Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam

10:25 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Nghệ thuật quân sự là những hiểu biết về các quy luật, tính chất, nội dung của chiến tranh, của đấu tranh vũ trang, về những hình thức, phương pháp chuẩn bị và tiến hành đấu tranh vũ trang theo những quy tắc nhất định để giành thắng lợi.

Nghệ thuật quân sự trước đây chỉ bao gồm chiến lược và chiến thuật.

Chiến lược quân sự, lĩnh vực cao nhất của nghệ thuật quân sự, là lý luận và thực tiễn xây dựng, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho chiến tranh, trù hoạch và tiến hành chiến tranh, các hoạt động chiến lược có quan hệ đến toàn cục. Còn chiến thuật là lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu, từ các phân đội đến các binh đoàn, lớn nhất là các trận hội chiến.

Khái niệm chiến dịch mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XX để chỉ một tổng thể các trận chiến đấu và hội chiến của nhiều binh đoàn. Chấp hành một nhiệm vụ thống nhất, dưới sự chỉ huy thống nhất, diễn ra trong một khoảng thời gian thống nhất, theo một ý định thống nhất.

Chiến dịch ra đời khi các phương tiện vận chuyển đã cho phép bộ đội cơ động trên quy mô lớn, các phương tiện truyền tin đã bảo đảm cho người chỉ huy điều hành nhiều trận đánh trên phạm vi rộng.

Cho đến nay, nghệ thuật chiến dịch với tư cách là lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành các loại chiến dịch, được công nhận là một bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự. Ở Việt Nam, khái niệm đó mới dùng từ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Vậy, nghệ thuật quân sự Việt Nam có từ bao giờ? Nói cách khác, Việt Nam có chiến lược quân sự và chiến thuật quân sự từ bao giờ? - Bằng nhiều chứng tích lịch sử và khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã thống nhất đi đến kết luận: Nước Văn Lang thời các vua Hùng được dựng nên sau 1.000 năm thời đại đồ đồng, với nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn nổi tiếng. Nó đánh dấu thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, hình thành xã hội có giai cấp đầu tiến ở nước ta.

Các bộ lạc Việt tập hợp thành Liên minh bộ lạc, trải qua một giai đoạn quá độ, đã dần dần mang bóng dáng một hình thái đầu tiến của nhà nước. Sản xuất xã hội dựa trên nền kinh tế nông nghiệp lúa nước lâu đời đã phát triển đến trình độ có sản phẩm hàng hóa, đã có vật ngang giá chung mà ta gọi là tiền tệ. Chế độ phụ quyền đã thay thế chế độ mẫu quyền trước đó. Qua các đời Hiền Vương, Việt Vương, Trịnh Vương, Vũ Vương, Tạo Vương,... đều thu thuế bằng tiền đồng.

Đến Nghị Vương là đời vua Hùng thứ 17, đã có chế độ quân dịch “cứ 50 đinh cắt một nhập ngũ”. Chế độ đó được Duệ Vương, vua Hùng thứ 18, tiếp tục duy trì.

Các mũi giáo đồng đào được ở những mộ thuộc nền văn hóa Đông Sơn và Thiệu Dương (thế kỷ VII đến thế kỷ V trước Công nguyên) nếu để lẫn lộn thì không phân biệt nổi. Tại đền Hùng còn mộ vua Hùng thứ 6, có bia khắc lời thề của Thục Phán thề giữ gìn lăng mộ, giữ vững sự nghiệp các vua Hùng. Nhiều nơi có đền thờ người có công giúp vua Hùng đánh giặc Ân, giặc Man, giặc mũi đỏ... đều ghi rõ công trạng trong thần phả và bài vị...

Nhiều tư liệu chứng minh rằng: Văn Lang - HùngVương là một giai đoạn rất trọng yếu của lịch sử Việt Nam, đã xây dựng nên một nền tảng dân tộc Việt Nam, một nền tảng kinh tế - xã hội Việt Nam, trên nền tảng đó đã hình thành một cấu trúc văn hóa Việt Nam, truyền thống tinh thần Việt Nam, lấy yêu nước thương nòi, kính già yêu trẻ, thuận vợ thuận chồng, lá lành đùm lá rách, siêng năng cần kiệm... làm chuẩn mực, nhưng bao trùm lên tất cả là tình làng xóm, nghĩa đồng bào, tương thân tương ái, cố kết dân tộc để chống ngoại xâm, giữ làng, giữ nước.

Nửa sau thế kỷ III trước công nguyên, vào đầu thời kỳ đồ sắt, nước Văn Lang bị một mối đe dọa lớn: năm 221, nhà Tần đã thôn tính xong cả 6 nước còn lại của “thất hùng”, thâu tóm hầu hết Trung Nguyên thành đế chế. Tần Thủy Hoàng phát 50 vạn quân chinh phục Bách Việt là các tộc sống rải rác ở phía nam Trường Giang, lưu vực Châu Giang, đến lưu vực sông Hồng, sông Mã. Họ chiếm đất của người Mân Việt lập quận Mân Trung (thuộc Phúc Kiến ngày nay), lấy đất của ngươi Đông Việt (nay thuộc Triết Giang), của người Nam Việt lập quận Quế Lâm (nay thuộc Bắc Quảng Tây) và quận Tượng (Tây Quảng Tây và Nam Quý Châu). Nhiều tên đất có âm “lang” bị thôn tính như Bạch Lang (nay thuộc Tứ Xuyên), Dạ Lang (Quý Châu), Việt Lang (thành quận Nam Hải - nay thuộc Quảng Đông). Nhưng khi xuống đất Văn Lang của người Lạc Việt và Âu Việt thì họ bị chống trả kiến cường.

Người Âu Lạc đã rút vào rừng, tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người giỏi làm tướng, phục kích ban đêm, đánh hàng chục năm ròng rã, diệt hàng chục vạn quân Tần. Cuối cùng tướng Tần là Đỗ Thư bị giết, nhà Tần phải rút quân về. Chính Thục Phán đích thân lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Sử ký Tư Mã Thiên  chép: Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong. Trải qua hơn 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, cực khổ không sống nổi, người ta thắt cổ tự tử trên cây dọc đường, người chết chồng lên nhau. Khi Tần Thủy Hoàng mất (năm 209 trước công nguyên) thì cả thiên  hạ nổi lên chống. Quân lính miền Kinh, Sở (Hồ Bắc, Hồ Nam) mệt mỏi vì Âu Lạc.

Sức mạnh nào đã giúp các bộ tộc Âu Lạc chiến thắng những thế lực có hàng trăm triệu quân, đã chinh phục từ “thất hùng” phương Bắc tới “Bách Việt” phương Nam, mở đế chế rộng hơn mình tới mấy chục lần? Có thể trả lời rằng, người Âu Lạc lúc đó chẳng những đã có chế độ chính trị - kinh tế có sức sống mãnh liệt mà còn có một nghệ thuật quân sự giữ nước có hiệu quả. Một khi đã biết “tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người giỏi làm tướng, đánh hàng chục năm ròng, đẩy địch vào thế tiến không được, thoái cũng không xong, làm cho quân địch mệt mỏi vì Âu Lạc”. Điều đó cho thấy rằng, ông cha ta đã có hiểu biết về tính chất cuộc chiến tranh phải tiến hành, đã lường được sức ta, sức địch và sự phát triển của cuộc chiến, đồng thời có một ý đồ chiến lược để chuẩn bị và điều hành cuộc chiến tranh đến thắng lợi, phù hợp với so sánh lực lượng địch ta lúc đó.

Một khi đã biết “rút vào rừng, phục kích ban đêm diệt hàng chục vạn, giết được tướng Tần, đuổi chúng về nước” thì rõ ràng người Âu Lạc đã có một cách đánh phù hợp mà ta gọi là “chiến thuật”.

- Động viên một dân tộc mà đất cư trú, số dân, số quân đều nhỏ hơn địch gấp vài chục lần, thực hiện chiến lược đánh lâu dài bằng chiến thuật phục kích, tập kích là chủ yếu, làm cho địch mòn mỏi sa lầy, từ đông thành ít, từ mạnh thành yếu, đó là nghệ thuật quân sự giữ nước của người Âu Lạc - nét đặc sắc “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.

Sử chép rằng: “Thục Phán dựng nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, rời đô xuống Cổ Loa xây thành (207 - 208 trước công nguyên) với hàng vạn nhân công, ba vòng quanh có 9 lớp, chân kè đá, mặt có ụ đất cao, nhô ra làm vọng canh và pháo đài bắn cung tên. Ngoài có hào sâu và rộng, thuyền bè đi được, có Đầm cả chứa được mấy trăm thuyền chiến. Thành có bốn cửa: Đông Nam, Tây Nam, riêng hai cửa Bắc qua hai tầng hào lũy (làm hướng phòng ngự chủ yếu). Vận dụng địa hình lấy sông làm hào, gò cao làm lũy, thành ở giữa vùng đầm vực lầy úng. Vừa là căn cứ bộ binh, vừa là căn cứ thủy binh quan trọng. Thuyền chiến có thể vận động suốt ba vòng hào, phối hợp tác chiến với bộ binh, có thể từ cổ Loa tỏa ra Hoàng Giang, ngược sông Hồng, xuôi sông Cầu ra biển. Vũ khí đã có nỏ Liên châu với mũi tên đồng ba cạnh”. Năm 1959, giới khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ở chân thành ngoài, phía nam một kho hàng vạn chiếc mũi tên đồng, cùng với xiên đồng, qua đồng. Căn cứ vào thời gian lịch sử, Thục Phán đã xây thành sau khi đánh bại quân Tần. Điều đó chứng tỏ, khi Âu Lạc “cử người giỏi làm tướng” thì người đó chính là Thục Phán. Và sự hợp nhất giữa những bộ tộc Âu Việt với những bộ tộc Lạc Việt vào cuối đời Hùng Vương thứ 18, khi Duệ Vương đã già yếu, không phải chỉ là một sự “cướp ngôi” đơn giản.  Đó là một sự hợp nhất do nhu cầu chống ngoại xâm thúc bách, là sự kế thừa và phát triển quốc gia Việt Nam đầu tiến trên cơ sở thống nhất cao hơn, với ý thức dân tộc mạnh hơn.

Bằng những tư liệu lịch sử, chúng ta biết vào thời An Dương Vương, nền sản xuất đã phát triển khá mạnh. Ngoài nghề nông còn có nuôi tằm, dệt lụa. Các nghề rèn sắt, đồ gốm, dệt vải, đan lát, nung gạch ngói, làm đồ mộc đã thịnh đạt. Đã dùng đường biển để giao lưu với nước ngoài...

Về tổ chức quân sự, vua quan có “lính”, làng bản có “tráng”. Tráng đinh là những trai làng khỏe mạnh chưa gọi nhập ngũ, có nhiệm vụ tuần phòng giữ an ninh, bảo vệ làng xóm khi động dụng.

Quân đã chia ra quân bộ và quân thủy, tổng số lên tới hàng vạn. Tướng đã có chức tả tướng (như Cao Lỗ, Đinh Toán) giúp vua đánh giặc. Sau khi nhà Tần chịu rút quân, An Dương Vương đã cử Lý Ông Trọng, người làng Chèm, đi sứ Tần giúp Tần Thủy Hoàng đánh tan quân Hung nô ở Lâm Thao (Cam Túc).

Khi một dân tộc đã dám rời trung tâm kinh tế và văn hóa của mình từ trung du xuống đồng bằng, biết xây dựng, đắp lũy, biến chế lực lượng vũ trang, lập kho, chọn tướng, để đối phó với âm mưu “bình thiên  hạ” của kẻ thù lớn mạnh, khi thì bằng kháng chiến kiên cường, khi thì bằng bang giao mềm dẻo, thì không thể nói dân tộc đó chưa có nghệ thuật giữ nước.

Năm 207 trước công nguyên, Triệu Đà là quan lại nhà Tần, chiếm cả ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng, lập nước Nam Việt, xưng Vương. Sau đó, Triệu Đà đã tiến hành đánh Âu Lạc nhiều lần nhưng không thắng phải rút về Vũ Nghi cầu hòa. Đó là kẻ xâm lược thứ hai bị An Dương Vương đánh bại, lần này không phải chỉ bằng cách rút vào rừng, dùng chiến thuật phục kích, tập kích, mà bằng cách phòng giữ Loa Thành, tiến công quân xâm lược cả bằng đường thủy và đường bộ.

Phải đến năm 179 trước công nguyên tức là gần 30 năm sau, Triệu Đà trá hàng, xưng thần, sai Trọng Thủy dò xét các bí mật quân sự của An Dương Vương, dùng kế nội gián mới chiếm được Âu Lạc. Điều đó chứng tỏ Âu Lạc không thiếu nghệ thuật quân sự mà chỉ do An Dương Vương quá tin vào sức mạnh phòng thủ của đất nước và mới bang giao hòa hiếu với “vị thông gia” và “chàng rể” phương Bắc, cuối cùng mất nước.

Từ chiến thắng quân Tần trong cuộc kháng chiến 10 năm đến đánh thắng Triệu Đà qua nhiều lần xâm lược, bằng những chiến lược và chiến thuật khác nhau, có thể kết luận rằng: Nghệ thuật quân sự của chiến tranh giữ nước Việt Nam đã xuất hiện vào cuối thế kỷ III đầu thế kỷ thứ II trước công nguyên, cùng thời Hanniban ở Bắc Phi.

Chính trong thời gian người anh hùng xứ Cáctagiơ nêu một kiểu mẫu cổ điển về- nghệ thuật hợp vây và tiêu diệt đội quân của đế quốc La Mã có ưu thế về số lượng, bằng trận hội chiến Can nổi tiếng (năm 216 trước công nguyên) thì ở bên này lục địa, người thủ lĩnh Âu Lạc cũng lãnh đạo dân tộc mình đánh bại một đội quân xâm lược đông gấp nhiều lần bằng một nghệ thuật quân sự riêng biệt của một dân tộc nhỏ - “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.

Trải qua cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền với 2 vạn quân, đánh bại 5 vạn quân bộ và 3 vạn quân thủy, kết thúc bằng trận thủy chiến đầy mưu kế giết tướng Hoàng Thao năm 938; đến cuộc chống Tống lần thứ nhất mà Lê Hoàn với 5 vạn quân đánh bại 10 vạn quân xâm lược, đã mưu lược tách rời hai đạo thủy bộ, đánh bại chúng ở Bạch Đằng và Chi Lăng, giết tướng Hầu Nhân Bảo năm 981; rồi đến trận Lý Thường Kiệt chủ động đem quân “phá cơ sở hậu cần” của giặc trước khi đánh bại cuộc tiến quân của chúng vào phòng tuyến sông cầu với một lực lượng chỉ bằng nửa quân số của địch, chứng tỏ nghệ thuật quân sự ấy ngày càng có nhiêu cách đánh phong phú, khiến giặc không thể lường hết được.

Đến đời Trần Hưng Đạo, với ba lần chiến thắng đạo quân đã chinh phục hầu hết các nước từ Á sang Âu, nhưng lại không vươn nổi xuống Đông Nam Á vì bị quân dân Đại Việt chặn đứng, thì nghệ thuật quân sự giữ nước Việt Nam đã chứng minh tính vượt trội so với các nền nghệ thuật quân sự đương thời của cả phương Đông lẫn phương Tây. Có thể coi những lời căn dặn của Trần Hưng Đạo đối với vua Trần Nhân Tông ngày 24/6 năm Canh Tý (1360) về việc “xem xét và lựa chọn binh pháp các nhà” như một lời tổng kết nghệ thuật giữ nước của dân tộc, mà hạt nhân của nó chính là nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”: “Ngày trước, Triệu Vũ Vương' dựng nước, vua Hán đem quân sang đánh, bấy giờ tiểu dân làm thanh dã, còn đại quân ra châu Liêm, châu Khâm, đánh Trường Sa, dùng đoản binh đánh tập hậu, đấy là một thời.

- Thời Đinh - Lê dùng được người hiền tài, phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới đồng tâm, lòng dân không ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống, đấy là một thời.

- Vua Lý dựng nghiệp, quân Tống xâm lấn địa giới, lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh, đấy là có thế lực mạnh.

- Mới rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi, bốn mặt bao vây, nhưng vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt...

Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy vào đoản binh, lấy đoản chống trường và sự thường trong binh pháp. Nếu thấy quân giặc lướt đến như lửa như gió thì dễ chống lại thế giặc. Nếu chúng dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dầu, không lấy của dân, không cần được chóng thì phải chọn dùng tướng giỏi, xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà ứng biến. Có thu được binh sĩ như cha con một nhà thì mới dùng được. vả lại, phải nới sức dân để làm kế rễ sâu, gốc vững, đó là thượng sách giữ nước”.

Lời căn dặn trên đến nay vẫn có ý nghĩa: “dù thời thế nào, cũng phải: nới sức dân, trên dưới đồng tâm, lòng dân không ly tán, vua tôi một lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, dùng được người hiền tài”. Với lực lượng vũ trang, phải “chọn tướng giỏi, thu được binh sĩ như cha con một nhà”, về cách đánh thì tùy theo thời cơ mà ứng biến, nhưng khái quát lại là lấy đoản chế trường, không sợ kẻ thù lướt đến như lửa cháy, gió thổi mà phải hết sức phòng loại giặc lấn chiếm như cách tằm ăn.

“Lấy đoản chế trường” là ý nói lấy binh nhỏ, binh ít, để thắng kẻ thù cậy có đông quân, nhiều tiềm lực, thường đánh lớn, đánh nhanh, đó là nét khái quát nhất về nghệ thuật quân sự giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng thời Trần cũng là mẫu mực về nghệ thuật quân sự “Lấy đoản binh thắng trường trận”. Quân Nguyên rất mạnh về sức cơ động, về xạ kích, về bao vây đột phá... Với một đối phương mạnh hơn mình gấp nhiều lần, nhà Trần đã dùng nghệ thuật “kết hợp rút lui chiến lược với tiến công về chiến thuật và chiến đấu thoát khỏi vòng vây, bảo toàn lực lượng, đẩy địch vào thế bị giằng xé, chia cắt, suy yếu, rồi tiến lên phản công chiến lược mà diệt từng cánh quân địch. Đến NguyễnTrãi, tác giả của Bình Ngô sách thì nghệ thuật quân sự của đất nước đã được tổng kết lại một cách khá toàn diện:

Về cách đánh chiến lược: “Người khéo dùng binh đem quân yếu mà chống chế quân mạnh, lấy ít người mà đối phó với quân địch nhiều người, biến khối nhỏ thành khối lớn, xoay thế nguy thành thế vững”. Nhưng trước hết đó phải là nghệ thuật tạo thời, lập thế. Vì “người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế”, “được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất thời không thế thì mạnh hóa ra yếu, yếu lại thành nguy”. Một trong những lợi thế của nghệ thuật quân sự giữ nước là “ta lấy thế nhàn rỗi đợi kẻ mệt nhọc lẽ nào không thắng”.

Về cách đánh chiến thuật: “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ, lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục”. Theo chiến thuật đó, khi chọn mục tiêu công kích phải “bỏ chỗ địch vững, đánh chỗ địch hở, tránh chỗ chắc, đánh chỗ hư. Như thế thì dùng sức có một nửa mà công được gấp đôi”. “Giặc đông ta ít, lấy ít đánh đông thì phải có đất hiểm mới có thể thành công”.

Toàn bộ hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn là những mẫu hình rất sinh động của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Đứng chân từ Nghệ An, dùng ba đạo quân nhỏ mấy nghìn người thọc sâu vào vùng địch tạm chiếm suốt dải đồng bằng và trung du Bắc Bộ, dựa vào thanh thế của nghĩa quân và nhân dân các châu huyện, lấy “Ngô công” - một kiểu võ trang địch vận - mà vô hiệu hóa trên 5 vạn quân chiếm đóng trong các đồn lũy địch, tạo một thế mới cho chiến dịch phản công diệt viện. Dùng một hệ thống trận địa mai phục liên hoàn nhử địch vào đất hiểm, tiêu hao nặng đạo quân 10 vạn của Liễu Thăng, kiềm chế cánh quân 5 vạn của Mộc Thạnh. Lấy thất bại của tướng trẻ uy hiếp tướng già, của chính binh uy hiếp kỳ binh, diệt toàn bộ trung quân trên đường tháo chạy. Quay lại diệt tàn quân của cánh chính rồi lấy toàn bộ chiến thắng viện binh uy hiếp kẻ chờ viện, ép đạo quân 10 vạn phải giảng hòa. Cuối cùng cấp thuyền ngựa cho rút về nước. Sau 10 năm tạo thời lập thế, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh bại hoàn toàn đạo quân viễn chinh của nhà Minh bằng nghệ thuật “lấy chính để hợp, lấy kỳ để thắng”.

Đến Nguyễn Huệ, với trận phục kích nổi tiếng trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút, dùng một lực lượng không bằng một nửa quân số Xiêm - Nguyễn Ánh, diệt 300 chiến thuyền giặc đuổi chúng về nước... Quay ra Bắc, với lực lượng xấp xỉ một phần ba quân số đối phương, với quan điểm truyền thống “quân lính cốt hòa thuận không cốt đông, cốt tinh nhuệ không cốt nhiều”, đã tiến hành một trận phản công chiến lược lịch sử vào hệ thống phòng thủ khá mạnh của địch ở Ngọc Hồi, Đống Đa, đẩy Tôn Sĩ Nghị vào thế tan rã và tháo chạy, quét sạch 29 vạn quân giặc ra khỏi bờ cõi trong vòng 5, 6 ngày đêm.

Nghệ thuật quân sự của đất nước một lần nữa lại được Quang Trung khái quát: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo chứ không phải lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hiếp ít”.

Từ thực tiễn lịch sử trên đây, có thể hiểu quan niệm về “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” của nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam là:

- Ít nhiều, nhỏ lớn là so sánh về số dân, số quân, về tiềm lực chiến tranh, về tiềm lực quân sự, trang bị vũ khí. Nói rộng ra, nhỏ lớn còn muốn nói đến quy mô sử dụng lực lượng trong mọi hoạt động tác chiến, nói đến dung lượng chiến trường, đến căn cứ hậu phương...

- Nếu xét về lực lượng tham gia chiến đấu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì không nhất thiết ít hơn, nhỏ hơn địch.

- “Lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” được vận dụng cả trong phạm vi chiến lược và chiến thuật nhưng không vận dụng máy móc giống nhau. Trong chiến dịch và chiến đấu, để đánh như “sấm ran, chớp giật, trúc chẻ, tro bay” hoặc đem “núi Thái Sơn đè quả trứng, sức kia phỏng chịu được bao lâu; lò lửa rực đốt lông gà, thế nọ khó đương trong chốc lát, vẫn kiến quyết tập trung ưu thế từng nơi, từng lúc” (Lý Thường Kiệt đã dùng 10 vạn quân đánh sang châu Ưng, châu Khâm, châu Liêm để phá kế hoạch chuẩn bị tiến công của địch; Quang Trung đã tập trung trước đồn Ngọc Hồi một lực lượng gấp hai lần quân địch). Trong phạm vi chiến lược, nghệ thuật “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” được vận dụng trong suốt cuộc chiến tranh. Nhưng ở giai đoạn kết thúc, để giành thắng lợi quyết định, không nhất thiết chỉ có ít mà không có nhiều, chỉ có nhỏ mà không có lớn. Các đòn phản công chiến lược, các trận quyết chiến chiến lược, đánh cho địch “trích luân bất phản”, “phiến giáp bất hoàn...” là những trận đánh lớn để thắng nhanh gọn thường phải kiến quyết tập trung, tuy lực lượng sử dụng có nhiều trận vẫn ít hơn tổng số quân địch. Đồng thời không xem nhẹ các hoạt động vừa và nhỏ đánh rộng rãi để căng kéo địch.

- Lấy “ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” có cho phép lấy yếu chống mạnh không?

Quy luật tuyệt đối của thành bại trong đấu tranh vũ trang là “mạnh được, yếu thua”. Dù ít quân hay dùng binh lực nhỏ, đánh nhiều trận nhỏ nhưng rút cục người thắng là người mạnh, kẻ thua là kẻ yếu.

Về mặt chiến lược, xuyên suốt thời gian, bao khắp không gian, nếu chỉ lấy yếu chống mạnh thì không thể thắng được. Tuy nhiên, về chiến lược, có thế hiểu lấy yếu chống mạnh là nói trong từng giai đoạn chiến lược, trên từng góc độ. Thường giai đoạn đầu hoặc khi làm chuyển hóa so sánh lực lượng, phải lấy yếu chống mạnh. Trong nhiều giai đoạn, có thể yếu về binh lực, về vũ khí trang bị, nhưng lại mạnh về thời, về thế, về sĩ khí, về tài thao lược... Khi Nguyễn Trãi viết: “Người khéo dùng binh đem quân yếu chống chế quân mạnh” thì chỉ nói quân yếu chứ tướng không yếu. “Người khéo dùng binh” đó là tướng giỏi. Quân yếu nhưng tướng giỏi, biết tạo thời, lập thế thì “biến khối nhỏ thành khối lớn, xoay thế nguy thành thế vững, lực yếu sẽ thành lực mạnh”, về chiến thuật, “lấy yếu chống mạnh thường đánh bất ngờ”, nghĩa là tuy quân số, trang bị yếu hơn địch nhưng cộng thêm sự bất ngờ trong cách đánh, làm cho kẻ địch tuy mạnh, nhưng không có phòng bị, trở thành kẻ yếu. Trong những tình huống nhất định, ông cha ta thường viết: “Dĩ nhược chế cường” (Lấy yếu chống mạnh) nhưng không phải đã không viết “dĩ cường công nhược” như Nguyễn Trãi đã viết trong Thư dụ thành Xương Giang: “Dĩ cường công nhược hà ưu bất khắc” (Lấy mạnh đánh yếu lo gì không thắng).

Bởi vậy, khi nói “lấy yếu chống mạnh” là chỉ nói trong những thời điểm nhất định hoặc về từng mặt nào đó của so sánh lực lượng chứ không nói toàn diện. Tổng hợp thêm các mặt khác vào nữa thì phải mạnh hơn địch mới thắng được chúng.

- Quan niệm về “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn” của nghệ thuật quân sự Việt Nam có nét khác với các nghệ thuật quân sự nhiều nước Đông, Tây.

Tôn Tử nói: “Cố dụng binh chi pháp, thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi, địch tắc năng chiến chi, thiểu tắc năng đào chi, bất nhược tắc năng tỵ chi. Cố tiểu địch chi kiến, đại địch chi cầm dã” (chương 3, Mưu công). Tạm hiểu là: Phép dùng binh xưa nay, gấp 10 địch thì vây, gấp 5 địch thì đánh, gấp đôi địch thì chia địch ra mà đánh, ngang địch thì có thể đánh, ít hơn địch thì rút, yếu hơn địch thì tránh. Nhỏ hơn mà cố đánh, tất bị địch lớn bắt.

Các nhà quân sự phương Tây dù theo quan điểm của Moltke hay của Napôlêông, đều cho rằng “những hoạt động tác chiến chiến lược sẽ là một cuộc đụng đầu gay gắt về các tiềm lực. Chiến lược có nhiệm vụ tập trung những lực lượng mạnh nhất, lấy chủ lực mạnh chọi với chủ lực mạnh của đối phương. Cần trù tính một cuộc tiến công có giá trị một cuộc tổng hội chiến lớn”. Napôlêông luôn tin rằng, “quân sĩ càng đông, càng trông mong nhiều thắng lợi”... Các nhà quân sự đó đều thuộc trường phái “lấy đông đánh lớn, lấy mạnh chọi mạnh”.

Vậy thì những yếu tố gì đã tạo nên nét riêng biệt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam?

Đó chính là sự kết hợp những đời hỏi khách quan với khả năng đáp ứng chủ quan:

- Một dân tộc dựng nước trên một khu vực địa lý không rộng, dân số không đông so với kẻ thường uy hiếp mình, nhưng lại chiếm một vị trí địa lý xung yếu, với nhiều nguồn lợi thiên  nhiên  phong phú. Đã tận mắt chứng kiến sự tiêu vong của bao nhiêu bộ tộc anh em bị những thế lực lớn mạnh thống trị. Bản thân dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm bị nước ngoài thống trị, đã phải liên tục chống trả những kẻ xâm lược đông quân có tiềm lực lớn, thời gian lịch sử chống ngoại xâm chiếm già nửa thời gian dựng nước. Để đứng vững, dân tộc ta phải không ngừng vun đắp một nền văn hiến độc lập, tự chủ đi đôi với một nền nghệ thuật quân sự đáp ứng được những yêu cầu tồn tại của dân tộc mình.Cho nên, nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều...” xuất hiện không phải vì ta muốn thế mà vì hoàn cảnh đất nước buộc ta phải thế. Đó là cái ta cần.

- Việt Nam là một nước có lịch sử lâu đời, thành lập chỉ sau cổ vương quốc Ai Cập (3.200 năm trước Công nguyên, hơn ta 10 thế kỷ), xấp xỉ với quốc gia nô lệ nhà Hạ (2.200 năm). Nó xuất hiện trước nước Cộng hòa quý tộc Aten 14 thế kỷ và nước Cộng hòa chủ nô La Mã 17 thế kỷ.

- Vị trí địa lý có mặt xung yếu nhưng lại có lợi thế cả về kinh tế, chính trị và quân sự, nằm trên đường giao lưu của nhiều nền văn hóa ở ngã ba chiến lược giữa đất liền và hải đảo, địa hình dài và hẹp, có nhiều núi cao, rừng rậm, đồng bằng không rộng lại có nhiều sông lớn và đầm lầy, chiến trường hẹp và dễ bị chia cắt.

- Dân tộc hình thành từ các bộ tộc làm nghề nông (có trí tuệ phát triển sớm vì phải hiểu biết giống lúa, thời tiết, thiên  văn, trị thủy) và nghề đánh cá (thạo sông biển) kết hợp với các bộ tộc làm nghề săn bắn và chăn nuôi (vốn thạo cung nỏ, can đảm, nhanh nhẹn).

- Các cuộc đấu tranh chống chọi với thiên  nhiên  khắc nghiệt vùng nhiệt đới, với nắng hạn, mưa dầm, bão lụt; chống các loại dã thú, với một thảm rừng lan rộng tới đồng bằng ven biển, những cuộc chiến tranh chống xâm lược... tất cả đã đoàn kết con người Việt Nam trong những cộng đồng làng mạc, có tổ chức và quy chế vững bền, được ràng buộc chặt chẽ bởi những phong tục tập quán không thể phá vỡ nổi, tạo nên hệ ý thức cố kết “tắt lửa tối đèn có nhau”, “lá lành đùm lá rách”, lấy quyền lợi của cộng đồng làm trọng.

- Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc sớm thức tỉnh các giai cấp cầm quyền biết xem trọng sức mạnh của quần chúng nhân dân, “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”.

Bởi vậy, ở bất cứ thời nào, yếu tố dân tộc và dân chủ “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ,bền gốc”, cùng chi phối chính sách cai trị của nhà nước.

Tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc đã đề cao vai trò người phụ nữ, điều này khác hẳn với ý thức hệ Khổng - Mạnh, trọng nam khinh nữ. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã xuất hiện nhiều nữ vương, nữ tướng, nữ đề đốc, nữ nhiếp chính, nữ anh hùng, nữ học sĩ, nữ sĩ...

Đạo Phật đề cao lòng bác ái, cứu nhân độ thế, phù hợp với hoàn cảnh sinh tồn của dân tộc nên sớm hòa hợp với tâm hồn Việt Nam chất phác một cách nhịp nhàng, được nhiều triều vua coi là quốc đạo. Trong khi đạo Lão mang nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, pháp thuật, được nhà Đường truyền bá và bảo trợ, lại bị nhân dân ta chống lại. Nhân dân ta có truyền thống tôn vinh những người có công cứu nước và dựng nước.

- Nhu cầu chống ngoại xâm cũng buộc các giai cấp cầm quyền phải có chính sách đoàn kết trên 50 dân tộc anh em, mà vận mệnh mất còn đã gắn bó với nhau. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã tập hợp được dân tộc Tày - Nùng ở Việt Bắc, dân tộc Choang ở Quảng Châu, các dân tộc ở bốn quận Giao Chỉ, cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề nổi dậy. Qua các thời đánh giặc đêu có thủ lĩnh các dân tộc góp công (Thân cảnh Phúc, Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương, Xa Khả Tham, Cầm Quỳ, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân, Tông Đản...).

- Lịch sử tồn tại của dân tộc buộc toàn xã hội phải lấy “văn võ kiêm toàn” làm tiêu chuẩn tài năng từ rất sớm. Văn Miếu (1070) và Quốc Tử Giám (1076) đều lập từ thời nhà Lý. Trong lịch sử, nhiều nhà vua đều vừa có học vấn, vừa thân chinh cầm quân. Tướng lĩnh rường cột đều có tài kiêm văn võ.

Dưới triều Lê, người trúng tuyển kỳ “bác cử” (thi võ ở kinh thành, trên cấp”sở cử”) gọilà “tạo sĩ” được bổ dụng ngang tiến sĩ (Lịch triều hiến chương tạp kỷ). Trong lịch sử có lính của triều đình, có quân các vương hầu, lại có “tráng” của làng xã nhưng không hề có “lính đánh thuê”. Nạn cát cứ cũng không phổ biến và dai dẳng so với các nước phương Tây và phướng Bắc...

Chính những điều “cần” và điều “có” trên đây đã hợp nhau lại, tạo cho dân tộc ta một nền nghệ thuật quần sự giữ nước có bản sắc riêng mà Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân kế thừa và phát triển suốt mấy cuộc kháng chiến.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.