Quá trình hình thành và phát triển

(Bqp.vn) - Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34-SL về việc thành lập Công chính Giao thông Cục thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, có nhiệm vụ tổ chức và thi hành vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn như cầu cống, đường sá, máy móc… Ngày 25/3/1946 đánh dấu sự ra đời của ngành công binh Quân đội nhân dân Việt Nam và trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Công binh Việt Nam.


Bộ đội Công binh bảo đảm vượt sông trong luyện tập hiệp đồng chiến đấu.

Ngày 29/6/1946, Bộ Quốc phòng ra Thông tri số 390-TT phân nhiệm trong Bộ Quốc phòng, trong đó quy định nhiệm vụ của Công chính giao thông Cục là tổ chức và thi hành việc vận tải; trông nom, mua bán; sửa chữa tất cả các xe cộ dùng trong Bộ và trong quân đội; mua bán và giữ các kho dầu, cồn; tổ chức mở mang các xưởng sửa chữa xe, chữa máy, các xưởng công binh để giúp thêm vào Quân nhu Cục và để có các thợ chuyên môn; vẽ bản đồ, tổ chức liên lạc thông tin.

Ngày 02/12/1946, Công chính Giao thông Cục đổi tên thành Giao thông Công binh Cục. Cuối tháng 12/1946, 3 tiểu đoàn được đầu tiên được thành lập với nhiệm vụ tiến hành công tác phá hoại và xây dựng các công trình công sự trên các đường phố quanh Hà Nội. Ngày 05/02/1949, Giao thông Công binh Cục đổi tên thành Cục Công binh. Ngày 07/01/1951, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 44/QĐ thành lập trung đoàn công binh trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu có nhiệm vụ tổ chức vượt sông, sửa chữa đường sá, làm công sự sở chỉ huy, làm công tác bộc phá lớn, thực hiện công tác huấn luyện và đào tạo cán bộ từ tiểu đội đến đại đội cho các đại đoàn, mặt trận và liên khu. Ngày 15/01/1951, Trung đoàn Công binh 151 trực thuộc Bộ ra đời tại khu rừng Khuôn Lâm, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Công binh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao: sửa chữa và làm mới hàng trăm km đường, hàng trăm cây cầu để vận chuyển hàng hóa và làm đường kéo pháo phục vụ hiệu quả cho phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, làm các trận địa pháo lựu và pháo phòng không theo yêu cầu của Bộ.

Ngày 11/3/1960, Bộ Tổng tham mưu ra Chỉ thị số 41 thống nhất tổ chức công binh trong toàn quân, tổ chức công binh tiếp tục được kiện toàn, hoàn thành công binh 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến đấu và 3 loại: công trình chiến đấu, vượt sông, xây dựng công trình quốc phòng. Trong thời gian này, Bộ đội Công binh được trang bị thêm những phương tiện, khí tài công binh mới do nước ngoài viện trợ; đồng thời Tiểu đoàn xe lội nước 69 được thành lập có nhiệm vụ bảo đảm cho phân đội phái đi trước của bộ binh thực hành vượt sông trong hành tiến. Các đơn vị công binh trực thuộc và lực lượng công binh trong toàn quân phát triển mạnh, chất lượng Bộ đội Công binh ngày càng được nâng cao.

Năm 1965, trước tình hình mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo lệnh của Bộ, Cục Công binh gấp rút xây dựng một số đơn vị mới để tăng cường cho các chiến trường, bổ sung quân số, trang bị và chuyển hướng huấn luyện bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngày 18/6/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 102/QĐ thành lập Bộ Tư lệnh Công binh với nhiệm vụ: chỉ đạo, chỉ huy và quản lý các đơn vị công binh dự bị của Bộ; làm tham mưu cho Bộ về kế hoạch bảo đảm công trình gồm: công trình chiến đấu, sở chỉ huy, đường sá, sân bay, quân cảng… và giúp Bộ chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh chủng làm các công trình quốc phòng; trực tiếp làm một số công trình do Bộ giao; giúp Bộ chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đơn vị công binh trong toàn quân.

Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại (1965 - 1968), chấp hành Chỉ thị số 124/TM “Công binh chủ lực đảm nhiệm rà phá bom mìn ở những nơi mà lực lượng tại chỗ không giải quyết được, nghiên cứu giải quyết trang bị, thường xuyên rút kinh nghiệm cách rà phá bom mìn địch cho các binh chủng và các địa phương…”, Bộ Tư lệnh Công binh đã cử nhiều đoàn cán bộ đi thu thập, nghiên cứu các loại bom mìn, nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, tổ chức biên soạn tài liệu để phổ biến rộng rãi cho các đơn vị trong toàn quân.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ đội Công binh đã đảm bảo công tác vượt sông, sửa chữa đường sá, mở các tuyến đường mới và đánh phá giao thông thủy bộ, ngăn chặn địch tiếp tế và cơ động lực lượng, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ trên chiến truờng miền Bắc, lực lượng công binh ba thứ quân được phát triển nhanh, đặc biệt là các đơn vị rà phá bom trên biển, trên sông và trên bộ. Với những thiết bị rà phá bom, mìn được nghiên cứu thành công, các lực lượng công binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ rá phá bom các loại, đảm bảo thông suốt các tuyến đường biển, đường không và đường bộ, sửa chữa các tuyến đường, cầu cống bị địch đánh phá.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo công binh bảo đảm cầu đường trên một diện rộng, gồm nhiều trục đường phục vụ cuộc hành quân thần tốc của các quân đoàn và binh khí kỹ thuật. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công binh Việt Nam, một lực lượng lớn công binh gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm đường, cầu cho các quân đoàn chủ lực và các đơn vụ binh khí, kỹ thuật với hàng nghìn km vào tham gia chiến dịch. Trên các hướng tiến công, lực lượng công binh đã làm tốt công tác bảo đảm công trình chiến dịch, bảo đảm cơ động cho các binh đoàn chủ lực.

Ngày nay, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của Binh chủng có sự phát triển; cùng với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Bộ đội Công binh còn tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐCB luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, đảm nhận các công trình trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện có hiệu quả hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh trên các địa bàn cả nước. Trên các địa bàn đứng chân và hoạt động, các đơn vị công binh còn tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực làm tốt công tác chính sách xã hội... góp phần làm sáng đẹp phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Bộ đội Công binh phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” trong thời kỳ mới

Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng, trong đó có việc thành lập Công chính giao thông Cục - tiền thân của Bộ Tư lệnh Công binh ngày nay. Sắc lệnh nêu rõ “Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: cầu cống, đường sá, máy móc...”. Từ đó, ngày 25/3 trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Công binh (BĐCB).


Bộ đội Công binh kết hợp thực hành huấn luyện với mở đường ở vùng rừng núi.

Sau khi ra đời, BĐCB phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, gian khổ, thực hiện từ nhiệm vụ đánh phá giao thông, đánh công đồn đến các nhiệm vụ làm đường, bắc cầu, xây dựng sân bay, bến cảng, xây dựng các công trình phòng thủ... Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quy mô lực lượng Công binh mới ở cấp đại đội, tiểu đoàn; toàn quân mới chỉ có một trung đoàn Công binh chủ lực với trang bị thô sơ, nhưng đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội, như: Biên giới, Hoà Bình, Thượng Lào và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Công binh phát triển không ngừng, ngoài các đơn vị cầu, đường chuyên trách, BĐCB còn được biên chế ở hầu hết các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt, lực lượng Công binh nhân dân, Công binh địa phương đã phát triển rộng khắp, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo đảm chiến đấu và chiến đấu ở địa phương. Cùng với phát triển lực lượng, các đơn vị Công binh được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, có sức cơ động cao và khả năng hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng: từ các hình thức bảo đảm chiến đấu cho từng trận đánh, tiến đến bảo đảm công binh trong các phương thức tác chiến hiện đại, hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn và lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, BĐCB tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); đồng thời, tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, quan trọng, như: xây dựng công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, xử lý bom đạn cấp 5, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình, tham gia sản xuất, phát triển kinh tế và các nhiệm vụ đột xuất khác. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng lực lượng Công binh vững mạnh, đủ sức hoàn thành cả nhiệm vụ SSCĐ và nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Binh chủng đặc biệt quan tâm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xác định đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi, nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; qua đó, xây dựng cho BĐCB có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức đúng về nhiệm vụ của quân đội, của Binh chủng, có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Những năm gần đây, Đảng uỷ Binh chủng Công binh tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới cách ra nghị quyết và coi trọng việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Vì vậy, hằng năm, Đảng bộ Binh chủng Công binh có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ chi bộ đại đội đủ quân có chi ủy đến nay đạt trên 90%. Xác định rõ vai trò, vị trí của cán bộ và công tác cán bộ, cấp ủy các cấp đã thực hiện tốt việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, bố trí được nhiều nguồn kế cận, kế tiếp cho mỗi cương vị; thực hiện bổ nhiệm, điều động luân chuyển cán bộ hợp lý; thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kỹ thuật; từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nghiêm túc, triển khai thực hiện chặt chẽ, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh, trở thành nội dung sinh hoạt chính trị thường xuyên, sâu, rộng ở tất cả các cấp; đạt được những chuyển biến tích cực. Hiện nay, Binh chủng đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Bác bằng những việc làm thiết thực; trong đó, tập trung vào việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục hiện tượng trung bình chủ nghĩa, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh thực hiện các quy định về an toàn trong huấn luyện, lao động sản xuất và tham gia giao thông...

Từ các bài học về tổ chức lực lượng Công binh trong kháng chiến và thực hiện chủ trương của Quân uỷ Trung ương, chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế trong tình hình mới, Binh chủng đã tập trung điều chỉnh lực lượng, tham mưu cho Bộ, ban hành biểu biên chế các loại hình, quy mô tổ chức lực lượng Công binh trong ba thứ quân theo hướng tinh, gọn, mạnh; có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình và sẵn sàng phát triển lực lượng trong thời chiến; trong đó, trọng tâm là tổ chức, biên chế đơn vị Công binh chủ lực của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; chú trọng xây dựng các đơn vị Công binh kiêm nhiệm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... Lực lượng dự bị động viên Công binh được tổ chức, xây dựng theo phương thức mới; các đơn vị luôn chủ động phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác tạo nguồn, sắp xếp nguồn, đăng ký, quản lý quân nhân dự bị động viên và tổ chức huấn luyện, diễn tập theo Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.

Công tác huấn luyện, giáo dục - đào tạo của Binh chủng được đổi mới toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa huấn luyện với SSCĐ và thực hiện nhiệm vụ trong thời bình. Các đơn vị tập trung huấn luyện cơ bản, vững chắc cấp phân đội; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tế chức năng, nhiệm vụ công binh. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ đã tập trung nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, khả năng chỉ đạo tổ chức huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp; đến nay, 100% cán bộ đã tổ chức huấn luyện được theo phân cấp. Công tác huấn luyện phân đội được triển khai chặt chẽ; chú trọng rèn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dụng; thuần thục các phương án bảo đảm công binh trong điều kiện tác chiến địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong công tác huấn luyện chiến thuật, diễn tập, Binh chủng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới phương pháp diễn tập chỉ huy - cơ quan nhằm nâng cao khả năng tham mưu tác chiến cho đội ngũ cán bộ và diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cấp phân đội. Cùng với huấn luyện chiến đấu, các đơn vị còn chú trọng huấn luyện các nội dung liên quan đến xây dựng công trình phòng thủ, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, rà phá bom, mìn, vật nổ, làm đường, ứng cứu, hộ đê, phân lũ…

Các nhà trường của Binh chủng đẩy mạnh đổi mới theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo sự chuyển biến vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo. Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường luôn bám sát thực tiễn hoạt động và nhiệm vụ của đơn vị. Hiện nay, Binh chủng đang triển khai nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công binh trong chiến tranh công nghệ cao, phù hợp với cách đánh mới và đối tượng tác chiến có ưu thế về vũ khí công nghệ cao; đồng thời, nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các trang bị, phương tiện phục vụ công tác xử lý bom mìn, khảo sát, thiết kế và thi công các công trình ở địa bàn vùng biển, đảo, biên giới, vùng có địa chất phức tạp...

Hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các đơn vị được quan tâm đúng mức, tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, sửa chữa xe máy và cải tiến trang bị công binh. Cùng với đó, Binh chủng Công binh tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các tài liệu, giáo trình đào tạo bậc đại học ở Trường Sĩ quan Công binh và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Công binh...

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Binh chủng còn hoàn thành tốt chức năng đầu ngành kỹ thuật công binh toàn quân; đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số: 382-NQ/ĐUQSTW, tạo được chuyển biến toàn diện trong công tác kỹ thuật. Binh chủng thường xuyên bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị Công binh toàn quân; tổ chức mua sắm vũ khí, trang bị đúng định hướng, phù hợp với điều kiện khai thác, sử dụng trong chiến đấu và lao động sản xuất. Vì vậy, cơ sở kỹ thuật của lực lượng Công binh toàn quân ngày càng được củng cố, đổi mới theo hướng chính quy, an toàn và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu cao của công tác kỹ thuật công binh trong tình hình mới.

Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của Binh chủng có sự phát triển; cùng với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh chủng còn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Công binh tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước, với yêu cầu thực sự là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Đặc biệt, BĐCB đã trở thành lực lượng quan trọng tham gia xây dựng hệ thống công trình quốc phòng trong các khu vực phòng thủ địa phương, các đường hầm và công sự lâu bền trong khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và các mục tiêu trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Cùng với đó, các đơn vị Công binh còn tham gia nhiều dự án vừa phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa có ý nghĩa tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐCB luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, đảm nhận các công trình trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nổi bật là việc tham gia quy hoạch và tổ chức xây dựng đường tuần tra biên giới, xây dựng các công trình ở biển, đảo, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; tham gia tổ chức thi công các công trình đòi hỏi bí mật, an toàn theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng; tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...

Trong hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, Binh chủng đã ban hành quy trình kỹ thuật, định mức dự toán, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quân; đồng thời, đã quản lý có hiệu quả các hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh trên các địa bàn cả nước và tham gia xử lý bom đạn cấp 5 đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn. Hoạt động đối ngoại quân sự trong lĩnh vực rà phá bom mìn được Binh chủng thực hiện đúng quan điểm, nguyên tắc, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý bom mìn, đồng thời tăng cường mối quan hệ đoàn kết quốc tế. Trên các địa bàn đứng chân và hoạt động, các đơn vị Công binh còn tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực tham gia công tác chính sách xã hội thông qua các cuộc vận động, như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội... Những việc làm đó đã để lại tình cảm sâu sắc trong lòng nhân dân địa phương, làm sáng đẹp phẩm chất  ”Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐCB luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, xây đắp nên truyền thống “Mở đường thắng lợi”. Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong Binh chủng tiếp tục phấn đấu với tinh thần: đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của Binh chủng đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và gần đây nhất là Huân chương Sao vàng (8/10/2010).

File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.