Web Content Viewer
ActionsNhững điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018
(Bqp.vn) - Luật Quốc phòng năm 2018 đã được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 8/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), Ủy viên Ban soạn thảo, Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ Biên tập Luật Quốc phòng năm 2018 về nội dung này.
Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu), Ủy viên Ban soạn thảo, Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ Biên tập Dự thảo Luật Quốc phòng năm 2018.
Phóng viên (PV): Xin cảm ơn Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Trước hết, xin Trung tướng cho biết sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng năm 2018!
Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: Luật Quốc phòng năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, từ năm 2005 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị với chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh cần phải được thể chế hóa như: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng; tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; việc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; xây dựng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bình đẳng giới; việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Thứ ba, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005 trên phạm vi cả nước, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005, vì đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập.
Thứ tư, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai; ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện chiến tranh phi quy ước, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, an ninh phi truyền thống. Mặt khác, thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến... để tiến hành chiến tranh. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi mọi hình thức chiến tranh xâm lược nếu xảy ra, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quốc phòng năm 2005 tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng năm 2018 là cần thiết.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Quốc phòng năm 2018, ngày 8/6/2018. (ảnh: TTXVN)
PV: Vậy quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Quốc phòng năm 2018 là gì, thưa Trung tướng ?
Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: Quá trình xây dựng Luật Quốc phòng năm 2018 đã quán triệt và thực hiện đầy đủ 7 quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, trong đó quan điểm xuyên suốt là: “Xây dựng theo hướng là luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan”. Về mục tiêu, đó là xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
PV: Xin Trung tướng cho biết những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Luật Quốc phòng năm 2018 cũng như bước phát triển mới của Luật?
Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên: Những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung trong Luật Quốc phòng năm 2018 cũng như bước phát triển mới của Luật Quốc phòng năm 2018 thể hiện trên hai vấn đề cơ bản sau. Trước hết, nói về bố cục, Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 Chương, 40 Điều; giảm 2 Chương, 11 Điều so với Luật Quốc phòng năm 2005; bảo đảm tính hệ thống, lô-gíc, khoa học, minh bạch, dễ áp dụng trong tổ chức thực hiện.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung, Luật Quốc phòng năm 2018 đã bổ sung nhiều quy định mới tạo hành lang pháp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Một số quy định mới, quan trọng, cốt lõi của Luật Quốc phòng năm 2018 được bổ sung, đó là: chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và phát triển công nghiệp quốc phòng, để phù hợp với cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0); quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định về phòng thủ quân khu; quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ; quy định về bình đẳng giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về tính lưỡng dụng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và công trình khác để sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng, phòng thủ dân sự; quy định về Ban Chỉ huy Quân sự Bộ, ngành Trung ương, để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Quân sự Bộ, ngành Trung ương; quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện lệnh thiết quân luật, giới nghiêm để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; quy định về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân; quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại theo hướng toàn diện hơn; quy định về nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, các cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thống nhất với Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân; quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quốc phòng, phòng thủ dân sự; quy định mới về Bộ Quốc phòng tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho phù hợp với nhiệm vụ của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quy định tại khoản 2, Điều 89, Hiến pháp năm 2013; thu hút, nâng cao hiệu lực pháp lý một số quy định mang tính nguyên tắc quy định tại một số văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng vào trong Luật Quốc phòng năm 2018.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng!
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19
- Những phát triển trong nhận thức, quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc
- Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - Nhiệm vụ quan trọng của Quân đội trong thời kỳ mới
- Những điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018
- Nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới