Web Content Viewer
Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của chiến lược bảo vệ môi trường trong quân đội
(Bqp.vn) - Bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Nhằm cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu và các nội dung cơ bản trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngày 01/4/2006, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Chiến lược BVMT của Bộ Quốc phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản về BVMT trong quân đội như sau:
Quan điểm
- BVMT là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội và hiệu quả hoạt động quân sự của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
- BVMT vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện lồng ghép trong nội dung chỉ đạo quy hoạch chiến lược, các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư nói chung và dự án BVMT nói riêng, cũng như trong mọi hoạt động thường xuyên của đơn vị; mối quan hệ này cần được quan tâm giải quyết đồng bộ ở mọi nơi, mọi lúc;
- BVMT lấy phương châm phòng ngừa là chính. Đối với các biện pháp giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên… cần kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống cùng các biện pháp quản lý hành chính;
- BVMT là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng. BVMT phải gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, không gây phương hại đến an ninh, quốc phòng;
- Việc tăng cường đào tạo, giáo dục nâng cao năng lực và ý thức BVMT, xã hội hóa công tác BVMT trong toàn quân là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động BVMT.
Phát huy bản chất, truyền thống trong chiến đấu, quân đội luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ BVMT, quân đội phải là lực lượng nòng cốt đáng tin cậy của Nhà nước trong khắc phục hậu quả tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh và ứng cứu sự cố môi trường.
Mục tiêu định hướng đến 2020
Xây dựng tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực đủ mạnh tương xứng với nhiệm vụ BVMT quốc phòng trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức quản lý hoạt động môi trường quân sự.
Nhiệm vụ cơ bản
Bảo vệ môi trường khu vực đóng quân
BVMT là nội dung ưu tiên trong Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ BVMT nơi đóng quân đến năm 2010 bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Triển khai nghiên cứu đặc điểm môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hôi, dự báo các ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe và hoạt động của đơn vị;
- Thực hiện quy hoạch môi trường lâu dài khu vực đóng quân để bảo đảm đủ và đạt chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất quốc phòng (đặc biệt là các đơn vị vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo), chất lượng không khí đạt tiêu chuẩn cho phép, không có nguồn phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, không có ổ dịch và tồn lưu bom mìn, chất độc quân sự;
- Đối với các doanh trại, cơ sở quân sự đang đóng ở nơi có điều kiện môi trường không còn phù hợp, cần điều chỉnh, đầu tư cải tạo các yếu tố không thuận lợi về môi trường (về cấp, thoát nước; quản lý, xử lý chất thải ô nhiễm môi trường, phòng trừ dịch bệnh…);
- Khuyến khích việc trồng cây tăng tỉ lệ phủ xanh ở các đơn vị. Tích cực làm phong phú các hình thức hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây”, với khẩu hiệu “Mỗi quân nhân trồng 1 cây xanh”;
- Khuyến khích các đơn vị quân đội, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên các địa bàn chiến lược, khu kinh tế - quốc phòng, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và nhân dân khu vực đóng quân tiến hành cải tạo ô nhiễm môi trường, trồng cây chăm sóc bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, tạo môi trường phù hợp với hoạt động quốc phòng và góp phần BVMT quốc gia.
BVMT khu vực sản xuất, sửa chữa quốc phòng
- Các cơ sở sản xuất, sửa chữa quốc phòng đang hoạt động phải tăng cường công tác an toàn, ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp. Trước hết, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đánh giá tác động môi trường, tăng cường quan trắc, giám sát môi trường, từng bước đưa kiểm toán môi trường vào quy trình sản xuất;
- Tất cả các cơ sở sản xuất quốc phòng cần xây dựng “Kế hoạch an toàn, dự phòng và xử lý sự cố môi trường”. Kế hoạch này phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được các đơn vị tổ chức diễn tập, thực hành hàng năm;
- Các dự án công nghiệp quốc phòng mới phải được lựa chọn tiếp nhận công nghệ tiên tiến, tiêu tốn ít nhiên, nguyên liệu và giảm thiểu chất thải;
- Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các chính sách và tổ chức xứ lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực hiện tốt quy định về thu phí nước thải công nghiệp;
- Tổ chức xây dựng hệ thống giám sát môi trường trong các nhà máy quốc phòng, phổ biến và khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 và các phương pháp quản lý tiên tiến vào hoạt động sản xuất quốc phòng, giảm sự cố kỹ thuật, bảo đảm an toàn sản xuất;
- Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và các quân binh chủng, quân khu có kế hoạch kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất thuộc ngành quản lý, tổ chức lại hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất đối với các cơ sở không trực tiếp phục vụ quốc phòng gây ô nhiễm môi trường;
- Các đơn vị bảo đảm kỹ thuật thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng kỹ thuật cần kết hợp hài hòa giữa công tác bảo đảm kỹ thuật với yêu cầu BVMT ở đơn vị.
BVMT trong các hoạt động y dược, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và diễn tập
Ngoài nhiệm vụ BVMT khu vực đóng quân và sản xuất quốc phòng, các hoạt động quốc phòng khác có tính chất lưỡng dụng, nhiệm vụ BVMT không có sự khác biệt lớn so với các hoạt động dân sự: hoạt động của các cơ sở y dược, bệnh viện, giao thông vân tải, đào tạo huấn luyện, các kho tàng bảo quản cơ sở vật chất quốc phòng (trừ các kho vũ khí, vật liệu nổ) và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ:
- Đối với các đơn vị quân y, bệnh viện, bệnh xá, phòng khám, các sở điều dưỡng, cơ sơ sản xuất, kiểm nghiệm thuốc cần hoàn thiện hệ thống quản lý và xử lý chất thải y tế đạt quy định của Nhà nước, bảo đảm tốt việc cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, tránh lây lan chất thải chứa mầm bệnh và các yếu tố nguy hại ra khu vực xung quanh;
- Đối với hoạt động giao thông vận tải quân sự, nội dung BVMT trong hoạt động vận tải quân sự được xác định là:
Đẩy mạnh công tác giáo dục, tập huấn nâng cao ý thức và hành động về BVMT của bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự;
Tăng cường bảo dưỡng, cải tiến nâng cấp các phương tiện giao thông quân sự đạt tiêu chuẩn Việt Nam về khí thải, độ ồn, độ rung… Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện giao thông quân sự không đạt tiêu chuẩn môi trường (trong diễn tập, giao thông, huấn luyện thời bình);
Các cảng hải quân, xưởng sửa chữa, đóng tàu của Bộ Quốc phòng cần được trang bị hệ thống thu gom dầu nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt việc xả dầu, mỡ, nhiên liệu, chất độc, chất phóng xạ trực tiếp ra sông, biển. Các tàu của Bộ Quốc phòng hoạt động trong thời bình cần thực hiện đúng các quy định của Công ước Quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (MARPOL 73/78) và của Nhà nước về BVMT biển, ven biển và hải đảo;
Các sân bay quân sự và các đơn vị không quân cần được trang bị hệ thống an toàn dự phòng và xử lý sự cố cháy nổ và các sự cố môi trường khác;
Hạn chế mở các tuyến đường giao thông quân sự qua các khu vực sinh quyển, vườn quốc gia, khu di sản văn hóa đã được Nhà nước công nhận;
- Đối với các đơn vị huấn luyện, cần nghiên cứu xây dựng bổ sung các quy định chi tiết về BVMT trong diễn tập, hoạt động quân sự và đóng quân dã ngoại (đặc biệt là các thao trường bãi lái xe cơ giới, tăng thiềt giáp).
Các trường bắn, bãi tập cần có quy hoạch tổng thể đáp ứng yêu cầu cả về huấn luyện, cả về môi trường và được xây dựng ở các điểm cách xa khu vực dân cư, khu sản xuất, khu du lịch để tránh gây ồn, rung và mất an toàn. Việc xác định khu vực diễn tập của các quân binh chủng cần tính tới điều kiện môi trường và tài nguyên để hạn chế đến mức thấp nhất việc ô nhiễm không khí, đất và nước. Hạn chế việc xả nhiên liệu và các chất thải vật liệu nổ trực tiếp vào môi trường trong quá trình diễn tập (hoặc phải xử lý trả lại môi trường sạch sau diễn tập). Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì chức năng kinh tế - sinh thái của các vùng khu bảo tồn thiên nhiên liên quan đến khu vực trường bắn và thao trường.
Các đơn vị quản lý các kho, bãi quân sự, bảo quản cấp phát vũ khí, đạn dược, nhiên liệu cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch an toàn, dự phòng và xử lý sự cố môi trường”. Cần nghiên cứu quy hoạch hệ thống kho quân sự phù hợp với điều kiện môi trường và yêu cầu tác chiến. Tăng cường trang bị hệ thống báo động, ứng cứu cháy, nổ và đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân viên về nghiệp vụ ở các kho bảo quản vũ khí.
Quân đội tham gia BVMT quốc gia
Quân đội được xác định là lực lượng nòng cốt của Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ khắc phục sự cố BVMT quốc gia. Trước hết, các đơn vị, đặc biệt là các đầu mối trực thuộc Bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, căn cứ đặc điểm yêu cầu BVMT khu vực và chuyên ngành, cơ sở vật chất vũ khí trang bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, nhân viên kỹ thuật, cần hình thành kế hoạch tổng thể và lồng ghép công tác BVMT quốc gia vào trong chương trình mục tiêu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó chú trọng các nội dung sau:
- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 - 2010 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam theo Quyết định số 67/2004/QĐ-TTg ngày 27/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ;
- Hoàn thành dự án tổng điều tra hiện trạng bom, mìn và vật nổ còn sót sau chiến tranh, đánh giá, đề xuất các giải pháp xử lý phục vụ phát triến kinh tế - xã hội đất nước;
- Gương mẫu đi đầu trong giữ gìn, bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học: trồng, bảo vệ rừng, cải tạo cảnh quan, phát triển các mô hình kinh tế kết hợp với quốc phòng (đặc biệt là trên địa bàn chiến lược trọng yếu của quốc gia);
- Cụ thể hóa các phương án xây dựng lực lượng nòng cốt ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường trên phạm vi toàn quốc. Hàng năm có kế hoạch tổ chức diễn tập các tình huống giả định sát với thực tế, bảo đảm chủ động có khả năng đối phó kịp thời các thảm hoạ xảy ra đạt hiệu quả cao;
- Nghiên cứu các giải pháp phòng và chống khủng bố môi trường, phòng chỗng vũ khí hoá học, sinh học và hạt nhân;
- Tăng cường khả năng và thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát và xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và huấn luyện trong các nhà trường của quân đội;
- Mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng phát triển công nghệ phục vụ BVMT, ưu tiên giải quyết những yêu cầu bức bách về cải thiện chất lượng cung cấp nước sinh hoạt cho bộ đội, các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chuyển dịch các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm sang công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, kiểm toán và thân thiện môi trường;
- Nâng cao năng lực tham gia hoạt động quan trắc và giám sát môi trường: hóa chất độc, phóng xạ, môi trường biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng và quốc gia.