Giới thiệu > Chi tiết giới thiệu

“Trung thành, mưu lược, tận tụy, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng”

(Bqp.vn) - Tại Hội nghị Quân sự Bắc kỳ (tháng 4/1945), vấn đề thành lập cơ quan Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) được đặt ra; tuy nhiên, do thời cơ cách mạng đến sớm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy cần tập trung lãnh đạo cách mạng nhanh chóng chớp thời cơ giành chính quyền, nên việc tổ chức cơ quan BTTM chưa kịp thực hiện. Sau khi giành được chính quyền, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vấn đề đặt ra lúc này là phải nhanh chóng tăng cường lực lượng vũ trang (LLVT) rộng khắp để đối phó với “thù trong, giặc ngoài” bảo vệ nền độc lập còn non trẻ và thành quả cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được. Việc phát triển LLVT rộng khắp đòi hỏi phải có người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến lược để giúp Đảng và Chính phủ nắm và thống nhất chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu của các LLVT trong cả nước, cũng như để giải quyết các vấn đề về quân sự.


Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị thành lập Bộ Tổng Tham mưu (Tranh sơn dầu của Nguyễn Đình Nho)

Ngày 07/9/1945, tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ số 10 Ngô Quyền, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ thị, giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan BTTM để gánh vác trọng trách đó cho đồng chí Hoàng Văn Thái. Khi giao nhiệm vụ Người chỉ rõ: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể, là cơ quan quan trọng của quân đội có nhiệm vụ: tổ chức huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng...”. Người đã đặt niềm tin vững chắc: “Thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc”.


Nhà số 16 phố Rikiê (nay là số nhà 18 phố Nguyễn Du, Hà Nội), trụ sở đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh Tư liệu).

Chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, “Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm chiến trận, đánh với những kẻ thù hùng mạnh nhất hành tinh. Đó không phải chỉ là cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai chế độ, hai loại sức mạnh, mà còn là cuộc đấu trí đặc biệt gay go, căng thẳng giữa hai Bộ thống soái tối cao, hai BTTM đối địch trong các tình huống chiến dịch và chiến thuật. Kết cục như thế nào, cả thế giới đều rõ. Nó được ghi trong lịch sử của dân tộc ta như một thành công kỳ diệu của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh mà đại diện tập trung là Bộ thống soái tối cao, trong đó BTTM là cơ quan giúp việc rất đắc lực, luôn luôn thực hiện trung thành sự chỉ đạo chiến lược chính xác, sắc bén, linh hoạt của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh”1.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù còn nhiều khó khăn cả về vật chất, trang thiết bị, cũng như lý luận và thực tiễn công tác tham mưu tác chiến; nhưng dưới sự tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; và với quyết tâm vừa làm, vừa học, cán bộ, chiến sỹ cơ quan BTTM đã từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu chiến lược, không ngừng “vững mạnh, tài cán” trong xây dựng lực lượng, cũng như trong tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy LLVT tiến hành chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích lên kết hợp chiến tranh du kích với tác chiến tập trung quy mô ngày càng lớn. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng, trên cơ sở phân tích, đánh giá sát đúng tình hình địch, ta, BTTM đã tham mưu, đề xuất, xây dựng các kế hoạch đánh địch trên cả hai mặt trận: chính diện và sau lưng địch; triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chiến tranh du kích, tổ chức lực lượng và xây dựng căn cứ cách mạng; đồng thời tiến hành chỉ đạo, chỉ huy các LLVT liên tiếp mở nhiều chiến dịch trên chiến trường, giành thắng lợi ngày càng to lớn. Mở đầu là “toàn quốc kháng chiến”; tiếp theo là các chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông (1947), Biên Giới (1950), Trung du, Đường 18, Hà - Ninh - Thanh (1951), Hoà Bình (1952), Thượng Lào (1953)... và chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


Trung tâm chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu tại Hà Nội nhận tin quân ta giải phóng Sài Gòn.

Ảnh từ phải qua trái, hàng thứ nhất: Trung tướng Trần Quý Hai, Trung tướng Trần Sâm, Trung tướng Vương Thừa Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Đoàn Thế Hùng (Ảnh: Tư liệu)

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BTTM đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành nhiều mặt, nhưng lại phải đương đầu với một đối tượng tác chiến mới là quân Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy, một quân đội nhà nghề có vũ khí, trang bị hiện đại, thủ đoạn tác chiến xảo quyệt. Trước đối tượng tác chiến mới, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, nhân viên càng tỏ rõ bản lĩnh chính trị, trình độ tham mưu chiến lược, tài tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và BQP, BTTM đã nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng LLVT ba thứ quân; tổ chức thành lập các quân chủng, binh chủng, các sư đoàn, quân đoàn; nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo; trực tiếp xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ đạo nhiều chiến dịch quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược; tổ chức hiệp đồng, phối hợp tác chiến giữa các chiến trường (cả trong nước và trên nước bạn), giữa tác chiến của bộ đội chủ lực và LLVT địa phương; tổ chức lực lượng đánh bại chiến tranh phá hoại bằng Không quân, Hải quân của Mỹ ở miền Bắc...; xây dựng kế hoạch tác chiến và trực tiếp điều hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giành thắng lợi, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, BTTM đã sớm xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm, thực hiện tạo lực, tạo thế và hình thành thế trận “căng địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt”; sử dụng mưu kế chiến lược đánh địch bằng các binh đoàn chủ lực trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao. BTTM đã chọn Tây Nguyên làm hướng chủ yếu, lấy Buôn Ma Thuột làm điểm quyết chiến hiểm yếu, tận dụng thời cơ, kịp thời kiến nghị chuyển từ tiến công chiến lược sang tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử 30.4 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của BTTM về công tác tham mưu tác chiến chiến lược, thể hiện rõ tài mưu lược, khả năng nắm chắc diễn biến tình hình, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch, nắm chắc thời cơ chiến lược, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và BQP lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến giành thắng lợi.

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, BTTM đã tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai điều chỉnh thế trận chiến lược; tổ chức, bố trí lực lượng theo phương án, kế hoạch phòng thủ đất nước; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống và làm tròn nhiệm vụ quốc tế; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác quốc phòng, quân sự, về xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giáo dục quốc phòng và Luật DQTV...; BTTM đã lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, tổ chức cho toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; giảm quân số thường trực, bố trí lại thế trận, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trên cả nước; tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước về tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên BTTM đã đóng góp công sức, trí tuệ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, góp phần xây dựng và ngày càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của BTTM: “Trung thành, mưu lược, tận tụy, sáng tạo, đoàn kết, hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng”. Truyền thống hết sức quý báu đó được thể hiện:

Trước hết là, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, hết lòng “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Điều đó được thể hiện ở việc quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng trong thực tiễn hoạt động thành kết quả xây dựng, trưởng thành của cơ quan và các đơn vị và thắng lợi trên chiến trường; thể hiện ở lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng, kiên định, yêu nước, gắn bó với công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, mưu lược, sáng tạo: được thể hiện ở việc luôn chủ động nắm chắc tình hình mọi mặt; đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng, trúng chiều hướng phát triển của tình hình, xử lý linh hoạt các tình huống; nhạy bén trong việc phát hiện, nắm bắt thời cơ, tranh thủ khi có thời cơ, tạo và thúc đẩy thời cơ phát triển, làm cơ sở tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy hạ quyết tâm chính xác, kịp thời. Sự mưu lược sáng tạo còn được thể hiện ở tài luyện quân và dùng quân; khả năng tổ chức lực lượng cơ động, phân tán và tập trung một cách linh hoạt để giành và giữ quyền chủ động trên chiến trường; thực hiện sáng tạo các nguyên tắc, phương thức tác chiến chiến lược, phương châm chiến dịch và tư tưởng chiến thuật, làm chuyển biến cục diện, thúc đẩy sự phát triển của tình hình, tạo ra bước ngoặt quyết định và kết thúc chiến tranh. Mưu lược, sáng tạo trong công tác tham mưu tác chiến chiến lược là kết quả của quá trình nghiên cứu và vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn, là việc quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, là kế thừa và phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo khoa học quân sự tiên tiến thế giới. Đây là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên chiến thắng trong chiến tranh, tạo thế vững chắc cho đất nước, cho quân đội trong xây dựng và sẵn sàng chiến đấu trong hoà bình, góp phần xây dựng cơ quan BTTM không ngừng “vững mạnh, tài cán” như Bác Hồ từng căn dặn.

Ba là, tận tụy, tận tâm tận lực với nhiệm vụ chức trách được giao, là đức tính, đồng thời cũng là tác phong công tác của người cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ở cơ quan tham mưu chiến lươc. Trong công việc, sự tận tụy thể hiện ở tinh thần say mê học tập, nghiên cứu, phát hiện, lắng nghe cơ sở, thận trọng và nghiêm túc khi phân tích, đánh giá tình hình. Mọi cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên ở BTTM luôn ý thức rõ được chức trách, nhiệm vụ trên mỗi cương vị công tác của mình như một mắt xích trong guồng máy liên hoàn. Việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trên mỗi cương vị đều có tác động đến hoạt động của các đơn vị trong toàn quân. Vì thế, nhiều cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên ở BTTM đã tận tụy với công việc, lăn lộn với phong trào, bám sát thực tiễn, hết lòng, hết sức “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, góp phần phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các LLVT…

Bốn là, đoàn kết, hiệp đồng, được thực hiện trên tinh thần chủ động, vì thắng lợi của nhiệm vụ chính trị và quân sự, vì sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội. Với chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược, BTTM thực sự là trung tâm phối hợp, hiệp đồng các cơ quan, đơn vị trong mọi hoạt động quân sự, quốc phòng; BTTM không chỉ có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan, ban ngành của Đảng, Nhà nước và các địa phương, mà còn có các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với quân đội các nước vì một khu vực hòa bình và phát triển thịnh vượng, đối phó hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Đối với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường và các đơn vị trong toàn quân, BTTM vừa là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, vừa là trung tâm hiệp đồng trong các kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng, bảo đảm trang bị, hậu cần, kế hoạch huấn luyện, diễn tập chiến đấu. BTTM còn là cơ quan hiệp đồng với các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân các địa phương trong các hoạt động của quân đội và các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội; hiệp đồng trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng và phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng…

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở Đảng bộ BTTM - Cơ quan BQP, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng ủy BTTM - Cơ quan BQP xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện là nâng cao năng lực và chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược về nhiệm vụ quốc phòng - quân sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thường xuyên thực hiện tốt chức năng tham mưu về củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược; chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ rộng khắp, vững mạnh; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội; điều chỉnh tổ chức quân đội theo hướng tinh gọn, cơ động và linh hoạt; đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và xây dựng chính quy.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, trước hết phải xây dựng cơ quan BTTM vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành; nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hai là, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về quân sự - quốc phòng đòi hỏi cán bộ ở cơ quan, nhất là cán bộ nghiên cứu, cán bộ chỉ trì phải am hiểu thực tiễn, có kiến thức toàn diện, tư duy chiến lược sâu sắc, khả năng phát hiện vấn đề nhanh nhạy, dự báo chính xác tình hình, nắm vững khoa học, nghệ thuật quân sự… Ba là, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bốn là, kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan tham mưu chiến lược theo hướng gọn, mạnh, đồng bộ, chính quy, từng bước hiện đại; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính quân sự; rà soát, tinh giản hệ thống văn bản thủ tục hành chính, không để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BTTM thường xuyên duy trì và đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng; đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; coi trọng và làm tốt công tác chính sách, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, bảo đảm mọi thành viên trong cơ quan thực sự tự hào và thấy rõ vinh dự, trách nhiệm của mình trong việc giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của BTTM Anh hùng, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược “vững mạnh, tài cán”, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.