Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam

10:54 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Sinh tụ trên một vùng đất hiểm yếu cả về địa lý, thủy văn với khí hậu khắc nghiệt miền nhiệt đới gió mùa, kiếm sống bằng nghề lúa nước và đánh cá cổ truyền của người Lạc Việt gắn với nghề săn bắn, trồng tỉa của người Âu Việt, tất cả đều đòi hỏi tính cộng đồng nghiêm ngặt, Âu Lạc là những hậu duệ cuối cùng còn giữ được nền độc lập dân tộc của những tộc người Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử. Một trong những nguyên nhân cắt nghĩa hiện tượng thích ứng sinh tồn đó là sự hình thành dân tộc rất sớm đi đôi với những tính cách, bản sắc ngày càng được củng cố; có sức đề kháng lớn với mọi thế lực đồng hóa và thôn tính.

"Sử ký Tư Mã Thiên" chép rằng: "dưới thời Chu Thành Vương (năm 1024 - 967 trước công nguyên), sứ giả "Việt Thường" sang cống chim trĩ trắng phải qua ba tầng phiên dịch mới đối thoại được... Sứ giả được nhà Chu quý trọng, cấp cho xe ngựa và la bàn chỉ Nam để biết hướng trở về".

Cuộc đối thoại lịch sử đó được ghi lại rành rọt trong "Lĩnh Nam chích quái": "Chu Công hỏi: "Người Giao chỉ cắt tóc ngắn, xăm mình, để đầu trần, đi chân đất, nhuộm răng đen là cớ làm sao?". Sứ giả đáp: "Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng núi, xăm mình để giống hình long quân, bơi lội dưới sông, loài giao long không phạm tới. Đi chân đất đế tiện leo cây- Cày bằng dao, trồng bằng lửa, để đầu trần để tránh lửa bén. Ăn trầu cau để trừ ô uế nên răng đen vậy". Người đối thoại với sứ giả "Việt Thường" trên đây không phải ai khác mà chính là Chu Công Đán, một chính khách lớn, cũng là nhà văn hóa lớn thời Tây Chu, được Khổng Tử suốt đời ngưỡng mộ, tôn thờ. Đầu đời Chu đã có 71 nước chư hầu. Đối thoại với bậc "đặc đẳng công thần" của một đế chế lớn đang thời cực thịnh, sứ giả "Việt Thường" đã lý giải từng điều thật rành rọt, khúc triết về dân tộc mình, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của vị Thượng phụ nhiếp chính nhà Chu về những tộc người không có gì giống với người Hoa Hạ.

Tư liệu đó chứng minh rằng cách đây hàng ba thiên niên kỷ, tổ tiên ta đã khẳng định được bản sắc dân tộc và rất tự hào với bản sắc đó, trong khi đã thực hiện thành công những hoạt động đối ngoại với một đế chế có nền văn hóa lớn, khi Tây Chu còn đóng đô ở đất Hạo, miền tây Tây An, rất xa đất Giao Chỉ. "Việt sử lược" lại chép rằng: "Việt Vương Câu Tiễn (năm 505-465 trước công nguyên) ở phía nam Giang Tô, Chiết Giang, sau khi diệt xong nước Ngô ở bắc Giang Tô, làm bá chủ vùng duyên hải từ Sơn Đông đến Quảng Đông," đã có lần sai sứ xuống dụ vua Hùng thuần phục nhưng bị vua Hùng cự tuyệt". Điều đó chứng tỏ trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, tổ tiến ta từ xa xưa đã biểu thị một quan điểm độc lập tự chủ, cố tình lánh xa cuộc tranh bá đồ vương thời Xuân Thu (năm 722 - 479 trước công nguyên) mà Mạnh Tử gọi là những cuộc "Xuân Thu vô nghĩa chiến", không chỉ vì xa cách về địa lý mà còn vì chính sách riêng không phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài. Sau nhiều lần bị các thế lực ngoại xâm "đào bia, đốt sách", cố mô tả dân tộc ta như những tộc người dã man của thời tiền sử, những sử liệu rất quý hiếm còn sót lại trên đây đủ nói lên một bản lĩnh riêng của nước Văn Lang không đợi đến thời Đại Việt hay thời hiện đại.

Bản lĩnh ấy đã hình thành từ khá lâu đời, như một thứ gien trong tế bào của nòi giống Âu Lạc, di truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Bản lĩnh Việt Nam, đó là đặc tính tự quyết định một cách độc lập mọi thái độ và hành động của mình trước mọi biến thiên của lịch sử, mọi biến động của đất nước và dân tộc, không vì một áp lực nào từ bên ngoài mà thay đổi quan điểm.

Lịch sử dân tộc mấy ngàn năm đã quá đủ để chứng minh rằng tất cả những cuộc can thiệp từ bên ngoài do những kẻ lạc loài "cõng rắn cắn gà nhà", những "dị vật" do những phần tử mất gốc "du nhập" vào "cơ thể" Việt Nam, nếu không sớm bị loại trừ, đều dẫn đến căn bệnh trầm kha của họa nô dịch, phải chữa trị dài ngày mới khỏi. Đó là hàng ngàn năm thành "đô hộ phủ" của phong kiến phương Bắc, hàng trăm năm làm thuộc địa của đế quốc phương Tây. Nhưng rút cục thì bản lĩnh Việt Nam, dựa vào một khả năng quy tụ và vận dụng nội lực kỳ diệu, lại làm được những điều tưởng chừng không có cách gì làm nổi.

Suốt một thiên niên kỷ bị Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam "mất nước mà không mất làng, mất đất mà không mất dân" để cuối cùng, khi đã tích lũy được đủ lực lượng, "gặp thời thế thì mất lại biến thành còn". Trỗi dậy từ nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế, thu giang sơn về một mối dưới triều Ngô, Đinh, Tiền Lê. Mở ra kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng khẳng định nền độc lập không lay chuyển của "Nam quốc sơn hà" dưới triều Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn Quang Trung, đã buộc các đội quân xâm lược các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh phải biết mùi thảm bại.

Chính cái bản lĩnh ấy đã thúc đẩy các phong trào yêu nước không cam chịu cảnh làm nô lệ cho đế quốc phương Tây. Mọi tầng lớp nhân dân đều sản sinh ra những thủ lĩnh tiêu biểu, kế tiếp nhau chống lại sự thống trị thực dân, và cuối cùng, chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, phát huy thành quả Cách mạng tháng Mười Nga, đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám điển hình cho các nước thuộc địa, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến hoàn toàn không cân sức với "hai đế quốc to". Sự kiện này mở ra thời kỳ phi thực dân hóa sau Việt Nam cho cả hệ thống thuộc địa và các nước phụ thuộc trên toàn thế giới... Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tự tìm đường đổi mới cả đối nội và đối ngoại, chuyển hóa đối tượng thành đối tác, nhảy vọt từ thiếu đói lên hàng xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, có tiếng nói bình đẳng với mọi cường quốc trong cộng đồng quốc tế...

Lịch sử vốn là một dòng chảy liên tục. Không có hiện tại nào lại không bắt nguồn từ những quá khứ xa xưa. Sao lãng lịch sử là sao lãng lai lịch của chính bản thân mình.

Thành quả ngày nay của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với bản lĩnh độc lập dân tộc của Việt Nam được xác lập từ thời các vua Hùng dựng nước. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh trăm công nghìn việc, ngay sau khi chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII quyết định đường lối giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, đã để công viết bài diễn ca "Lịch sử nước ta" dài tới 208 câu kể lại từ thời Hồng Bàng đến cảnh mất nước dưới triều nhà Nguyễn, nêu bật từng tấm gương yêu nước qua các triều đại, mở đầu bằng luận điểm: "Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Chính vì, theo phương pháp luận Hồ Chí Minh, sức mạnh một dân tộc tiềm ẩn trong lịch sử của chính dân tộc ấy. Muốn "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" thì phải chứng minh sức mạnh ấy không phải đi tìm ở đâu xa mà nó nằm ngay trong "nội lực" của chính dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đó phải khơi dậy từ chiều sâu văn hóa Việt Nam, từ cái "gien di truyền" của bản lĩnh Việt Nam.

Sẽ rơi vào bệnh "tự kỷ trung tâm" (égocentrism) nếu không chỉ rõ một nguyên lý: trong lịch sử loài người, trải qua cuộc đấu tranh "mạnh được yếu thua" của định luật "thích ứng sinh tồn, sàng lọc tự nhiên ", dân tộc nào còn đứng vững đến ngày nay đều có tính cách, bản lĩnh của riêng mình. Tính cách và bản lĩnh, dù có quan hệ mật thiết nhưng không phải là một. Trong khi tính cách chỉ là "sự tổng hợp những đặc điểm về tâm lý của một chủ thể trong cách ứng xử với những đối tượng điển hình trong các tình huống điển hình" thì bản lĩnh lại đòi hỏi một quá trình rèn luyện thành "thói quen, trở thành truyền thống dám tự quyết định một cách độc lập và chủ động những phương thức xử trí, nếu không tối ưu thì cũng đủ khôn ngoan, những vấn đề có quan hệ đến thành bại, không khuất phục bất cứ áp lực nào của sức mạnh bên ngoài". Có tính cách riêng chưa hẳn đã có bản lĩnh mà còn phải có sự từng trải và trí tuệ trong nhận biết và ứng xử, như Nguyễn Trãi khái quát trong "Phú núi Chí Linh": "Trải nhiều biến cố thì suy nghĩ sâu. Lo trước mọi việc thì thành công lạ". Cũng không thể thiếu tâm huyết và tầm nhìn xuyên suốt lịch sử của người gánh vác đại sự như Trần Hưng Đạo viết trong "Hịch tướng sĩ": "Quên ăn đầy giận, cố học thêm thao lược binh thư. Ngẫm xưa, nghiệm nay gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ".

Người tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong thời đại chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của tính cách Việt Nam mà giáo sư Risa Giuyn Feray (Richard Jules Perray), Giám đốc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của nước Pháp, trong tác phẩm "Nước Việt Nam từ lịch sử xa xưa đến thời nay" đã khái quát thành một danh từ riêng trong ngôn ngữ Pháp" la Vietnamité" (tính cách Việt Nam) với đặc trưng có thể tiếp thu mọi tinh hoa của nền văn minh các nước, nhưng tất cả đều bị Việt Nam hóa theo bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Dõi theo cuộc đời hoạt động, những kiến giải và xử lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh với từng tình huống chiến lược của cách mạng Việt Nam, người ta phát hiện ra một năng khiếu hấp thu và cảm thụ rất lớn với những điều tốt đẹp và tiến bộ, không câu nệ xuất xứ và thời đại, một năng lực quy tụ và sàng lọc hiếm có để lựa chọn và sáng tạo ra cái tối ưu, phục vụ đắc lực nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Từ đó toát lên nhân cách lớn của một nền văn hóa "không phải là văn hóa châu Âu mà là văn hóa của tương lai".

Trong thời đại gắn chặt độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, bản lĩnh Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh của bản lĩnh Việt Nam. Đó là bản lĩnh kiên định vai trò chủ động của cách mạng giải phóng thuộc địa trong sự nghiệp cách mạng vô sản toàn thế giới, kiên định mặt trận đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cách mạng giải phóng dân tộc, là quyết tâm "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", "dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập", là luận điểm nổi tiếng "không có gì quý hơn độc lập tự do", là quan điểm "chỉ có đi theo chủ nghĩa xã hội thì dân tộc mới thực sự được giải phóng". Đó là luận điểm "Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới'", dù Bác đã viết cách đây 30 năm, nhưng vẫn hoàn toàn cập nhật cả về đối nội và đối ngoại.

Không thể kể hết những kiến giải và ứng xử theo phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của người thầy cách mạng Việt Nam. Nhưng bài học cho mọi quyết sách trong thời đại mới là phải tiếp tục tìm hiểu tổ tiên để phát hiện ra "bản lĩnh Việt Nam", tiếp tục tìm hiểu bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tìm ra những kiến giải và ứng xử tối ưu trong mọi tình huống chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới.

Qua 15 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, không vì sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà lung lạc quyết tâm, đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong mọi đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại, đưa đời sống nhân dân lên ngày một cao hơn, đưa đất nước và dân tộc lên vị thế mới trong khu vực và trên toàn thế giới.

Thế kỷ XXI mở đầu thiên niên kỷ thứ ba sau công nguyên của một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh gay gắt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Trong nước, các thế lực chống đối cùng các tệ nạn nội sinh vẫn chưa thôi ngáng trở bước tiến của toàn dân, toàn Đảng; trong khi trên thế giới, các thế lực đế quốc vẫn tiếp tục khoác luật lệ "mạnh được yếu thua" lên cổ loài người. Dù thời cuộc có chuyển biến thế nào, dù chấp nhận xu thế toàn cầu hóa, đi vào kinh tế tri thức trong nền văn minh thông tin, dù vũ trụ, không gian đang bị các thế lực hiếu chiến quân sự hóa bằng hệ thống vệ tinh, bằng vũ khí chùm tia, cùng với đủ loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí sinh học và hóa học... thì "bản lĩnh Việt Nam" trong những kiến giải và ứng xử vẫn là của gia bảo của cộng đồng dân tộc để tiếp tục "làm nên những điều tưởng chừng không thể làm nổi" đã được lịch sử thể nghiệm, để "thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước ta sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới".

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.