Web Content Viewer
Quân đội nhà Nguyễn
(Bqp.vn) - Lực lượng vũ trang của tập đoàn phong kiến các chúa Nguyễn cát cứ ở phương Nam và sau đó của nhà nước phong kiến triều đại Nguyễn. Trải qua hai thời kỳ tổ chức xây dựng.
Thời kỳ I (1558 - 1777), từ khi Nguyễn Hoàng đem quân đi trấn thư Thuận Hóa tới khi chúa Nguyễn cuối cùng (Nguyễn Phúc Thuần) bị giết.
Thời kỳ II (1778 - 1945), từ lúc Nguyễn Ánh xây dựng lực lượng đánh bại nhà Tây Sơn đến hết triều vua Nguyễn cuối cùng (Bảo Đại).
Sau khi quân Xiêm thua tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút (19/01/1785), được sự giúp đỡ của giám mục Bá Đa Lộc và người Pháp, Nguyễn Ánh tổ chức được một đội quân (có cả lính đánh thuê), đánh bại nhà Tây Sơn.
Từ năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu Gia Long. Quân đội Nhà Nguyễn được xây dựng theo mẫu hình quân đội nhà nước phong kiến; trải qua hai giai đoạn xây dựng và tồn tại:
Giai đoạn I (1802 - 1883), quân đội của vương triều quốc gia độc lập; giai đoạn II (1884 - 1945), quân đội của nhà nước phong kiến mất chủ quyền.
Trong giai đoạn I, Quân đội nhà Nguyễn gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, pháo thủ binh và kỵ binh. Các loại quân này đã có cơ cấu tổ chức, chỉ huy khá hoàn chỉnh và chia thành hai lực lượng chính quy: Vệ binh và Cơ binh.
Vệ binh là lực lượng đóng quân ở kinh đô (Phú Xuân), có khoảng 40.000 người, tổ chức thành doanh (gồm 5 vệ).
Cơ binh là lực lượng đóng giữ ở các tỉnh, trấn (như ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...). Dưới thời Gia Long, Cơ binh có số quân đông (khoảng trên 150.000 người), sau giảm dần; đến năm 1880, ở miền Bắc có khoảng 60.000 người.
Ngoài vệ binh và cơ binh, còn có lính trạm, lính lệ (năm 1880, ở miền Bắc có khoảng 5.000 lính trạm, 5.000 lính lệ). Trang bị trong quân đội Nguyễn khá phát triển, có nhiêu loại hỏa khí như: ông phun lửa, quả nổ, súng, pháo.
Quân số đời Minh Mạng đến Tự Đức khoảng 120.000 người. Binh lính được tuyển ở Nam Kỳ và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Mỗi hạn là 15 năm đối với lính tuyển từ các tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa. Quan võ được tuyển qua các kỳ thi võ. Binh lính được cấp ruộng làng, lương ăn và một ít tiền. Quân đội Nguyễn (trước năm 1858) sức chiến đấu kém (do trang bị lạc hậu, binh lính ít được tập luyện; triều đình xem thường việc quân...), không chống nổi quân Pháp có số lượng ít hơn.
Giai đoạn hai (1884 - 1945), Pháp thống trị Việt Nam, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) với tính chất và hình thức cai trị khác nhau ở mỗi kỳ. Quân đội Nguyễn gồm hai thành phần: Vệ binh và Cơ binh.
Vệ binh chỉ còn lại thêm binh, gồm 2.000 người chia thành 4 vệ, mỗi vệ khoảng 500 người và đội quân nhạc 50 người.
Cơ binh chủ yếu là bộ binh, chỉ còn lại ở Bắc Kỳ, do quan đầu tỉnh người Việt Nam sử dụng dưới sự giám sát của công sứ Pháp; gồm trên 27.000 người (1886), chia thành 4 đạo: đạo Hà Nội và phần Sơn Tây hữu hạn sông Hồng, Mỹ Đức, khoảng 6.260 người; đạo Bắc Ninh và phần Sơn Tây tả ngạn sông Hồng vối 7.500 người; đạo Hải Dương, Hưng Yên 6.860 người; đạo Nam Định, Ninh Bình gồm 6.900 người. Cơ binh được thành lập lại do Pháp tổ chức, trang bị, trả lương theo nghị định của toàn quyền Đông Dường (1891) với số lượng 4.000 người để phục vụ quan lại người Việt Nam ở tỉnh, huyện và canh gác công sở.
Từ đây, Quân đội Nhà Nguyễn không còn là lực lượng vũ trang của một nước phong kiên độc lập, chấm dứt tồn tại cùng sự tiêu vong của nhà Nguyễn (Bảo Đại thoái vị) trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.