Web Content Viewer
Quân đội thời kỳ Hậu Lê
(Bqp.vn) - Lực lượng vũ trang của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn và sau đó của nhà nước phong kiến triều đại Hậu Lê. Trải qua ba thời kỳ xây dựng và tồn tại: Thời kỳ khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh giải phóng (1418 - 1427); thời kỳ các vua Lê trị vì đất nước (thời Lê Sơ, 1428 - 1527) và thời kỳ Lê Trịnh (Lê Trung Hưng, 1533 - 1788).
Trong thời kỳ thứ nhất (1418 - 1427), lực lượng khi mới khởi nghĩa khoảng 2.000 người, trang bị thô sơ. Được nhân dân ủng hộ và phát triển nhanh chóng trong chiến tranh. Đến năm 1426, quân số đã lên tới 250.000 người, tổ chức thành các vệ, các đội tượng binh, thủy binh và kỵ binh. Đã chiến đấu và giải phóng đất nước (khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh).
Thời kỳ thứ hai (1428 - 1527), lực lượng được tổ chức lại thành quân đội của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, có cơ cấu phù hợp với bộ máy hành chính: cả nước chia thành 5 đạo; ở mỗi đạo, quyền điều hành về các mặt quân, dân, chính đều tập trung ở quan Hành khiển. Dưới đạo là trấn, phủ, huyện, xã. Quân đội Hậu Lê gồm quân ở kinh đô (cấm vệ) và quân ở 5 đạo.
Chế độ tuyển quân dựa trên việc kiểm kê quân số và lập sổ hộ tịch. Dân đinh từ 18 tuổi trở lên được chia làm 6 hạng: Tráng hạng (người khỏe mạnh), quân hạng (quân dự bị), dân hạng, lão hạng (trên 50 tuổi), cổ hạng (có bệnh tật), cùng hạng (nghèo khổ nhất).
Thời ky thứ ba (1533 - 1788), việc xây dựng lực lượng vũ trang phụ thuộc tình hình chính trị - xã hội. Quân đội Hậu Lê thời kỳ này, về thực chất là quân đội các chúa Trịnh. Lực lượng thường trực có quân số khoảng 120.000 người chia thành: binh thị hậu (lực lượng tin cậy của chúa, đóng giữ kinh đô) và ngoại binh (lực lượng cơ động, đóng ngoài kinh đô và các nơi hiểm yếu).
Đơn vị tổ chức của quân thủy là thuyền, tùy loại thuyền, có biên chế 20 - 86 người. Có khoảng 500 - 600 chiến thuyên, mỗi chiến thuyền gắn 3 - 5 pháo. Đơn vị tổ chức của quân bộ là dinh, một dinh có 160 - 800 người. Ngoài lực lượng chính quy còn có hương binh và thổ trước binh (ở đồng bằng miền núi). Để bổ sung quân số, ngoài chế độ binh dịch theo nghĩa vụ, từ năm 1727, Quân đội Hậu Lê áp dụng chế độ tuyển mộ (có trả lương, phục vụ tại ngũ lâu dài) vào lực lượng chính quy. Trong thời kỳ này do quan hệ với một số nước phương Tây (Hà Lan, Bồ Đào Nha...) đã sản xuất và đưa vào trang bị mới súng quá sơn, đạn hồ, điệp tử, quả nổ...
Quân đội Hậu Lê cuối thế kỷ XVIII chiến đấu kém, tan rã trước sức mạnh tấn công của quân đội Tây Sơn.