Giới thiệu > Chi tiết giới thiệu

Phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt (1991 đến nay)

(Bqp.vn) - Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhất là ở Đông Âu và Liên Xô trước đây, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Thường vụ Quân ủy Trung ương) ra Nghị quyết số 50/NQ-ĐUQSTW ngày 25/02/1988 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Trên cơ sở đó, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 đã ra Nghị quyết số 150/NQ-ĐU ngày 16/3/1989 thể hiện quyết tâm giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi tình huống.


Cán bộ, nhân viên y tế Viện 69 nghiên cứu làm chủ trang thiết bị mới.

Tháng 8/1991, khi Liên Xô tan rã, nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Xôviết cho các hoạt động chủ yếu của Công trình Lăng và chuyên gia kỹ thuật không còn; chuyên gia y tế sang không thường xuyên, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, đầy gian nan thử thách. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva, Liên bang Nga, từng bước vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kết quả cụ thể trên từng nhiệm vụ được đánh giá như sau:

1. Nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 10/7/1991, đồng chí Nguyễn Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng) chủ trì Hội nghị đặc biệt gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Uỷ ban Khoa học Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ); những cán bộ khoa học đầu ngành có liên quan tới nhiệm vụ của Lăng, đã kết luận: “Chính phủ vẫn giao việc bảo quản thi hài Bác cho Bộ Quốc phòng nhưng phương pháp giữ gìn Bác phải dựa vào các nhà khoa học. Cần huy động lực lượng nghiên cứu, xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật chuyên sâu. Trong thời gian qua ta mới chỉ làm được một số việc nhưng chưa chắc chắn cả về luận cứ khoa học; có những sự cố ta chưa xử lý được, cần phải tìm hiểu thêm để có thể xử lý chắc chắn. Trong phương hướng tới, Viện 69 của Bộ Tư lệnh Lăng nghiên cứu sâu hơn những đầu tư nghiên cứu thử nghiệm. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo y học và Uỷ ban khoa học Nhà nước có trách nhiệm quản lý khoa học, đầu tư nghiên cứu và triển khai làm ngay trong đầu năm 1992. Cần có Hội đồng khoa học để giám định và chỉ đạo”.

Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Đoàn 969 và Ban Quản lý Lăng đã có nhiều chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác.

Trước hết là nhanh chóng ổn định tư tưởng, kịp thời giải đáp những băn khoăn, lo lắng: “liệu đơn vị có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không còn sự giúp đỡ của Liên Xô”?, để tạo niềm tin và xây dựng quyết tâm cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị. Ta vừa tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia y tế Liên bang Nga đang còn làm việc tại Lăng, vừa chủ động làm thuốc để nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác không bị gián đoạn. Từ năm 1992 đến năm 1994, nhiều lần chuyên gia y tế Liên bang Nga không sang được, cán bộ y tế Viện 69 trực tiếp làm thuốc cho Bác. Khi Bạn sang kiểm tra đều có nhận xét chung: “Trạng thái thi hài Bác rất ổn định, công tác y tế được các chuyên gia Việt Nam thực hiện xuất sắc”.

Cuối năm 1992, dung dịch ta đặt mua của Bạn từ đầu năm vẫn chưa nhận được. Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho phép Ban Quản lý Lăng đặt vấn đề quan hệ trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (sau này đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva) trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức một đoàn cán bộ do Thượng tá Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Lăng làm Trưởng đoàn sang Matxcơva để thực hiện nhiệm vụ: “Đưa 100 kg dung dịch ta đã thanh toán tiền cho phía Nga về nước, kịp chuẩn bị cho kỳ bảo dưỡng năm 1993 và xây dựng mối quan hệ hợp tác trực tiếp với Viện cấu trúc sinh học Liên bang Nga”.

Vào hồi 14 giờ (giờ Matxcơva), ngày 28/12/1992, Lễ ký kết bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga được tiến hành, mở đầu cho một thời kỳ mới - Thời kỳ vượt qua biết bao khó khăn thử thách và tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, từng bước tiến tới làm chủ khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm tiếp theo, trong quan hệ trực tiếp với các nhà khoa học y tế L.B  Nga, đơn vị đã tận dụng thời cơ làm tốt công tác đối ngoại, giữ mối quan hệ hữu nghị, tình nghĩa thuỷ chung, vừa vận động, vừa khai thác có chất lượng hiệu quả sự giúp đỡ của Bạn. Ngoài việc cung cấp cho ta đủ thiết bị vật tư, hoá chất y tế, Bạn đã từng bước giúp ta đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu. Thông qua các khoá học và các đề tài hợp tác nghiên cứu giúp ta nắm chắc hơn công nghệ ướp bảo quản lâu năm về mặt sinh hoá, hình thái học, môi trường, có khả năng dự đoán xa một số biến đổi của thi thể, chủ động đề xuất các giải pháp phòng tránh, hoàn thiện quy trình làm thuốc, phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Cùng với việc giúp đỡ của Bạn, đơn vị tăng cường đầu tư xây dựng tiềm lực của Viện 69, đào tạo, bổ sung cán bộ, trang thiết bị và hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước, triển khai có kết quả nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cơ sở, đồng thời tổ chức nghiên cứu thực nghiệm. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào Bạn, nay ta đã làm chủ được các quy trình làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác.

Một bước phát triển quan trọng trong quá trình hợp tác với Bạn: Ngày 25/5/2003, Đoàn cán bộ Ban Quản lý Lăng, do Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh kiêm Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Trưởng Đoàn, sang Matxcơva làm việc với Bạn về phối hợp với ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Đây cũng là niềm ước mong của các thế hệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi ta đặt vấn đề về sự phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam và lần đầu tiên sẽ được tiến hành vào mùa Xuân năm 2004. Sau buổi nghiệm thu đề tài Hợp đồng số 9 và số 10, Bạn đã đánh giá cao kết quả hợp tác nghiên cứu giữa chuyên gia Nga và các bác sĩ Việt Nam và Bạn khẳng định có đủ điều kiện để phối hợp cùng với ta pha chế dung dịch tại Việt Nam từ mùa Xuân năm 2004. Vào 14 giờ (giờ Matxcơva) ngày 04/6/2003, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva và Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Biên bản: “Bạn bàn giao tỉ lệ hoá chất dung dịch và nhất trí phối hợp với cán bộ, bác sĩ của ta pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam vào Quý I năm 2004”.

2. Nhiệm vụ quản lý vận hành thiết bị kỹ thuật

Sau một thời gian dài sử dụng, hệ thống thiết bị của Công trình Lăng và các công trình liên quan đã xuống cấp, đến thời kỳ phải thay thế, nhưng nguồn viện trợ và giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô không còn, đơn vị đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có đủ trình độ năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện có và lắp đặt hệ thống thiết bị công nghệ mới.

 Trong quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật, đơn vị đã tổ chức phát động Cuộc vận động: “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, quản lý chặt chẽ, vận hành hợp lý, hiệu quả thiết bị hiện có, vừa ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để kéo dài thời gian khai thác, sử dụng các thiết bị, vừa đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội nghiên cứu, thử nghiệm thay thế dần các thiết bị cũ bằng những thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và từng bước đáp ứng yêu cầu tự động hoá; đồng thời tập trung xây dựng và triển khai chương trình đổi mới, thay thế thiết bị tổng thể hệ thống cung cấp điện, nước, điều hoà, như: Lắp đặt bổ sung hệ thống điều hoà cục bộ K5, điều hoà trung tâm K1, K2, K3, K4; thay thế tổ hợp máy lạnh Daikin, máy lạnh Carrier; lắp đặt hệ thống cấp nước tuần hoàn giải nhiệt cho các bình ngưng của máy lạnh; thay các biến thế điện, lắp đặt máy phát điện điêden 1250 kVA... bảo đảm tính bền vững, lâu dài, hoạt động ổn định, chính xác, an toàn, tin cậy, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận hành.

Quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo khu pha chế dung dịch gồm các phòng thí nghiệm liên hoàn, các trang thiết bị hiện đại có độ chính xác cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Viện 69 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và pha chế dung dịch đặc biệt.

3. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ và sẵn sàng chiến đấu

Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ trong tình hình mới được các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đặc biệt quan tâm. Đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án, các quy chế, quy định trong bảo đảm an ninh, nghi lễ, SSCĐ trong từng khu vực đảm nhiệm. Duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về đảm bảo an ninh công trình, tổ chức canh phòng, trực chỉ huy, trực ban, trực chiến SSCĐ. Chủ động phối hợp với các lực lượng bảo đảm tuyệt đối an toàn các buổi lễ viếng Bác, sinh hoạt chính trị văn hoá ở khu vực Lăng, nhất là các buổi Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm, 55 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thường xuyên thực hiện trang trọng nghi lễ quốc gia và nghi lễ quân đội tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ và tham gia các nghi lễ đột xuất; chủ động nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Bác. Thể hiện tình cảm trân trọng và sự gắn kết đặc biệt về hình ảnh Tổ quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của Bác, đơn vị đã thực hiện trang nghiêm nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Bác, gây được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và khách quốc tế.

4. Tích cực cải tiến, nâng cao chất lượng nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền

Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền luôn được cải tiến, đổi mới về nội dung hình thức, phục vụ chu đáo nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, các sinh hoạt chính trị, văn hoá ở khu vực Lăng và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Phối hợp với các lực lượng tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác ngày càng đông được an toàn thuận lợi.

Từ ngày mở cửa Lăng đến nay đã đón tiếp hơn 43 triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế của hơn 100 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hầu hết các đoàn nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam; đại biểu tham dự các hội nghị quốc tế tại Việt Nam đều đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 2003 đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tổ chức đón tiếp các Đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với Cách mạng ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ Cách mạng về Lăng viếng Bác và tham quan các Khu di tích, gây được ấn tượng và tình cảm tốt đẹp; góp phần đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (mái che, bình nước uống, nhận trả máy ảnh) phục vụ công tác đón tiếp được thuận lợi, chu đáo; xây dựng 7 bộ phim video, 5 đầu sách và nhiều ấn phẩm văn hoá, huy hiệu Bác, băng ca nhạc… phục vụ công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Từ ngày 18/5/2007, đã khai trương và duy trì hoạt động nề nếp Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, góp phần tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đón tiếp, tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Khu Di tích K9 và hoạt động của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng.

5. Tôn tạo kiến trúc, cảnh quan môi trường khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là điểm sáng về xanh, sạch, đẹp

Đã quan tâm đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, hệ thống vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, các khu tập kết khách quốc tế và nhân dân vào viếng Bác. Hàng năm thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa tôn tạo kiến trúc Công trình Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, các công trình liên quan, bảo đảm cho các công trình luôn bền vững, khang trang sạch đẹp, tương xứng với ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng.

Tích cực tuyên truyền và tổ chức tốt việc tiếp nhận cây hoa, cây cảnh, vật tư gỗ, đá quý hiếm của các địa phương trao tặng phục vụ tôn tạo và trang trí tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ ngày 19/5/2012, đơn vị đã chủ động phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức khu vực dành cho người đi bộ (giai đoạn 1) ở 3 tuyến phố phía Nam Công trình Lăng Bác, tạo không gian rộng và cảnh quan môi trường phục vụ khách tham quan khu vực Lăng.

6. Thường xuyên quan tâm xây dựng đơn vị VMTD, xây dựng Đảng bộ TSVM

Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969 đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp về cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, bồi dưỡng cấp ủy, phát triển đảng viên mới, xây dựng các đảng bộ cơ sở, chi bộ TSVM, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động của đơn vị. Hàng năm trên 90% đảng bộ, chi bộ đạt TSVM, trên 80% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các cấp tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị tư tưởng, giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao, trung thành, tận tuỵ và gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng tổ chức biên chế phù hợp; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân kỹ thuật, y tế có trình độ chuyên môn, chuyên sâu cao; đào tạo cán bộ quản lý, chỉ huy theo hướng cơ bản, vững chắc; đào tạo Hạ sĩ quan-chiến sĩ tinh thông nghiệp vụ; quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó.

File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.