Web Content Viewer
ActionsHội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng
(Bqp.vn) - Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh cùng Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng 18 nước theo nghi thức truyền thống của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam (12/10/2010).
“Lịch sử thế giới hiện đại ít khi chứng kiến việc Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới cùng ngồi lại với nhau không phải bàn về chiến tranh mà để cùng nhau chia sẻ và bàn thảo về hợp tác quốc phòng an ninh thiết thực vì hòa bình, ổn định và phát triển, như chúng ta đang chứng kiến ở đây”. Trích phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất (Hà Nội, 12/10/2010).
Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy hợp tác là chính trên cơ sở kiên định chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào.
Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Chính trị - An ninh đến năm 2025; tham gia xây dựng và triển khai các quy tắc, luật lệ của ASEAN; đề xuất sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực; tham gia và đóng góp định hình các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà Việt Nam là thành viên, trước hết là các cơ chế do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ADMM, ADMM+ và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh; tích cực tham gia nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, Việt Nam xem xét tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh đa phương và cơ quan pháp lý quốc tế khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Hợp tác bảo vệ và giao lưu hữu nghị biên giới là một trong những ưu tiên đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Tăng cường hợp tác tuần tra chung, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có chung đường biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, di cư, nhập cư bất hợp pháp; tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai ở khu vực biên giới. Việt Nam thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã ký với các nước; đồng thời, mở rộng việc thiết lập và duy trì đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng các nước; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với hải quân và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với những thách thức an ninh chung. Việt Nam sẵn sàng đón tàu hải quân, tàu cảnh sát biển, tàu biên phòng của các nước và các tổ chức quốc tế thăm xã giao, thăm thông thường; ghé đậu để sửa chữa, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật hoặc trú tránh thiên tai, thảm họa.
Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung vào giải quyết vấn đề nạn nhân chất độc da cam/điôxin; làm sạch vùng đất, vùng nước bị ô nhiễm chất độc hóa học và bom mìn; hợp tác cùng các bên giải quyết vấn đề những người còn mất tin, mất tích trong chiến tranh.
Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng và lợi ích của mình, trong đó có các cơ chế quốc phòng, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ việc mở rộng hợp tác giữa các cơ chế an ninh đa phương do ASEAN giữ vai trò trung tâm với các đối tác ngoài khu vực trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản và chuẩn mực của ASEAN.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu truyền thống “80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”
- Thể lệ Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
- Công bố mẫu Biểu trưng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng
- Đấu tranh quốc phòng