu các khu và trung đoàn cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức, sắp xếp cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ đạo hoạt động và thường xuyên nhận xét, rút kinh nghiệm để ngành tham mưu cấp liên khu, khu và trung đoàn có đủ điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp người chỉ huy trong chỉ đạo xây dựng và tác chiến trước khi bước vào Thu Đông 1947.
Trải qua hơn 5 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, càng đánh càng mạnh, thắng lợi sau lớn hơn thắng lợi trước, làm nức lòng quân dân cả nước. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng phát triển của cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Tổng Quân ủy, đến tháng 7/1950, tổ chức cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu đã được kiện toàn thành 6 Cục, Văn phòng và 4 phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị trực thuộc được xác định rõ ràng và cụ thể hơn, sự gắn bó giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ; sự chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng của Bộ Tổng Tham mưu với Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, với các khu, liên khu, binh chủng và các cơ quan của Đảng, Nhà nước càng đi vào nền nếp. Từ một cơ quan tham mưu chiến lược của chiến tranh du kích là chủ yếu, có những bước tiến nhảy vọt thành cơ quan tham mưu chiến lược kết hợp tác chiến du kích với tác chiến chính quy của các binh chủng hợp thành. Đội ngũ cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp không ngừng được nâng cao trình độ cả về quân sự và chính trị, chất lượng công tác ngày càng tiến bộ rõ rệt.
Là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (từ tháng 9/1945 - 11/1953), đồng chí Hoàng Văn Thái còn trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu với cương vị là Tham mưu trưởng và Đảng ủy viên nhiều chiến dịch lớn: Biên Giới, Trung Du (1950), Đường 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954). Những kinh nghiệm thực tiễn của công tác tham mưu trong các chiến dịch nối tiếp nhau đã giúp đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu từng bước vươn lên đáp ứng yêu cầu tham mưu về công tác quân sự giúp Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy lãnh đạo quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa kết thúc, nhân dân ta lại phải đương đầu với đối tượng tác chiến mới là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự, âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt hơn rất nhiều. Tháng 3/1966, đồng chí nhận nhiệm vụ vào Khu 5 để truyền đạt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước của toàn dân, toàn quân ta từ Bắc chí Nam. Tháng 8/1966, đồng chí được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 5. Tháng 10/1967, đồng chí được cử làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Phó Bí thư Quân ủy Miền. Bằng tài năng, trí tuệ vốn có và những trải nghiệm thực tiễn của nhà chỉ huy tham mưu, lăn lộn trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực Pháp, đồng chí Hoàng Văn Thái vừa kiên quyết chỉ đạo, vừa ân cần giúp đỡ Bộ Chỉ huy và cơ quan tham mưu Miền về nắm tình hình, tổng hợp và báo cáo định kỳ: tuần, tháng, quý, năm; chuẩn bị hội họp, chuẩn bị cho thủ trưởng ra quyết định và hình thành các văn bản; tổ chức truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị cho đơn vị cơ sở; kiểm tra, đôn đốc thực hiện; tổ chức các mặt bảo đảm; tổ chức chỉ huy; tổng hợp và phổ biến kinh nghiệm. Đồng chí tỏ rõ thái độ không bằng lòng với cách làm việc thụ động, cấp dưới báo cáo gì thì nắm cái đó, tình hình nắm được đến đâu thì hay đến đó, ngại đào sâu nghiên cứu và phát hiện vấn đề... Nhờ đó, công tác của Bộ Chỉ huy và Cục Tham mưu Miền từng bước đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả. Cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo Cục Tham mưu Miền xây dựng các kế hoạch tác chiến, đồng chí Hoàng Văn Thái còn trực tiếp tham gia chỉ huy các đợt tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968); đánh bại các cuộc hành quân “Toàn thắng 1/1971 NB” của quân ngụy Sài Gòn ở vùng Đông Bắc Cam-pu-chia (1971); cuộc hành quân “Chen-la 1”ở Công-pông-chàm (từ tháng 8/1970 - 2/1971) và “Chen-la 2” ở khu vực đường số 6 - Công-pông-thom (từ tháng 10 - 12/1971) của quân ngụy Lon-non, buộc quân ngụy Sài Gòn phải rút bỏ tuyến phòng thủ phía Bắc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia co về phòng ngự ở phía Nam biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh; chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ (1972) nhằm thu hút, ghìm chân quân chủ lực ngụy ở miền Đông Nam bộ, tạo điều kiện cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long (Khu 8 cũ) nổi dậy đánh phá “bình định”. Đặc biệt, trong chiến dịch tiến công tổng hợp (từ tháng 6 - 9/ 1972) ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí Hoàng Văn Thái là Tư lệnh Miền đã trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch này. Đồng chí quyết định: Cơ quan tham mưu chiến dịch, lấy cơ quan tham mưu Quân khu 8 làm nòng cốt và tăng cường một số cán bộ Cục Tham mưu Miền để xây dựng kế hoạch tác chiến giành thắng lợi. Đồng chí Hoàng Văn Thái được cán bộ, chiến sỹ ở Bộ Chỉ huy Miền trìu mến gọi là “Mười Khang”, người thầy về công tác tham mưu.
Sau Hiệp định Pa-ri (1973), từ chiến trường miền Nam, đồng chí trở về Bộ Tổng Tham mưu với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, phụ trách tác chiến và chi viện chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng chí đã cùng với tập thể Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu xúc tiến nghiên cứu kế hoạch tác chiến chiến lược, kế hoạch xây dựng và huấn luyện các binh đoàn chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho toàn quân và ở từng chiến trường chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị quyết định thành lập các quân đoàn chủ lực có sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, sức đột kích lớn, làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược: Quân đoàn 1 (tháng 10/1973), Quân đoàn 2 (tháng 5/1974), Quân đoàn 4 (tháng 7/1974), Quân đoàn 3 (tháng 3/1975); lực lượng các quân chủng, binh chủng và cơ quan tham mưu các cấp trong toàn quân nhanh chóng được kiện toàn theo hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh tiêu diệt lớn.
Trong phiên họp Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975, “Bàn về tình hình và nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước”, đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã báo cáo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam” được Hội nghị Bộ Chính trị nhất trí thông qua. Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, quân và dân ta đã nhanh chóng đập tan Quân khu 1 - Quân đoàn 1 của quân ngụy, mở đường tổng tiến công tiêu diệt hang ổ cuối cùng của chúng ở Sài Gòn. Đó chính là nhờ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nắm vững thời cơ lớn, đẩy mạnh tốc độ tiến công “1 ngày bằng 20 năm”; sự nỗ lực vượt bậc của các chiến trường, các quân khu, quân đoàn, các quân chủng, binh chủng đã nhanh chóng chuyển qua “kế hoạch đón thời cơ” sớm hơn dự kiến ban đầu. Trong đó, có vai trò to lớn của cơ quan tham mưu chiến lược là đã chủ động nghiên cứu trước một bước trong thời gian ngắn để hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đưa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng.
Nước nhà thống nhất, với trọng trách Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, đồng chí được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Kế hoạch chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước, một công tác mà Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các đơn vị, địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm. Công việc mới mẻ, song nhờ kinh nghiệm tích lũy được qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã cùng với tập thể Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu dần dần hoàn chỉnh các kế hoạch chiến lược nhằm điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng phù hợp với chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng các khu vực phòng thủ, nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu của LLVT ba thứ quân, từ đó xây dựng cơ quan tham mưu các cấp chính quy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trong những năm 1975 - 1978, đồng chí Hoàng Văn Thái đã cùng với tập thể Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cơ quan xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược; giúp Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về “Tổ chức, xây dựng LLVT” và Bộ Chính trị ra Nghị quyết về “đối tượng tác chiến mới” (6/1978), góp phần đánh bại bè lũ phản động Pôn-pốt - Iêng-xa-ri xâm lấn biên giới Tây Nam, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế theo yêu cầu của Đảng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia.
Năm 1979, do yêu cầu tình hình, nhiệm vụ bảo vệ biên giới, theo đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thống nhất tăng cường lực lượng chiến đấu ở các tỉnh biên giới; đồng thời, xây dựng thêm một số đơn vị binh chủng kỹ thuật mới; xây dựng kế hoạch phòng thủ trên hướng biển, đẩy mạnh việc tiếp tế, chi viện cho hải đảo, khẩn trương điều động lực lượng cho các khu vực trọng điểm; củng cố hệ thống cơ quan tham mưu các cấp giúp người chỉ huy chỉ đạo tác chiến; hướng dẫn và giúp đỡ đơn vị, nhân dân địa phương các tỉnh biên giới ngăn chặn, đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Không chỉ dày dạn trận mạc, Đại tướng Hoàng Văn Thái còn có nhiều cống hiến quan trọng vào công tác tổng kết chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự và xây dựng ngành lịch sử quân sự Việt Nam. Ngay từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, tờ “Quân sự tập san” (số 1 ra tháng 4/1948) do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách đã kịp thời phổ biến kinh nghiệm chiến đấu, là tiền đề hình thành tạp chí lý luận quân sự đầu tiên của quân đội ta. Trong lời giới thiệu đồng chí viết “cán bộ quân sự phải ra sức nghiên cứu học hỏi, phải thực hiện câu “Học tập trong chiến tranh để chỉ đạo chiến tranh”... “đem những kinh nghiệm sốt dẻo tại các mặt trận mua bằng giá xương máu, nêu lên mặt báo để phổ cập sâu rộng trong bộ đội và dân quân” [6]. Từ đó, mỗi khi kết thúc một chiến dịch, mỗi trận đánh, đồng chí Hoàng Văn Thái kịp thời chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá nghiêm túc những thành công cũng như khuyết điểm trong quá trình tổ chức và thực hành chiến đấu để rút ra những bài học thiết thực về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, về cách đánh đưa lên báo để giáo dục, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội trên chiến trường. Cũng từ đó, đồng chí luôn chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu biên soạn tài liệu huấn luyện để phổ biến cho cán bộ và bộ đội học tập, rút kinh nghiệm trong chuẩn bị cho các chiến dịch, các trận đánh tiếp theo. Những tài liệu huấn luyện do Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Trường Sỹ quan Lục quân và cơ quan tham mưu các cấp biên soạn được đưa vào giảng dạy, huấn luyện bộ đội, nhằm không ngừng nâng cao trình độ của cán bộ, chiến sỹ trong chiến đấu. Cũng qua công tác tổng kết, rút kinh nghiệm chiến đấu mà Bộ Tổng Tham mưu đã thu thập được nhiều tài liệu quý báu về chỉ đạo chiến tranh của Đảng, tập trung được nhiều tài liệu tổng kết các chiến dịch nhỏ, vừa và lớn, các trận đánh hay, phục vụ thiết thực cho tổng kết chiến tranh và biên soạn lý luận quân sự Việt Nam.
Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Hoàng Văn Thái đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự, nhất là về phương pháp nghiên cứu. Đồng chí yêu cầu cán bộ: “đã làm công tác khoa học phải có cách làm khoa học” [7], lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác tổng kết chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự phải nắm vững quan điểm đường lối quân sự của Đảng để thực hiện tốt công tác này. Phải bám sát thực tiễn, từ thực tiễn vô cùng phong phú trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để khái quát thành lý luận, rồi lại dùng lý luận để chỉ đạo mọi hoạt động quân sự của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là điều hết sức quan trọng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cơ quan tham mưu các cấp ngày nay cần nghiên cứu vận dụng để giải quyết nhiều vấn đề phát triển mới của nghệ thuật quân sự cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật cho phù hợp với tình hình và đối tượng tác chiến mới, phù hợp với điều kiện LLVT có những phát triển cả về tổ chức và trang bị hiện đại.
Đại tướng Hoàng Văn Thái luôn toát lên là người chỉ huy quân sự tài năng và đức độ, là nhà tham mưu chiến lược dầy dạn kinh nghiệm của quân đội ta. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị nào, đồng chí đều được cán bộ, chiến sỹ và đồng bào ta từ miền xuôi đến miền ngược, trong Nam hay ngoài Bắc đã từng sống và làm việc bên đồng chí đều tỏ lòng tin yêu, kính trọng một người thầy, một người anh, một người bạn. Đánh giá về công lao của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Anh Thái là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội ta. Anh có công đầu là đã từng bước xây dựng nên hệ thống cơ quan tham mưu của quân đội, từ Bộ Tổng Tham mưu cho đến cơ quan tham mưu các cấp, các đơn vị, các binh chủng và quân chủng cho đến các quân khu, các địa phương” [8].
Học tập tài năng, đức độ của Đại tướng Hoàng Văn Thái, cán bộ và chiến sỹ Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu quân sự - quốc phòng các cấp ngày nay không ngừng rèn luyện để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ và năng lực công tác chuyên môn, tham mưu trúng, đúng, có hiệu quả cho Đảng, Nhà nước, quân đội xử lý tốt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, mắc mưu của các thế lực thù địch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] - Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, HN 1999, tr. 16.
[2] - Lịch sử BTTM trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), HN 1992, tr. 7 - 8.
[3] - Lịch sử Đảng bộ BTTM - Cơ quan BQP (1945 - 2005), Nxb QĐND, Hà Nội 2011, tr. 13 - 14.
[4] - Hoàng Văn Thái, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Đạo, Mai Hữu Thao, Nguyễn Văn Trang, Vũ Văn Thềm, Nghiêm Xuân Hãn và Đỗ Xuân Sáng.
[5] - Lịch sử BTTM trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), H. 1992, tr. 181-182.
[6, 7] - Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, HN 1999, tr. 291 và tr. 33.
[8] - Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nxb QĐND, HN 1999, tr. 18.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự kiện khẳng định ý chí thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh
- Đại tướng Hoàng Văn Thái với cơ quan tham mưu các cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam
- “Tiếp lửa” trên đường 559 huyền thoại
- Công tác kỹ thuật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975