Web Content Viewer
ActionsMấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
(Bqp.vn) - Sau khi chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (1941) quyết định đường lối, chính sách giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, cuối năm 1941, tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết tập diễn ca lịch sử với tiêu đề “Lịch sử nước ta” để làm tài liệu học tập cho các lớp huấn luyện ở chiến khu và phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm thức tỉnh mọi người đứng dậy giành độc lập tự do cho dân tộc. Tác phẩm này đã được Bộ Tuyên truyền của Việt Minh xuất bản lần đầu vào tháng 02/1942 và đã được tái bản hai lần vào các năm 1947, 1949 trước khi đưa vào tuyển tập và toàn tập Hồ Chí Minh. Hiện nay cuốn sách được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Sau hơn nửa thế kỷ với biết bao biến đổi lớn lao của thời cuộc, ngày nay ta có dịp đọc lại và suy ngẫm về một tác phẩm đầy trí tuệ của người thầy cách mạng Việt Nam, ra đời trong bối cảnh thế giới và trong nước còn gặp muôn vàn thử thách, hy vọng tìm thấy nhiều điều bổ ích, củng cố niềm tin, tăng thêm nghị lực trong chặng đường đi tới. Là người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức bóc lột, dẫn dắt nhân dân nắm lấy vận mệnh của mình mà vươn tới tương lai, Nguyễn Ái Quốc không có ý định trở thành nhà sử học, đi sâu vào lĩnh vực lịch sử. Hơn nữa, trong khung cảnh giữa rừng núi biến cương vào năm 1941, đất nước còn là thuộc địa, Cao Bằng còn bị chính quyền thực dân cai trị theo quy chế của 5 đạo quan binh, trong điều kiện thiếu nhiều tư liệu cần thiết, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc phải soạn thảo lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc quả là một việc làm đầy khó khăn. Chủ đích lớn của Người nhằm nói lên cho được một chân lý, chứng minh cho được một luận điểm mà bốn năm sau (1945) mới được công khai công bố trước toàn thế giới: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Giữa tập “Lịch sử nước ta” viết năm 1941 và bản “Tuyên ngôn độc lập” viết năm 1945 có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, biện chứng, đó là độc lập, tự do.
Do phải hoàn thành trong hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt khó khăn như vậy, sau này do yêu cầu nghiêm khắc của khoa học, nếu cần chỉnh lý lại tư liệu này, bổ sung chi tiết kia cũng là điều dễ hiểu. Điều cần ghi nhận ở đây là tập diễn ca “Lịch sử nước ta” đã ra đời đúng lúc và nhanh chóng được truyền bá như một bản tuyên ngôn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời kỳ giải phóng dân tộc chống ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Bản tuyên ngôn lấy lịch sử dân tộc làm chứng tích, lấy thể văn vần lục bát làm hình thức diễn đạt cho dễ nhớ, dễ lưu truyền, tận dụng ngôn ngữ dân gian để mọi người, mọi trình độ đều có thể hiểu rõ và hiểu đúng.
Ở đây, lịch sử không phải là mục đích mà nó được sử dụng làm phương pháp và phương tiện để đạt tới mục đích. Phương pháp xuyên suốt của Người là lấy chứng tích và quy luật của quá khứ để phân tích hiện tại và dự báo tương lai. Phương pháp ấy được đổ móng một cách chắc chắn ngay từ cách vào đề:
Dân ta phải biết sử ta!
Chân lý giản dị ấy được diễn đạt ngắn gọn trong một câu 6 chữ mở đầu, như một bàn tay vẫy gọi không thể không đi theo, một chỉ lệnh mà tim óc không thể cưỡng lại, một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mê muội, một lời khiển trách đối với những kẻ vong bản, vong quốc, là người Việt mà không am tường sử Việt, lải nhải đọc kinh nhật tụng: Tổ tiên chúng ta là người Gôloa, hiểu rõ sự tích bà Gian Đa hơn sự tích Bà Trưng, Bà Triệu, có thể nói vanh vách về tài cán của quan nhiếp chính Risơliơ nhưng không biết một chút gì về công đức của thái úy Tô Hiến Thành; đi du học về nước, họ giả vờ quên tiếng mẹ đẻ, để cất lên một câu tiếng Pháp:”Tôi kinh ngạc thấy mình là người Anamít!”.
Dân ta phải biết sử ta!
Đây là một chân lý in đậm tinh thần dân tộc, không một chút bài ngoại và đố kỵ, giản dị như khí trời, nước uống, nhưng vững chắc như một khối đá tảng, khiêm nhường nhưng thách đố: Hỡi những học giả “chế tạo” từ “mẫu quốc”! Các bạn đọc đã nhiều sách, nói đã nhiều triết lý, nhưng có một điều giản dị các bạn chưa làm nổi, thậm chí cũng chưa hiểu nổi: Dân ta phải biết sử ta! Hãy tìm hiểu lịch sử dân tộc, ông cha cho tường tận để rút lấy bài học ứng xử trước thời cuộc éo le, như người xưa thường nói: “Xã tắc hưng vong, thất phu hữu trách!”.
Kẻ nào không biết lịch sử thì kẻ đó đã đánh mất quá khứ, mà đánh mất quá khứ là đánh mất chính bản thân mình. Khi chính bản thân mình đã bị đánh mất thì trong tay còn lại cái gì để chiêm nghiệm, để suy ngẫm, để lý giải, để ứng xử, để đấu tranh, để tồn tại và vươn tới?...
Phương pháp sử dụng lịch sử để thức tỉnh đồng bào đã được sử dụng khá thành công trong những bài “Chiêu hồn nước” của nhóm Đông kinh nghĩa thục và trong những nhạc phẩm “gọi đàn” của phong trào học sinh, sinh viên trước Cách mạng tháng Tám, trong thời kỳ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhưng nếu chắt lọc kỹ có thể tìm thấy những điều riêng biệt của tác phẩm “Lịch sử nước ta”:
- Do quan điểm phân tích xã hội khác nhau, đối tượng thức tỉnh của các tác phẩm khác có ý hướng về các sĩ phu, thức giả, người có học vấn, các đấng “mày râu” có triển vọng trở thành rường cột cứu nước:
Đường đường một đấng trượng phu
Lẽ đâu hồn chẳng đều bù non sông
(Chiêu hồn nước)
Còn tác phẩm “Lịch sử nước ta” bộc lộ rõ ý định viết về các giới, về các lứa tuổi, nhằm đánh thức và liên kết trăm họ đúng như những đối tượng được nhắc lại trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” sau đó 5 năm: “bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc... “
Ngay sau 6 câu mở đầu về đời Hồng Bàng, nước Văn Lang, Nguyễn Ái Quốc nhắc ngay sự tích Phù Đổng, không phải với giọng văn huyền thoại, linh thiêng mà với ngôn ngữ đời thường dân dã:
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Đến thời nhà Trần, vẫn với ngôn ngữ ấy, Người viết:
Quang Toản là trẻ có tài
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo
Về các giới, Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng nêu gương các liệt nữ. Sau 10 câu liên tục viết về sự tích Bà Trưng, Bà Triệu, điểm qua các triều đại khác, đến thời Nguyễn Huệ, Người đã để ra tới 4 trên 10 câu để viết về Bùi Thị Xuân:
Tướng Tây Sơn có một bà
Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân
Tay bà thống đốc ba quân
Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là
Cách dắt dẫn từ những định đề: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường... Thiếu niến ta rất vẻ vang... Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo”... “Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang...” đến cách phân tích “Người chúng ít, người mình đông” rồi đến những chỉ dẫn:
Bất kỳ nam nữ giàu nghèo,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn
Người giúp sức kẻ giúp tiền
Cùng nhau giành lấy chủ quyền nước ta...
Cho thấy rõ quan điểm động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân... đã được Nguyễn Ái Quốc đề xuất và chỉ đạo từ năm 1941.
- Điều khác biệt thứ hai có thể rút ra được nằm ngay trong bài diễn ca là sự thức tỉnh. Vì chưa thiết kế xong những đường đi nước bước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoặc đã có những phác thảo ban đầu nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ để vững tin vào thắng lợi cuối cùng, các tác phẩm khác còn vọng lên những tiếng kêu bi thương, trách oán, nêu lên những câu hỏi lớn mà người đọc, người nghe phải tự tìm lời đáp, đặt ra những yêu cầu chung bắt mọi người phải mở lấy lối đi:
Cũng nhà cửa cũng giang san
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời!...
Cảnh như thế tình thì như thế
Sống làm chi, sống để mà chi
Người đời đến thế còn gì
Nước non đến thế còn gì nước non?
(Chiêu hồn nước)
Trái lại, điểm toàn bộ 208 dòng trong “Lịch sử nước ta” của Nguyễn Ái Quốc, ta thấy một văn phong lạc quan, khẳng định, mang tính hướng dẫn như của một người thầy đứng giữa đám trò lớn được tin yêu, chứ không đứng trên bục giảng. Nguyễn Ái Quốc phân tích, lý giải chứ không chất vấn, nhắc nhở chứ không trách cứ, dìu dắt chứ không buông lơi. Sau khi giới thiệu cuộc khởi nghĩa của bà Triệu, Người phân tích:
Kể gần sáu trăm năm trời
Ta không đoàn kết bị người tính thôn...
Ở đây cắt nghĩa rõ sự thất bại liên tiếp sau khởi nghĩa bà Triệu là do ta không đoàn kết chứ không phải do địch mạnh. Về cuộc kháng chiến chống Nguyên, Người lý giải:
Nhà Trần thống trị giang san
Trị yên trong nước, đánh tan giặc ngoài
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài
Đánh đâu được đấy, dông dài Á Âu
Tung hoành chiếm nửa Âu châu
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la
Lăm le muốn chiếm nước ta
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thùy
Hải quân theo bể kéo đi
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nêm
Dân ta nào có chịu hèn
Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang
Mênh mông một dải Bạch Đằng
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh
Đem hoàn cảnh đất nước đương thời đối chiếu với lịch sử, Nguyễn Ái Quôc chỉ lý giải chứ không trách cứ:
Xét trong lịch sử Việt Nam
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng
Nhiều phen đánh Bắc dẹp Đông
Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiến
Ngày nay đến nỗi nghèo hèn
Vì ta chỉ biết lo yên một mình
Để người đè nén xem khinh
Để người bóc lột ra tình tôi ngươi!
Với phong cách của người dẫn đường chỉ lối, Nguyễn Ái Quốc đã bao quát thời cuộc bằng con mắt chiến lược để khẳng định tình thế cách mạng, kết luận ngay về so sánh lực lượng:
Bây giờ Pháp mất nước rồi
Không đủ sức, không đủ người trị ta
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rầy rà
Ấy là dịp tốt cho ta
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông
Người chúng ít người minh đông
Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.
Đó chính là mục tiêu đích thực của tập diễn ca.
Vào thời điểm lịch sử những năm 1940, Nguyễn Ái Quốc ngày đêm theo dõi cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương Cách mạng tháng Mười. Để nhìn cho ra cái tất thắng của sự nghiệp giải phóng Tổ quốc trong bối cảnh đầy khó khăn phức tạp đó, cần phải có được những thông tin ở tầm chiến lược đi đôi với nghệ thuật “lọc và xử lý thông tin” chính xác, sâu sát mới dự báo và khẳng định nổi một kết luận khoa học gần như ngược chiều với những luồng tin tràn ngập của chính phủ Visy đã đầu hàng phát xít và của hãng Đômây” do Nhật độc quyền kiểm soát.
Đối với một bài toán khó như vậy, Nguyễn Ái Quốc không giải trình trong tập diễn ca. Với trí tuệ, tầm nhìn của một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, Người đã nắm chắc đáp số của bài toán và mới quan hệ tác động của nó tới cách mạng Việt Nam. Bằng phương pháp dự báo mà không lý giải, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “1945; Việt Nam độc lập”. Cũng có nghĩa là đến năm đó, bọn phát xít sẽ thất bại. Là người dắt dẫn quần chúng, Nguyễn Ái Quốc không dừng lại ở việc nêu khẩu hiệu chung chung mà Người dành ra hẳn một mảng cuối cùng của tập sách để hướng dẫn hành động:
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên:
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau
Bất kỳ nam nữ nghèo giàu
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn
Người giúp sức kẻ giúp tiền
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta
Trên vì nước, dưới vì nhà
Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc - Hồng.
Kết thúc phần diễn ca, Nguyễn Ái Quốc tóm tắt thành một điều cốt lõi:
Dân ta xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh
Có thể nói, khẩu hiệu chỉ đạo chiến lược nổi tiếng được coi là bí quyết của mọi thắng lợi, in đậm dấu ấn Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” đã được “đúc” ra từ những năm tháng đó.
Cả một hệ thống chứng minh, phân tích, lý giải, hướng dẫn rất vững vàng, chắc chắn đã làm người đọc liên tưởng đến những nhận định đầy tính tiên liệu dưới đây của Người về nhân dân mình, xứ sở mình trước đó hai thập kỷ: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi...” Dưới mắt Nguyễn Ái Quốc, từ lâu đất cách mạng đã được chuẩn bị, chỉ còn việc “gieo hạt giống của công cuộc giải phóng”... và mùa gặt sẽ đến.
Rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc sử dụng lịch sử vào việc vận động phong trào cách mạng một cách nhuần nhuyễn, có hiệu quả. Nhằm mục đích kêu gọi đồng bào ra nhập “Đồng minh giành độc lập”, tác phẩm “Lịch sử nước ta” của Nguyễn Ái Quốc không tuân theo chế định “thuật nhi bất tác” của các sử gia thời xưa, cũng chẳng thêm một tư liệu gì cần khảo cứu cho các nhà viết sử đời sau. Nhưng lấy lịch sử để thức tỉnh đồng bào trong thời kỳ dân ta còn bị đế quốc, thực dân thống trị thì đây là một mô thức bậc thầy. Nguyễn Ái Quốc đã dám dựng dậy toàn bộ lịch sử ông cha, đưa truyền thuyết lên hàng hiện thực, vừa chứng minh, vừa huy động cả cái kho báu vô tận, cái nền tảng sâu dày ấy vào cuộc đấu tranh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Qua đó thu hút hàng triệu con người đang bị nô dịch, quy tụ trong ngôi nhà chung của dân tộc. Và chỉ từ tập “gia phả” truyền đời ấy, từng con người mới thấy lại chính mình, bởi nhìn ra sức mạnh của dòng giống mình, gương mặt của đồng bào mình, mới có đủ lòng tin bước vào trận chiến.
Lịch sử vốn là một dòng chảy không bao giờ đứt đoạn. Như một dòng sông chuyển tải nước và cát sỏi, lịch sử cuốn trong lòng nó số mệnh những con người, những dân tộc, vận mệnh của cả loài người. Đối với mỗi con người, mỗi dân tộc, nó như từ bên ngoài đem lại nhưng kỳ thực lại do từng con người góp sức tạo thành. Nó như được tạo hình từ một cái khuôn đúc sẵn nhưng kỳ thực có thể xuất hiện theo dạng này hoặc theo dạng khác, do chính những con người vừa gánh chịu nó vừa chung tay nhào nặn ra nó. Lịch sử là cái không thể làm lại được, cũng là cái không thể xóa bỏ được.
Lịch sử không bao giờ lặp lại. Nhưng vì bị chi phối bởi quy luật vận động và phát triển, lịch sử đôi khi lại tái hiện gần giống những tình thế cũ, những xu hướng cũ, những hình bóng cũ với những khuôn mặt mới ôn lại lịch sử, thế hệ sau có thể tìm thấy nhiều bài học do các thế hệ trước để lại, cả bài học thất bại lẫn bài học thành công. Bởi vậy, lịch sử các dân tộc là những pho từ điển bách khoa, là người thầy lớn mà tầng tầng lớp lớp các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ tiếp nối.
Không hiểu rõ quá khứ thì không thể cắt nghĩa nổi hiện tại và đoán định được tương lai. Vì lịch sử chính là nguồn gốc hình thành, tồn tại và phát triển của từng dân tộc trên trái đất đã được “sắp đặt” trong mới quan hệ không thể tách rời với các dân tộc khác, trải qua mọi biến động thăng trầm, suy thịnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi khi lo nghĩ về kế sách bình Ngô, đã hạ bút viết một câu chí lý: Xét cổ, nghiệm kim, gắng tìm hiểu hưng vong mọi lẽ.
Sự hưng vong của một dân tộc không tự nhiên đến. Nó có lai lịch, căn nguyên hoàn toàn có thể tìm hiểu được. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng chỉ rõ: “Muốn biết nguyên nhân kiếp trước, kinh nghiệm ngay vào sự thụ hưởng hiện tại. Muốn biết nguyên nhân kiếp sau, kinh nghiệm ngay vào hành vi hiện tại”.
Để tìm hiểu cái lẽ hưng vong của dân tộc, phải dày công suy ngẫm về cội nguồn. Với “Lịch sử nước ta”, Nguyễn Ái Quốc đã xuyên qua toàn bộ chiều dày lịch sử dân tộc mà chỉ ra cái lẽ hưng vong của từng triều đại. Người đã dành ngót một phần tư tác phẩm (50 dòng trong tổng số 208 dòng) để viết về thời nhà Nguyễn, phân tích về nguyên nhân mất nước và quá trình đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đánh giặc cứu nước, chỉ ra triển vọng của cuộc đấu tranh trong giai đoạn mới.
Trong một bối cảnh quốc tế đầy biến động, vận mệnh cách mạng các dân tộc đang bị uy hiếp nghiêm trọng, cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai ở tình thế chưa ngã ngũ, quân Đồng Minh chưa mở được Mặt trận phản công, trục phát xít còn ở thế áp đảo... sự ưu thời mẫn thế cộng với lòng tin vững chắc vào sức mạnh quần chúng của Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho lịch sử một mẫu dự báo đầy tính tiên tri, một cột mốc cắm chắc vào lịch sử. Ngay từ cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: 1945, Việt Nam độc lập.
Lịch sử từng quốc gia, dân tộc có những ngày tháng quyết định. Trong những ngày tháng ấy, những người chèo lái ở cương vị cầm đầu đất nước, có khi cầm đầu cả những cộng đồng, cả một liên minh... trong những hoạt động định hướng và định lượng của mình, nếu biết tôn trọng lịch sử, học hỏi lịch sử và tận dụng sức mạnh từ lịch sử thì vận mệnh các quốc gia dân tộc cũng bớt được những vòng quanh gấp khúc.
Với Nguyễn Ái Quốc, để động viên quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, chỉ riêng cái mô thức dựng dậy toàn bộ sức mạnh Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nhằm định hướng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vào thời điểm cần thiết - một dự báo sâu sắc, dự liệu sáng suốt về thời cuộc khi còn đen tối, tin chắc vào cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của những dân tộc và những con người - một lời kêu gọi kết đoàn và chỉ dẫn cho quần chúng con đường vươn tới, chỉ riêng cái mắt xích trí tuệ mang tầm lãnh tụ cô đọng trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” và những diễn biến thời cuộc đúng như dự báo vào bốn năm sau đó. Chỉ chừng ấy trí tuệ, chừng ấy công lao đã đủ đặt một con người lên hàng nhân vật lịch sử, khai phá một kỷ nguyên, mở ra một thời đại mới mà bất cứ một mưu đồ phủ định nào cũng không xuyên tạc nổi.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Từ tư duy giữ nước đến Học thuyết quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần I): Bản lĩnh Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần II): Lịch sử giữ nước của dân tộc ta
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần III): Sơ lược về sự hình thành và phát triển nền Nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần IV): “Phạt Tống lộ bố văn” - Một phương thức chống xâm lược dưới thời nhà Lý