Web Content Viewer
ActionsQuân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào - Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết Việt Nam - Lào
(Bqp.vn) - Trong kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đã luôn sát cánh cùng nhân dân và lực lượng vũ trang Lào vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu, hy sinh trên khắp các chiến trường Lào từ những ngày đầu kháng chiến cho đến ngày toàn thắng; hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
1. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lực lượng trực tiếp hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng về giúp đỡ cách mạng Lào; xây dựng, củng cố và phát triển tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào
Sự nghiệp liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; trong đó, Quân tình nguyện Việt Nam là lực lượng chủ yếu trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương chiến lược của Đảng giúp cách mạng Lào. Đảng ta xác định: “Cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy. Việt Nam giúp Lào là tạo điều kiện để từng bước Bạn tự đảm nhận được sứ mệnh lịch sử của đất nước”, phải “thực sự tôn trọng quyền làm chủ” của Bạn, giúp Bạn theo phương châm: “Cơ bản, toàn diện, liên tục, hiêu quả” [1]; “cán bộ, chiến sĩ Việt Nam công tác ở Lào phải phục tùng Chính phủ Lào, phải tôn trọng và đoàn kết với cán bộ Lào; trong các hoạt động phối hợp chung, phải có sự thống nhất của lãnh đạo cả hai bên Việt Nam và Lào” [2]. Tháng 3/1948, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam nêu rõ quan điểm: “Chúng ta đứng trên lập trường giúp nhân dân Lào giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, cho nên về chính trị, công việc vận động dân tộc Lào phải đi đến chỗ để cho anh em cán bộ Lào tự phụ trách. Về quân sự, nên đi đến chỗ thành lập quân đội Lào - Việt; cán bộ ta sẽ hết sức giúp đỡ quân đội ấy” [3]. Đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Phải coi việc “giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”; “Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới, các chú phải: Vượt qua mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở bên ta; nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước Bạn; tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam” [4]. Đây là những quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ các hoạt động của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.
Theo yêu cầu của Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la, từ năm 1945 đến năm 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân (tiền thân của Quân tình nguyện Việt Nam) giúp cách mạng Lào. Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Từ đây các lực lượng Quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức thành hệ thống riêng của Quân đội Việt Nam và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện” [5]. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Quân tình nguyện Việt Nam có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và trực tiếp, làm cho việc giúp Bạn hiệu quả hơn, tạo sức mạnh lớn hơn trong Liên quân Việt - Lào.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953 - ảnh tư liệu.
Thực hiện chủ trưởng của Đảng, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo thành lập các đoàn Quân tình nguyện: 80, 81, 82, 83 ở Thượng Lào, Đoàn 280 ở Trung Lào và các đại đội, tiểu đoàn hoạt động ở Hạ Lào. Việc thành lập các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng và thay đổi về chất, tạo ra lực mới giúp cách mạng Lào tổ chức tác chiến quy mô ngày càng lớn, tiến tới phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của Việt Nam mở các chiến dịch: Thượng Lào (1953), Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, Thượng Lào (1954), góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào và thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp Lào lần lượt rút quân về nước. Song, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân thực dân Pháp, xâm lược Việt Nam và Lào bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam cử một số đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự lần lượt sang giúp Bạn tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Từ giữa năm 1954, căn cứ vào tình hình mới, phương thức hợp tác, giúp đỡ của Quân đội Việt Nam đối với cách mạng Lào có sự điều chỉnh. Ta chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) sang chế độ cố vấn quân sự, (từ năm 1959 gọi là Chuyên gia quân sự). Về mặt quân sự, Trung ương Đảng ta đặt chế độ cố vấn tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện, thực hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Trường quân chính và các đơn vị, địa phương. Theo đề nghị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Lào, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam lần lượt cử các đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự 100, 959, 463, 565 và các đoàn Quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866, 968 sang chiến trường Lào, giúp Bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ, gian khổ, hy sinh với bao nhiêu chiến dịch lớn nhỏ để đập tan mọi âm mưu, sách lược của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.
Sau khi giành được thắng lợi năm 1975, đất nước Lào chuyển sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực phản động quốc tế tiếp tục móc nối, câu kết với bọn phản động trong nước, kích động gây bạo loạn chính trị ở một số địa phương, tiến tới lật đổ chính quyền cách mạng ở Lào, thực hiện mưu đồ khống chế Việt Nam. Trước tình hình đó, tháng 12/1976, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chính thức yêu cầu Bộ đội Việt Nam trở lại hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Lào ổn định an ninh, trật tự. Ngày 22/9/1977, Hiệp định hợp tác phòng thủ giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào được ký kết, hợp pháp hóa về mặt pháp lý quốc tế cho sự có mặt của Quân đội Việt Nam trên đất nước Lào. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến tháng 01/1989 mới rút hết về nước, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình [6].
Hiện nay, tuy không còn tổ chức các Đoàn chuyên gia quân sự thường trực, nhưng vẫn có nhiều chuyên gia Việt Nam sang giúp Bạn trên một số lĩnh vực, hoạt động phù hợp với tình hình chung của hai nước. Theo đề nghị của Chính phủ Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia kinh tế, cán bộ kỹ thuật cũng như các đơn vị làm kinh tế sang giúp Lào. Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã trực tiếp nghiên cứu, phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng mô hình hợp tác kinh tế - quốc phòng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với Quân đội nhân dân Lào trên tất cả các lĩnh vực theo hướng chỉ đạo của lãnh đạo hai nước. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trực tiếp là các đơn vị làm kinh tế như Binh đoàn 15, các đoàn kinh tế - quốc phòng của các Quân khu 2, 4, 5 đã giúp Bộ Quốc phòng Lào thành lập một số công ty, tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả ở cả ba miền Thượng, Trung và Hạ Lào, có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
2. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào xây dựng cơ sở cách mạng, căn cứ địa kháng chiến, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân
Trong quá trình hoạt động tại Lào, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam là giúp Bạn gây dựng cơ sở chính trị, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến. Theo yêu cầu của cách mạng, Lào, các đoàn quân Tây Tiến đầu tiên và các đơn vị Liên quân Lào - Việt, Việt - Lào đã có mặt giúp Bạn xây dựng cơ sở cách mạng ở Sầm Nưa; kịp thời giúp cách mạng Lào bảo toàn lực lượng, chuyển về nông thôn, rừng núi, bám đất, bám dân xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang quần chúng.
Trong điều kiện công tác tuyên truyền, giác ngộ và tổ chức nhân dân tham gia kháng chiến gặp nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện “ba cùng” với nhân dân, kiên quyết bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng cho Bạn. Các đơn vị Quân tình nguyện phân tán lực lượng, thành lập các đội công tác cơ sở, đội vũ trang tuyên truyền đến các bản tuyên truyền, giáo dục đường lối kháng chiến, giác ngộ và tổ chức nhân dân vào các hội Ít-xa-la.
Cùng với đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam tiếp tục giao nhiệm vụ cho các liên khu và Ban cán sự Hải ngoại tổ chức các đơn vị sang hoạt động xây dựng cơ sở kháng chiến trên khắp các chiến trường Lào [7], giúp các địa phương Lào xây dựng cơ sở cách mạng, căn cứ địa kháng chiến một cách toàn diện, từ tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang đến tổ chức đảng và chính quyền các cấp.
Sự giúp đỡ tích cực của các đoàn Quân tình nguyện và những nỗ lực to lớn của Bạn, đến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ sở cách mạng và căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng của Lào được mở rộng, trong đó có nhiều khu căn cứ kháng chiến Lào đã nối liền với nhau, mở thông với các vùng căn cứ ở Tây Bắc, các vùng hậu phương của Liên khu 4, Liên khu 5 (Việt Nam), tạo thành một hệ thống căn cứ kháng chiến liên hoàn từ Bắc Lào, Trung Lào đến Hạ Lào. Đây là đóng góp quan trọng của các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam, tạo tiền đề đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào giành thắng lợi.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tuyển chọn một số cán bộ Quân tình nguyện có kinh nghiệm công tác, thông thạo địa bàn, bố trí thành các tổ chuyên gia giúp các tỉnh ủy thuộc 10 tỉnh trong vùng địch kiểm soát, duy trì, phát triển phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi phía Vương quốc phải chấm dứt các cuộc tàn sát, khủng bố những người kháng chiến, chấm dứt việc đưa quân lính lấn chiếm hai tỉnh tập kết, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục giao nhiệm vụ cho các đoàn chuyên gia quân sự: 959, 463, 565 và các đơn vị Quân tình nguyện: 763, 766, 866, 968 xây dựng cơ sở chính trị, bảo vệ căn cứ địa Trung ương và các vùng giải phóng cho cách mạng Lào.
Trong thời gian qua, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Lào đã phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại tích cực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất theo kế hoạch hợp tác hàng năm. Hợp tác quốc phòng tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Lào. Trong đó, hợp tác giữa các quân khu, Bộ đội Biên phòng và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước tiếp tục là những điểm sáng.
Thực hiện sự chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, các quân khu, các tỉnh có chung đường biên giới đã xúc tiến các chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nhau về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, cụm chiến đấu liên hoàn và củng cố các lực lượng dân quân tự vệ, đẩy mạnh sản xuất, kết hợp với bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương hai nước. Quân đội hai nước tích cực hợp tác, phối hợp trong phân giới, cắm mốc; phân định biên giới. Bộ đội Biên phòng hai nước thường xuyên phối hợp tuần tra chung, cùng lực lượng Công an hai nước làm tốt nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ an ninh biên giới, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, buôn bán người, vượt biên trái phép, phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, trên cơ sở pháp luật hai nước, pháp luật quốc tế và tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích mỗi bên, bảo vệ cuộc sống bình yên cho các dân tộc hai bên biên giới. Để củng cố thế trận lòng dân, tăng cường đoàn kết quân - dân, Bộ đội Biên phòng hai nước còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, kết nghĩa giúp đỡ nhân dân vùng biên giới hai nước sản xuất kinh tế, chăm sóc sức khỏe, ổn định đời sống.
3. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang
Với phương châm giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng để tiến tới tự đảm đương nhiệm vụ cách mạng của mình, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân tình nguyện Việt Nam đã sớm có chủ trương giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng để chiến đấu, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Lúc đầu, ta đưa lực lượng của Bạn vào các đơn vị Quân tình nguyện để kèm cặp, dìu dắt, tổ chức các đơn vị hỗn hợp Việt - Lào, Lào - Việt, sau đó tách thành các đơn vị độc lập, phân công nhiệm vụ phù hợp để rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và trình độ mọi mặt cho các đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng Lào.
Trên cơ sở lực lượng dân quân du kích và phong trào chiến tranh du kích phát triển, ta giúp Bạn xây dựng bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực. Nhờ vậy, đến năm 1952, cách mạng Lào đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân [8]; Quân đội Lào Ít-xa-la đã có bước phát triển, với quy mô tổ chức cao nhất là đại đội chủ lực khu, đại đội bộ đội tỉnh và trung đội ở huyện.
Cùng với việc giúp Bạn xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam hết sức coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho Bạn [9]. Trong kháng chiến chống Pháp, có lúc diễn ra rất khẩn trương và ác liệt, song Quân tình nguyện Việt Nam vẫn tranh thủ mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ Bạn, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la [10]. Sau mỗi đợt công tác, các trận đánh, đợt chiến đấu, ta cùng Bạn tổng kết, rút kinh nghiệm để Bạn tự nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Chuyên gia quân sự Việt Nam huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo 12 nòng cho đơn vị nữ pháo binh của Bộ đội Pa-thét (Lào), năm 1972 - ảnh tư liệu.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng xây dựng Quân đội Pa-thét Lào [11]. Từ năm 1954 đến năm 1965, các đoàn 100, 959, 463 và 565 đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp Bạn xây dựng cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân phù hợp với đặc điểm, tình hình cách mạng Lào. Chú trọng giúp Bạn xây dựng, phát triển Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội Lào, coi đó là nhân tố quyết định sự phát triển của lực lượng vũ trang và thắng lợi của cách mạng Lào. Nhờ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hiệu quả, đội ngũ cán bộ cách mạng Lào trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Chỉ riêng lực lượng vũ trang của Lào, đến cuối năm 1975, đã có hơn 30.000 quân tập trung và hơn 50.000 quân du kích. Tổng số đảng viên trong quân đội là 5.965 người, chiếm 18% quân số [12].
Qua những năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự giúp đỡ, huấn luyện, bồi dưỡng của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam, các lực lượng vũ trang của Bạn có sự tiến bộ vượt bậc, phần lớn cán bộ, chỉ huy đảm đương được nhiệm vụ; nhiều địa phương, đơn vị có thể độc lập chiến đấu, công tác giành thắng lợi. Quân đội giải phóng nhân dân Lào ngày càng phát huy được vai trò nòng cốt và là lực lượng tin cậy của Đảng và nhân dân Lào trong đấu tranh cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Lào ngày càng chính quy, hiện đại, hàng năm, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đào tạo giúp Bạn số lượng lớn học viên quân sự ở hầu hết các học viện, nhà trường quân đội, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên ngành cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, hàng nghìn học viên quân sự Lào đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân Lào. Mặt khác, Bộ Quốc phòng Việt Nam còn mời đại diện Quân đội nhân dân Lào sang Việt Nam quan sát diễn tập, tổ chức diễn tập chung về lĩnh vực quân y, cứu hộ cứu nạn, qua đó nâng cao hiệu quả trao đổi, học tập, bồi dưỡng trình độ chỉ huy - tham mưu, giúp nhau huấn luyện; thống nhất hiệp đồng tác chiến, sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
4. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam liên minh chiến đấu với quân và dân Lào trong 30 năm chiến tranh giải phóng
Nhận thức sớm sự cần thiết của liên minh Việt Nam - Lào, ngày 16/10/1945, hai nước đã ký “Hiệp định tương trợ Việt - Lào”. Trên cơ sở đó, ngày 30/10/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la đã ký “Hiệp định thành lập Liên quân Lào - Việt”, xác định hợp tác về mọi mặt, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự, nhằm bảo vệ nền độc lập ở mỗi nước vừa giành được. Từ khi có hiệp định giữa hai nước, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, hai Quân đội có những bước phát triển mạnh mẽ qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân đã gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào trong xây dựng và chiến đấu. Một số đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của Khu 4 sang phối hợp với Bạn chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị trấn mới được giải phóng, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn để đẩy mạnh kháng chiến trong cả nước. Các đoàn 80, 81, 82, 83 và Đoàn 280 Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với một số đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la tổ chức nhiều trận tập kích, phục kích địch. Những trận đánh nhỏ lẻ bằng các hình thức tập kích, phục kích cùng những trận chống địch càn quét của Quân tình nguyện và Quân đội Lào Ít-xa-la từ năm 1951 đến đầu năm 1953 thắng lợi đã mở ra khả năng đánh nhiều trận liên tiếp, đồng thời phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam sang mở những chiến dịch lớn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng và củng cố các vùng giải phóng ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào. Sát cánh với quân và dân Lào, cán bộ, chiến sĩ các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Quân đội và nhân dân hai nước Lào - Việt của địch, góp phần quan trọng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhờ có sự lớn mạnh của quân và dân Lào, Liên quân Lào - Việt đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam giành được nhiều thắng lợi trong các chiến dịch trên đất Bạn: Nậm Thà (1962), 128, 74A (1964), Nậm Bạc (1968), Mười Sủi (năm1969), cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (10/1969 - 4/1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), cánh Đồng Chum -Loong Chẹng (12/1971 - 4/1972) và chiến dịch phòng ngự cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972). Những chiến thắng trên chiến trường Lào cùng với thắng lợi của quân và dân Việt Nam buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (21/02/1973). Đặc biệt, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân Việt Nam đã cổ vũ và tạo thời cơ lịch sử cho cách mạng Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, ngày 05/5/1975, Quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam cùng nhân dân Lào đồng loạt nổi dậy và tiến côngtoàn diện, đập tan chính quyền phản cách mạng, thiết lập chính quyền cách mạng. Ngày 02/12/1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử cách mạng Lào - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh và giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam đối với cách mạng Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đánh giá: “Các đồng chí chiến sĩ quốc tế, đặc biệt là Việt Nam đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, đồng cam, cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho Bạn. Kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau trên khắp chiến trường trong cả nước, với tinh thần anh dũng tuyệt vời. Trên mọi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ và chiến sĩ, nhân dân Lào chúng tôi” [13].
Thành công của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào là thành quả của sự giúp đỡ giữa hai Đảng, hai Quân đội Việt - Lào. Đây là một điển hình mẫu mực về quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác giữa Quân đội hai nước độc lập có chủ quyền, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam chiến đấu tại Lào đã góp phần quan trọng tạo nên mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc và thực sự là biểu tượng sinh động nhất cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, những kinh nghiệm hoạt động của Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam là di sản quý báu, đang được giữ gìn và tiếp tục phát huy, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào phát triển lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, thực hiện trọn vẹn, sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” [14].
[1] - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.34.
[2] - Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007), Biên niên sự kiện, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tập 1, tr.202.
[3] - Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Ban Tổng kết Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1991, tr.224-225.
[4] - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.105.
[5] - Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007), Biên niên sự kiện (1930 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.208.
[6] - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.628.
[7] - Đoàn 81 ở Hủa Phăn và Viêng Chăn, Đoàn 82 ở Luông Pha Băng, Đoàn 83 ở Viêng Chăn, Đoàn 280 ở Trung Lào, Hạ Lào, Đội vũ trang Tuyên truyền, Ban xung phong Lào Bắc.
[8] - Gồm: Đại đội chủ lực của khu; đại đội bộ đội tỉnh, trung đội vũ trang huyện và dân quân du kích ở bản, mường.
[9] - Tại Trung Lào, Đoàn 280 Quân tình nguyện Việt Nam giúp Bạn tổ chức 4 lớp đào tạo với hơn 300 cán bộ sơ cấp chính trị, quân sự.
[10] - Năm 1955 đổi tên thành Quân đội Pa-thét Lào
[11] - Năm 1967 đổi tên thành Quân đội Giải phóng nhân dân Lào. Năm 1982 đổi tên thành Quân đội nhân dân Lào.
[12] - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.435.
[13] - Cayxỏn Phômvihản, Xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.183-184.
[14] - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.55.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Tuyên bố chung Việt Nam - Bulgaria
- Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống nước Cộng hòa Dominicana
- Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Malaysia
- Chiến thắng Bình Giã và bài học đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội hiện nay
- Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược