Giới thiệu > Chi tiết giới thiệu

Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác (1969-1975)

(Bqp.vn) - Trong 6 năm (1969 - 1975) cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô vượt qua bao thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và lũ lụt, âm thầm, lặng lẽ vượt qua những khó khăn, gian khổ, lập lên những chiến công thầm lặng, bí mật: 6 lần di chuyển thi hài Bác thành công, làm thuốc, bảo quản giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác.

Giai đoạn chuẩn bị giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5/1967, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì.

Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã cử 3 đồng chí: Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài từ ngày 02/9/1967 đến 4/1968.

Tháng 6/1968, thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc Quân y Viện 108 và điều động các đồng chí Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt, để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi xa. Nhiệm vụ của Tổ y tế đặc biệt trong thời gian này là:

- Tổ chức bồi dưỡng học tập nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nhân viên trong tổ, tiếp tục sưu tầm thêm những tài liệu, những cuốn sách viết về phương pháp ướp xác cổ truyền của dân tộc và của phương Đông...

- Chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết. Tổ chức thực tập để các cán bộ, nhân viên thành thạo nghiệp vụ và phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh do môi trường ở Việt Nam khác với Liên Xô. Được sự giúp đỡ của Viện Quân y 108, Cục Quân y và Bộ y tế, công tác thực tập, thực nghiệm đã được tiến hành.

Cùng với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng công trình (mật danh 75A) ở phía sau nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi đặt thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang. Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ xây dựng Công trình này với mật danh 75B.

Thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh (1969 - 1975).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thi hài của Người được chuyển về Quân y Viện 108. Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô sát cánh bên nhau, tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỷ mỷ, chính xác rất cao. Những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu, tóc của Bác được giữ đúng như khi Người còn sống.

Ngay trong những ngày lễ viếng Bác, Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đề nghị sau lễ truy điệu cần đưa Bác sang Liên Xô để giữ gìn lâu dài. Chỉ có ở Matxcơva mới đủ điều kiện về môi trường và trang thiết bị. Vì ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, cơ sở vật chất thiếu, lại đang có chiến tranh ác liệt, nên việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn.

Ngày 29/11/1969 Bộ Chính trị đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đế quốc Mỹ có thể tráo trở tiếp tục ném bom trở lại miền Bắc với quy mô ác liệt hơn. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định vừa giữ Bác ở công trình 75A, mặt khác phải lựa chọn K9, nơi Bác đã chọn làm căn cứ của Trung ương, để cải tạo, khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó. Sau hơn ba tháng thi công, ngày 15/12/1969 công trình hoàn thành và để giữ bí mật, K9 được đổi tên thành K84.

Lần đầu tiên di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A lên K84

Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Sau hơn bốn giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 an toàn. Từ đó K84 thay thế 75A làm công tác giữ gìn thi hài Bác.

Ngày 16 tháng 2 năm 1970, theo đề nghị của Ban Chỉ đạo, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Đoàn 69 (đồng chí Nguyễn Gia Quyền làm Đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hanh làm Chính uỷ) trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần thứ hai di chuyển thi hài Bác từ K84 về 75A

Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng 11 năm 1970 máy bay Mỹ đã liều lĩnh tập kích bất ngờ bằng đường không vào một trại giam giặc lái Mỹ ở ven thị xã Sơn Tây. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển Bác về lại Hà Nội. Đêm ngày 03 tháng 12 đoàn xe lặng lẽ rời căn cứ K84, đến 3 giờ sáng ngày 04 tháng 12 năm 1970 đoàn xe di chuyển thi hài Bác về đến 75A.

Lần thứ ba di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84

Mùa thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn, nước sông Hồng lên cao, Thủ đô Hà Nội bị đe dọa ngập lụt. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển Bác trở lại căn cứ K84. 11 giờ trưa ngày 19/8/1971, đoàn xe được lệnh rời 75A đưa Bác tới K9 vào chiều tối cùng ngày.

Lần thứ tư di chuyển thi hài Bác từ K84 sang H21

Năm 1972, Mỹ leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, K84 ở xa nhưng lại nằm trên đường bay của Không quân Mỹ khi chúng bay vào đánh phá Hà Nội. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến H21. 21 giờ ngày 11/7/1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84, vượt sông Đà đến H21 an toàn.

Lần thứ năm di chuyển thi hài Bác từ H21 về K84

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ bằng B52 vào Hà Nội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đón Bác về K84. 21 giờ ngày 08/02/1973 (mùng 4 Tết) đoàn xe được lệnh xuất phát đưa Bác về lại K84.

Đón Bác về Lăng

Ngày 2/9/1973, Công trình Lăng Bác được khởi công, sau hai năm xây dựng công trình hoàn thành. Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát. 20 giờ đoàn xe đưa Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng. Giờ phút ấy thật trang nghiêm, xúc động sau những năm tháng phải tạm xa Người, Người phải tạm xa Thủ đô yêu dấu.

File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.