Khẳng định hiệu quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin

17:48 | 09/08/2024

(Bqp.vn) - Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin được đánh giá là một nền tảng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước. Hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, ghi nhận tính hiệu quả những nỗ lực chung trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về lĩnh vực này.


Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper thăm hỏi, động viên nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, tháng 8/2024.

Chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy. Thảm họa “da cam” đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng ngày quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam dioxin. Nhiều nơi trên đất nước ta chất độc hóa học từ thời chiến tranh vẫn còn đó, thấm sâu vào lòng đất và nguồn nước, đang hủy hoại môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn trong đời sống của nhân dân.


Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố Cần Thơ.

Không có nỗi đau nào đau hơn “nỗi đau da cam”. Đó là thảm họa, là nỗi đau không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của nhân loại trên thế giới. Xoa dịu “nỗi đau da cam” là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ chống chính trị và cộng đồng xã hội. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó có khoảng 3,2 triệu người là nạn nhân, sinh sống trên 63 tỉnh, thành phố, song số người đang được hưởng chế độ chính sách đối với nạn nhân mới được khoảng hơn 250 ngàn người. Hiện nay, công tác này đang còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn rất hạn chế, nhất là việc xác định các nạn nhân, đặc biệt là thế hệ thứ ba trở đi; sẽ còn rất nhiều việc phải làm để cùng nhau giúp đỡ cho các nạn nhân và gia đình của họ hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.


Đào tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Thời gian qua, việc thực hiện chế độ, chính sách, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ; được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế quan tâm, tích cực ủng hộ thực hiện. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã có các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức các hoạt động cải thiện chất lượng sống cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại 8 tỉnh bị phun rải nặng, là: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (65 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (75 tỷ VNĐ). Sắp tới đây, hoạt động hợp tác này sẽ được mở rộng thực hiện tiếp tại 03 tỉnh là Cà Mau, Bạc Liêu và Quảng Ngãi. Hợp tác triển khai thành công Dự án Xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng (hoàn thành năm 2018) , giải phóng được khoảng 32,4 ha đất, bàn giao cho cơ quan chức năng để mở rộng sân bay Đà Nẵng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một trong những minh chứng rõ nét hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh.


Tổng Giám đốc USAID Samantha Power và Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ký biên bản hoàn trả mặt bằng đã xử lý đi-ô-xin khu vực Tây Nam sân bay Biên Hòa, tháng 8/2023.

Tiếp nối thành công Dự án Xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng, Dự án Xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa (một trong những khu vực ô nhiễm đi-ô-xin lớn nhất thế giới về mức độ và quy mô), giai đoạn 1, từ năm 2019 - 2028. Tính đến năm 2022, Dự án đã đào xúc, vận chuyển được 49.159m3 đất, trầm tích ô nhiễm đi-ô-xin; làm sạch được 47.159 m2 diện tích ô nhiễm, bàn giao 5.374 m2 Hồ Cổng 2 sau xử lý cho thành phố Biên Hòa quản lý và 25.167 m2 cho Trung đoàn 935 (Quân chủng Phòng không - Không quân) để xây dựng Công viên Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 2023, thông qua dự án đã đào xúc, vận chuyển được 26.000 m3 đất, trầm tích ô nhiễm đi-ô-xin. Ngày 04/01/2023, Phía USAID thông báo đã trao thầu thiết kế công nghệ gia nhiệt truyền dẫn và vận hành hệ thống xử lý đi-ô-xin trong khoảng 111.70 m3 đất ô nhiễm đi-ô-xin nồng độ cao tại khu vực sân bay Biên Hòa cho Công ty Nelson của Hoa Kỳ với tổng trị giá 72 triệu USD. Ngày 07/3/2023, hai bên đã phối hợp tổ chức Lễ bàn giao khoảng 3 ha đất sau xử lý ở phía Tây Nam sân bay cho Trung đoàn 935. Ngày 07/9/2023, hai bên ký điều chỉnh Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại (LSGA), chính thức tăng nguồn vốn hỗ trợ của Hoa Kỳ từ 183 triệu USD lên 300 triệu USD, góp phần đảm bảo nguồn lực triển khai giai đoạn 1 xử lý khu đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa. Tháng 01/2024, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì đã đi Hoa Kỳ để đánh giá kết quả thử nghiệm giải pháp thiết kế công nghệ của Nhà thầu Công ty Nelson đối với mẫu đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn giải pháp thiết kế công nghệ xử lý đi-ô-xin phù hợp, đảm bảo hiệu quả, an toàn, chất lượng và tiến độ trong triển khai dự án thời gian tới.


Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Bên cạnh đó, Việt Nam - Hoa Kỳ đã hợp tác triển khai Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam được triển khai theo lộ trình đã thống nhất. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ trực tiếp 60.000 người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam/đi-ô-xin, bao gồm các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, trong đó dự kiến khoảng 45.000 người sẽ được cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, Dự án đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn 8 tỉnh, đã khám sàng lọc cho 17.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/đi-ô-xin; can thiệp phục hồi chức năng cho 50.000 người khuyết tật, nạn nhân da cam/đi-ô-xin; cung cấp dịch vụ chăm sóc cho 59.000 người; tổ chức đào tạo tập huấn cho khoảng 1.000 cán bộ phục hồi chức năng...


Hội thảo quốc tế khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường Việt Nam, tháng 5/2024.

Cùng với những hợp tác tuyên truyền về kết quả Việt Nam - Hoa Kỳ khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin được thúc đẩy triển khai. Được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Văn phòng 701 và USAID đã ký Ý định thư hợp tác truyền thông (tháng 01/2021). Hai bên đang tập trung phối hợp tổ chức nâng cấp nội dung trưng bày về kết quả hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà Trưng bày Chứng tích Chiến tranh tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện hai bên đang phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để thiết kế nội dung trưng bày. Ngoài ra, hai bên cũng đang phối hợp xây dựng phim tài liệu về xử lý ô nhiễm chất da cam/đi-ô-xin, trong đó tập trung vào hoạt động hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ xử lý đi-ô-xin tại khu vực sân bay Biên Hòa.


Các đơn vị chức năng tổ chức rà soát bề mặt đất nhiễm dioxin phục vụ công tác xử lý tại sân bay Biên Hòa.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hợp tác giữa hai nước trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh, song do hậu quả của ô nhiễm bom mìn, vật nổ và chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt nam đối với con người và môi trường là rất lớn về phạm vi, quy mô và khối lượng, đòi hỏi nguồn lực, thời gian lớn xử lý. Trong khi đó, nguồn kinh phí do phía Hoa Kỳ bảo đảm cho công tác này còn hạn chế. Phía Hoa Kỳ mới cam kết khoảng 300 triệu USD vốn ODA không hoàn lại để xử lý đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa, trong khi đó, theo tính toán cần khoảng 450 - 500 triệu USD để hoàn thành xử lý toàn bộ đất nhiễm đi-ô-xin tại đây. Hoạt động hỗ trợ nạn nhân mới được cam kết thực hiện trên 8 tỉnh, sẽ mở thêm 3 tỉnh mới, trong khi đó theo số liệu thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Mặt khác, do sự khác biệt về quy định, cơ chế của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc bảo đảm nguồn vốn, phê duyệt triển khai thực hiện các dự án hợp tác nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện các hoạt động này.


Biển cảnh báo khu vực nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, theo tinh thần Tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2023 về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, thời gian tới hai bên xác định tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Phía Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực này, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại khu vực sân bay Biên Hòa và huy động nguồn lực để giúp xử lý toàn bộ ô nhiễm đi-ô-xin tại đây; hỗ trợ xử lý triệt để đất nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Phối hợp thực hiện tốt Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam/đi-ô-xin, trong đó tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng nhiễm chất độc đi-ô-xin ở các tỉnh, thành phố khác; triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông về hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin…

File đính kèm:

Nguyễn Bằng

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.