Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Binh chủng Hoá học với nhiệm vụ xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh

10:22 | 13/11/2012

(Bqp.vn) - Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp, đồng thời triển khai những việc làm thiết thực để khắc phục hậu quả mà cuộc chiến tranh đã gây ra đối với người dân Việt Nam, trong đó có vấn đề xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.


Bộ đội Hoá học xứ lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải hơn 74 triệu lít chất độc da cam (trong đó có hàng trăm kilôgam chất độc điôxin) và hơn 9.000 tấn chất độc CS trên khắp chiến trường miền Trung, miền Nam. Đến nay, sự độc hại của các chất độc vẫn đang hàng ngày tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và môi trường sinh thái.

Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng luôn quan tâm sâu sắc vấn đề trên, đã chỉ đạo trực tiếp Binh chủng Hoá Học chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp tiến hành khảo sát trên quy mô toàn quốc để đề xuất và thực hiện các phương án xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh. Trên khắp miền Trung, miền Nam, rất nhiều khu đất nhiễm độc tại các bãi chứa, nạp, rửa, đặc biệt ở các sân bay quân sự cũ mà Mỹ đã từng sử dụng trong cuộc chiến tranh. Ví dụ: tại sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng, Phù Cát kết quả khảo sát cho thấy hàm lượng điôxin tồn lưu trong đất tại khu vực này cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép đối với đất phi nông nghiệp (ngưỡng 1.000 ppt), đặc biệt sự thẩm thấu đã đạt đến độ sâu trên 1 m. Trên khắp các khu vực như Tây Nguyên, Quân khu 5, Quân khu 9, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế… đều phát hiện thấy chất độc CS và đạn dược của Mỹ trong chiến tranh chứa chất độc CS.

Việc xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh từ lâu đã được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, các lực lượng đặt ra thành nhiệm vụ cấp thiết phải kiên quyết thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định; Bộ Quốc phòng cũng có các văn bản như: Chỉ thị số 55/CT-QP, Quyết định số 33/2007/QĐ-BQP, Quyết định số 1754/QĐ-BQP về nhiệm vụ này… Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trên, những năm qua, Binh chủng Hoá Học đã thể hiện vai trò tiên phong, nòng cốt trong xử lý chất độc hoá học tồn lưu.

Ngay sau chiến tranh, Binh chủng Hoá học đã thu gom và xử lý chất độc CS, nhưng triển khai mang tính chất cơ bản thì bắt đầu từ năm 1995 với việc thực hiện nhiều dự án về điều tra, khảo sát, thu gom và xử lý chất độc CS trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị trở vào:

- Tại khu vực Tây Nguyên đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 48 huyện thuộc 5 tỉnh và một số kho, cụm kho; phát hiện, thu gom và xử lý 72.336 kg chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 48.084 kg chất độc CS và 24.252 kg đạn dược chứa CS);

- Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 8 huyện và một số kho; phát hiện, thu gom và xử lý 20.439 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 19.439 kg chất độc CS và 1.000 kg đạn dược chứa CS);

- Tại Quân khu 5 (trừ Tây Nguyên) đã tiến hành điều tra trên địa bàn của 57 huyện, thị thuộc 7 tỉnh và một số kho, cụm kho; phát hiện, thu gom và xử lý 150.960 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 56.790 kg chất độc CS và 94.170 kg vũ khí, đạn dược và phương tiện chứa CS);

- Trên địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9 đã tiến hành điều tra tại 170 huyện, thị thuộc 20 tỉnh và một số đơn vị; phát hiện, thu gom và xử lý 55.579 kg chất độc CS và đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có 17.227 kg chất độc CS và 38.352 kg đạn dược chứa CS);

- Tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định đã tiến hành xử lý triệt để và an toàn 36.114 kg chất độc CS và đạn dược, thùng chứa chất độc CS.

Đến nay đã điều tra được 283 huyện, quận, thị của 34 tỉnh và một số Cụm kho, kho lớn của Tổng cục Kỹ thuật, các quân khu (4, 5, 7, 9. Tổng số đã phát hiện, thu gom và xử lý hơn 344 tấn chất độc CS và vũ khí, đạn dược, phương tiện chứa chất độc CS (trong đó có hơn 160 tấn chất độc CS và trên 184 tấn vũ khí, đạn dược chứa CS). Về cơ bản, một khối lượng lớn chất độc CS trên khắp miền Trung và miền Nam đã được thu gom và xử lý, trả lại môi trường trong sạch tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Viện Hoá Học và Môi trường Quân sự thuộc Binh chủng đang chủ trì phối hợp với các cơ quan và đơn vị tiếp tục thực hiện dự án mở “Điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Kiên Giang” nhằm kịp thời thu gom và xử lý chất độc CS tại các điểm nhỏ lẻ khi địa phương hoặc đơn vị phát hiện thấy; đồng thời tổ chức huấn luyện, đào tạo cho cán bộ hoá học của các tỉnh, quân khu, quân đoàn về phương pháp thu gom, xử lý chất độc CS đã được Bộ Quốc phòng ban hành.

Từ năm 1995, Binh chủng Hoá Học đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Học viện Quân y, Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá độ tồn lưu chất độc dacam/điôxin; nghiên cứu các giải pháp xử lý đất nhiễm chất độc dacam/điôxin và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm thời, chống lan toả chất độc ra môi trường xung quanh; nghiên cứu, đánh giá hậu quả và ảnh hưởng lâu dài của chất độc dacam/điôxin đối với con người và môi trường sinh thái, với 3 dự án tại các sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng và Phù Cát.

- Tại sân bay Biên Hòa, kết quả phân tích mẫu đất lấy tại nhiều điểm của khu vực này cho thấy hàm lượng chất 2,4-D; 2,4,5-T và điôxin tồn lưu trong đất là rất cao, phân bố không theo một quy luật nhất định và ở các độ sâu rất khác nhau. Với đề tài “Nghiên cứu giải pháp xử lý khu vực đất nhiễm chất độc điôxin”, Binh chủng Hoá học đã nghiên cứu các giải pháp tiêu độc điôxin bằng các phương pháp: hóa học, hoá sinh, quang học. Từ đó, đã triển khai các pilot tiêu độc thử nghiệm và áp dụng các biện pháp chống lan toả đất nhiễm tạm thời; đồng thời, phối hợp triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác.

- Tại sân bay Đà Nẵng, đã tiến hành lấy và phân tích mẫu, đánh giá mức độ tồn lưu điôxin. Bằng các biện pháp công trình đã hạn chế sự lan tỏa của chất độc ra môi trường. Nghiên cứu thử nghiệm phương pháp xử lý điôxin bằng phương pháp hoá học (của dự án tại Biên Hoà) trong điều kiện địa hình, thổ nhưỡng của sân bay Đà Nẵng; cũng như phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khác về dịch tễ học, sinh học.

- Tại sân bay Phù Cát, kết quả phân tích mẫu cho thấy, hàm lượng chất dacam và điôxin tại các lớp đất là rất cao. Đã tiến hành khảo sát địa chất thuỷ văn, đánh giá thổ nhưỡng và thực hiện các biện pháp tạm thời chống lan toả và ảnh hưởng của chất độc.

Các kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát của Binh chủng Hoá học nói riêng và của Bộ Quốc Phòng nói chung phục vụ rất hiệu quả cho việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý đất nhiễm, cũng như phục vụ cho các hội thảo, trao đổi, cung cấp thông tin, hợp tác khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Mỹ và các tổ chức quốc tế khác. Chính các hội thảo, trao đổi đã góp phần để hai bên hiểu biết, thông cảm và cùng xác định trách nhiệm tốt hơn. Phía Mỹ đã cung cấp thông tin về 11 điểm nóng của một số sân bay để Binh chủng triển khai dự án điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm. Các bên đang phối hợp xây dựng dự án xử lý đất nhiễm tại sân bay Đà Nẵng.

Cùng với việc thực hiện các dự án điều tra, khảo sát nêu trên, Binh chủng Hoá học đã triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ khả thi để xử lý đất nhiễm chất độc dacam/điôxin trong điều kiện Việt Nam”. Đề tài đã nghiên cứu, lựa chọn vật liệu lọc, vật liệu cách ly và các vật liệu khác để cô lập và cách ly tuyệt đối và an toàn đất nhiễm chất độc dacam/điôxin với môi trường; nghiên cứu, xây dựng phương pháp và mô hình chôn lấp đất nhiễm; nghiên cứu quy trình thu gom và xử lý nước ngầm nhiễm chất độc dacam/điôxin... Trong đề tài này, Binh chủng còn phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu “Phương pháp chôn lấp cô lập tích cực” bằng việc đánh giá thực trạng về chủng loại, số lượng của tập đoàn vi sinh bản địa; sử dụng chế phẩm nhả chậm SlowD kích thích sự tăng trưởng của tập đoàn vi sinh này và tiếp theo là tăng khả năng phân huỷ điôxin bằng vi sinh. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc và kết quả của Đề tài là cơ sở khoa học để xây dựng dự án xử lý khu đất nhiễm tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Với dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc hoá học chứa điôxin tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai”, từ năm 2006 - 2010 Binh chủng Hoá học đã xử lý 100.000 m3 đất nhiễm trên diện tích 4,7 ha bằng phương pháp chôn lấp cô lập cách ly với việc sử dụng các vật liệu cách ly, vật liệu lọc, vật liệu hấp phụ có hệ số an toàn cao; kết hợp với Viện Công nghệ Sinh học chôn lấp cô lập tích cực một phần đất nhiễm; xây dựng hệ thống cống thu và bể xử lý nước ngầm, mương thoát nước mặt; thực hiện các công việc khác có liên quan như theo dõi, giám sát môi trường, phục hồi môi trường, cảnh quan... Kết quả của dự án đã giải quyết xong một cách cơ bản “điểm nóng” tại sân bay Biên Hoà, góp phần bảo vệ môi trường, trả lại cuộc sống yên bình và an toàn cho những lực lượng và nhân dân sống trên địa bàn.

Với chức năng là lực lượng nòng cốt trong điều tra, khảo sát, khắc phục chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Binh chủng Hoá học đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi nguy hiểm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, xứng đáng với lời biểu dương của đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đến thăm Binh chủng năm 2008: “Ở đâu có hơi độc, chất độc là các đồng chí đến và những nơi các đồng chí đã đến thì môi trường phải được trở lại trong sạch, an toàn. Đây là nhiệm vụ chiến đấu của các đồng chí trong thời bình. Nhiệm vụ của Bộ đội Hoá học rất nặng nề, quá trình thực hiện không ít khó khăn thử thách; nhưng các đồng chí phải tự hào rằng, đó là lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho các đồng chí. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”.

File đính kèm:

(Tạp chí Khoa học quân sự)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.