Web Content Viewer
ActionsQuá trình hình thành và phát triển
(Bqp.vn) - Thực hiện Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng ra Nghị định 100/TTg thành lập lực Lượng Công an nhân dân vũ trang với nhiệm vụ trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta và những phần tử phá hoại khác, luôn luôn sẵn sàng cùng quân đội nhân dân, dân quân du kích và nhân dân chiến đấu để bảo vệ an ninh nội địa, biên giới, giới tuyến, bờ biển, bảo vệ an ninh của các thành phố, thị xã, các cơ quan, các cơ sở kinh tế và văn hóa quan trọng. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Trưởng Bộ công an. Khi có chiến tranh, về mặt tác chiến và phòng thủ, Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã lập nhiều chiến công truy bắt biệt kích, gián điệp của Mỹ - ngụy đột nhập vào miền Bắc. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bám địa bàn, bám dân, cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân khác, cùng quần chúng nhân dân đã đập tan nhiều cuộc đột nhập của biệt kích, gián điệp từ trên bộ, trên không và từ biển.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975), Lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã lớn mạnh toàn diện, được thống nhất, thực hiện chỉ đạo, chỉ huy trong toàn quốc, thống nhất về nhiệm vụ, tổ chức các cấp, tư tưởng và các mặt công tác đảm bảo. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang tăng cường sức mạnh chiến đấu, đồng thời phát huy sở trường của các lực lượng nhằm góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 22/NQ-TW, chuyển giao nhiệm vụ và Lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Nghị quyết ghi rõ “chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và chuyển thành Bộ đội biên phòng toàn bộ lực lượng và tổ chức Công an nhân dân vũ trang hiện nay thuộc Bộ Nội vụ bao gồm các đơn vị chiến đấu ở biên giới, bờ biển, hải đảo và trên chiến trường Campuchia, các cơ quan, nhà trường, các cơ sở vật chất kỹ thuật của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang”.
Thực hiện Nghị quyết số 67/NQ-TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”, ngày 31/5/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 41/CT-TW “về việc chuyển giao Lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ”. Ngày 3/8/1988, Liên Bộ Bộ Quốc phòng - Nội vụ tổ chức lễ bàn giao lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Từ ngày 16/8/1999, Lực lượng Bộ đội Biên phòng đặt dưới sự chỉ huy, chỉ đạo toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Theo yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới trên đất liền, trên biển và ở các cửa khẩu, để phù hợp với chức năng, biên chế, tổ chức, ngày 16/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 754/TTg chuyển Lực lượng biên phòng về trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến nay.
BĐBP là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, có vị trí như một quân chủng thực hiện chức năng quản lý bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và các cửa khẩu theo quy định của pháp luật và là lực lượng trong các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. BĐBP có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các ngành, lực lượng hữu quan trên địa bàn và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ đường biên quốc gia, mốc giới; duy trì thực hiện các hiệp định, quy chế biên giới và pháp luật về biên giới; phát hiện và đấu tranh với các hoạt động vi phạm và chống phá của các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại biên phòng, quan hệ với các cơ quan hữu quan các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề về quan hệ biên giới nhằm xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, góp phần tạo môi trường ổn định, phát triển và phục vụ đắc lực cho chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế.
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được tổ chức, chỉ huy thống nhất từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị cơ sở gồm có Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh (thành phố), Hải đoàn Biên phòng và các đồn biên phòng, hải đội biên phòng. Bộ Tư lệnh BĐBP có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính uỷ và Phó Chính uỷ, các cơ quan đảm nhiệm các mặt công tác quân sự, công tác đảng, công tác chính trị, kỹ thuật, hậu cần, Cục Phòng chống ma tuý và các đơn vị trực thuộc. BĐBP được xây dựng ngày càng vững mạnh, giỏi về nghiệp vụ biên phòng, dân vận, nắm vững pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật và các thông lệ quốc tế, được trang bị các phương tiện nghiệp vụ biên phòng cùng vũ khí chiến đấu ngày càng hiện đại để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, BĐBP đã lập nhiều chiến công vang dội, phá tan các âm mưu phá hoại an ninh quốc gia của các lực lượng phản cách mạng nước ngoài xâm nhập lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Trên mặt trận đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, buôn bán người trái phép… BĐBP đã bám sát địa bàn, biết dựa vào nhân dân, phối hợp với các lực lượng khác đã góp phần hiện quả vào việc ngăn chặn, phá tan nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Trên mặt trận củng cố đoàn kết quân dân, BĐBP đã hoạt động tích cực thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân ở địa bàn đóng quân, làm tốt công tác dân vận, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân ở vùng biên giới hải đảo xa xôi và xứng đáng với danh hiệu “thầy giáo quân hàm xanh”, “thầy thuốc quân hàm xanh”, góp phần bảo vệ và củng cố an ninh quốc phòng ở các vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
Với những thành tích, cống hiến của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, BĐBP đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng; 2 Huân chương Hồ Chí Minh, cùng nhiều phần thưởng cao quí khác.
Từ chiến lược “Biên giới lòng dân” đến ngày Biên phòng toàn dân
Lãnh thổ quốc gia Việt Nam đã được hình thành từ mấy nghìn năm qua trong lịch sử và cùng với lãnh thổ quốc gia, biên giới quốc gia cũng dần dần hình thành. Có lãnh thổ quốc gia, có biên giới quốc gia tất yếu phải có nhiệm vụ biên phòng. Đây là công tác quan trọng để quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của quốc gia có chủ quyền. Vì vậy, xưa nay trên thế giới các quốc gia đều đặt công tác biên phòng ở vị trí quan trọng trong chiến lược quốc gia.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, sự trị loạn ở biên giới ảnh hưởng rất lớn đến an nguy của quốc gia, vì vậy ông cha ta luôn nhận thức tầm quan trọng chiến lược của vấn đề biên giới. Triều đình luôn coi việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước hết phải là trách nhiệm của nhà nước, của triều đình trung ương để từ đó có những “phương lược tốt”, “kế cửu an” cho xã tắc. Chính sách bảo vệ biên cương của ông cha ta trong lịch sử là một chính sách nhất quán, khá toàn diện, là sự huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó vai trò của nhà nước, của thể chế rất quan trọng, là nhân tố thiết yếu cố kết dân tộc, đoàn kết toàn dân giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
Thấm nhuần tư tưởng minh triết Đông phương: “dân vi quý” (Luận ngữ - Khổng tử), các vua sáng, tôi hiền phong kiến Việt Nam hiểu rõ sức mạnh của dân, sức dân như nước, dân là gốc của nước - “dân duy bang bản” (Kinh Thư), nên ông cha ta luôn coi trọng vai trò chiến lược của đồng bào biên giới, lực lượng tại chỗ “đứng mũi chịu sào” nơi tuyến đầu để bảo vệ bờ cõi. Đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng chiến lược “biên giới lòng dân” trong lịch sử. Thực tiễn lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm qua đã chứng minh cho sự đúng đắn của quan điểm coi trọng vai trò chiến lược cư dân biên giới của ông cha ta.
Với điều kiện nước nghèo, không thể đủ “thú binh” rải khắp mấy nghìn dặm đất “đồn trú” để ngày đêm canh giữ biên thuỳ; với địa hình biên giới hiểm trở, biển đảo ngăn cách không thể cơ động binh mã, lương thảo kịp thời để bảo vệ bờ cõi khi có biên sự, ông cha ta đã thực hiện biện pháp sử dụng lực lượng tại chỗ, lương thảo tại chỗ, vũ khí tại chỗ, hình thành thế trận tại chỗ lợi hại để đánh trả xâm lược và bảo vệ biên giới. Nhà nước coi mỗi người dân biên giới là một người lính biên thuỳ, nên đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.
Ngoài chú trọng xây dựng lực lượng quân sự từ trung ương đến các làng bản biên giới, ông cha ta còn coi trọng phát triển kinh tế kết hợp với tăng cường sức mạnh quốc phòng ở biên giới, đưa một lực lượng lớn dân ra biên giới để “khai cương thác địa”. Đây thực sự là lực lượng “tịch thổ tráng biên” - mở rộng đất đai làm mạnh biên giới, là biện pháp “tĩnh vi nông, động vi binh” tích cực của triều đình, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường khả năng bảo vệ biên cương.
Nhà nước rất quan tâm đến việc an dân, cố kết các dòng họ, vỗ về người xa, “phủ dụ nâng niu vùng biên thuỳ” để nhân dân gắn bó, bám trụ bảo vệ biên cương. Nhà nước có chính sách tranh thủ các thổ tù, châu mục, tầng lớp trên; ban chức tước, cấp ruộng đất; dùng biện pháp hôn nhân; có “chính sách nhu viễn” - mềm dẻo phương xa, đồng thời có cả biện pháp “cương” đối với các “khổn quan” (quan coi giữ biên giới) nếu làm yếu thế nước, tạo cơ hội để nước ngoài lợi dụng xâm chiếm bờ cõi…
Ông cha ta cũng đã huy động những giá trị truyền thống và nền văn hoá các dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ. Việt Nam là một dân tộc văn hiến, có bản sắc riêng, do đó đấu tranh để bảo vệ bờ cõi vừa là mục tiêu vừa là động lực của bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.
Nhà nước luôn tôn trọng phong tục các tộc người biên giới; có chính sách nâng đỡ, “giáo hoá” các tộc người thiểu số để họ bỏ “thói man di”, tiếp thu văn minh của tộc người chủ thể trong sinh hoạt, y phục, ngôn ngữ. Đây chính là chính sách thống nhất văn hoá (thư đồng văn, xa đồng quỹ, hạnh đồng luân) của Nhà nước để tăng cường cố kết, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân trong bảo vệ bờ cõi.
Nhà nước chọn cử những tướng tài, thông thạo việc biên phòng, am hiểu phong tục các tộc người “trấn nhậm” các địa bàn “cổ họng” biên giới không chỉ để phủ dụ, vỗ về dân, sửa đổi phong tục xấu cho dân, biết “cái gốc để trị dân, thuật để yên dân” mà còn làm cho người dân biên giới hiểu rằng họ đều là cư dân của một quốc gia Việt Nam thống nhất, họ có sứ mệnh bảo vệ bờ cõi chung của đất nước. Ý thức dân tộc này đã hình thành từ lâu và đối với người Việt Nam đã trở thành căn tính tộc người, đó là cơ sở quan trọng để cố kết nhân dân biên giới đoàn kết, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ bờ cõi.
Ở các vùng biên cương xa xôi, nhà nước phong thần và ban hành nghi thức thờ cúng thần kỳ cho các đình, chùa, đền, miếu. Đây không chỉ là địa điểm văn hoá tâm linh của người Việt mà nó còn khẳng định, chủ quyền của Việt Nam. Bia Thuỷ môn đình thời Lê thế kỷ XVII ở Lạng Sơn, các thẻ bài ở quần đảo Trường Sa ngoài biển Đông xa xôi từ thế kỷ XIX là những bằng chứng văn hoá - lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam ở những vùng đất biên cương, hải đảo của đất nước…
Trong lịch sử bảo vệ bờ cõi mấy ngàn năm qua, ông cha ta đã để lại nhiều kinh nghiệm phong phú, thực sự trở thành một bộ phận của di sản truyền thống, một nét đặc sắc của văn hoá dân tộc - văn hoá giữ nước Việt Nam. Những cố gắng không mệt mỏi, nỗ lực phi thường của ông cha trong bảo vệ biên cương đất nước đã để lại nhiều thành công và những bài học lịch sử rất đáng được trân trọng, bổ ích và cần thiết khi vận dụng bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Đảng đã lãnh đạo toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại sự xâm lược của thực dân Pháp sau gần một thế kỷ đô hộ nước ta, giành lại trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Những năm sau, khi hoà bình được lập lại trên toàn miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thấy rõ công tác bảo vệ độc lập chủ quyền, lãnh thổ quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt và đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tập trung lãnh đạo. Từ năm 1954 - 1958, các đơn vị bộ đội, công an được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo, giới tuyến quân sự tạm thời và bảo vệ một số mục tiêu ở nội địa đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện âm mưu địch, kiên cường, dũng cảm chiến đấu, góp phần giữ vững chủ quyền, bảo vệ trị an biên giới, nội địa, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng miền Bắc, cổ vũ nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ. Tuy nhiên, công tác bảo vệ biên giới và nội địa thời kỳ này do hai ngành công an và quân đội quản lý, chỉ đạo, nên sự phối hợp, chỉ huy chưa thống nhất, bố trí lực lượng chưa hợp lý, do đó công tác bảo vệ biên giới còn nhiều hạn chế…
Yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội địa, biên giới miền Bắc và giới tuyến quân sự tạm thời, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức, nắm vững đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hiểu biết pháp luật, có năng lực quản lý bảo vệ biên giới, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn và khả năng chiến đấu vũ trang khi cần thiết. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 58/NQ-TW và ngày 03/03/1959, Chính phủ ra Nghị định 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang ra đời dựa trên cơ sở “thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an” (1). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của một lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng và Bác Hồ sáng lập, là bước phát triển mới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam có một lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tập trung thống nhất, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa và giới tuyến của Tổ quốc. Ngày 03/03/1959 được lấy là Ngày Truyền thống của Bộ đội Biên phòng (BĐBP).
Để phát huy sức mạnh chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và tăng cường thống nhất lãnh đạo các lực lượng vũ trang, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết 22-NQ/TW chuyển lực lượng Công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng thành BĐBP, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình cách mạng càng phát triển thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia càng nặng nề, có ý nghĩa chiến lược giữ vững sự ổn định đất nước. Nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh các tuyến biên giới, vùng biển càng được đẩy mạnh hơn. Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết 07-NQ/TW về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình mới”, trong đó quyết định “Chuyển giao BĐBP từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ. Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới và an ninh khu vực biên giới đang đặt ra những vấn đề mới rất to lớn, nặng nề, toàn diện và phức tạp. Ngày 08/8/1995 Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết 11-NQ/TW về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, trong đó đã quyết định chuyển lực lượng BĐBP từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sang Bộ Quốc phòng.
Để phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng rãi trong cả nước, ngày 22/2/1989 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 16/HĐBT về việc quyết định lấy ngày 3.3 hàng năm - Ngày Truyền thống của BĐBP là Ngày Biên phòng toàn dân. Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm làm cho cả nước hướng về biên giới, đồng thời động viên cổ vũ sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền và an ninh Tổ quốc. Nó khẳng định vị trí, tầm quan trọng của công tác biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một bước phát triển mới đối với sự nghiệp bảo vệ biên giới ở nước ta về nhận thức tư tưởng, tính chất, quy mô cũng như cả về biện pháp quản lý chỉ đạo. Từ những hoạt động giới hạn trong phạm vi chức năng của lực lượng BĐBP, nay vấn đề đã mở rộng có tính toàn xã hội; từ những mối quan hệ liên kết, hiệp đồng có tính chất phối hợp, nay công tác biên phòng đã được xác định là trách nhiệm của mọi cấp của hệ thống chính quyền nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ các ngành, các bộ chủ quản xuống tận cơ sở.
Việc tổ chức Ngày Biên phòng toàn dân hàng năm cần thiết thực, có hiệu quả bằng những hoạt động phong phú như một tập quán văn hoá tốt, không phô trương, lãng phí. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng BĐBP được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm thông qua những chương trình hành động và việc làm cụ thể. Do vậy, Ngày Biên phòng toàn dân không dùng để chỉ phạm trù thời gian mà để chỉ một chương trình hành động cách mạng, một phong trào cả nước hướng về biên giới. Tổ chức hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân được tiến hành thường xuyên liên tục trong năm để tổ chức vận động, duy trì phong trào bằng những nội dung chỉ tiêu, biện pháp hoạt động cụ thể; tổ chức các tháng, tuần cao điểm vào dịp kỷ niệm 3.3 hàng năm nhằm giáo dục, động viên, cổ vũ nhân dân tăng cường đoàn kết, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân phải gắn liền với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Bộ chủ quản về một số chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; gắn chặt với việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tạo chuyển biến thực sự đồng bộ về củng cố, phát triển vùng biên giới, biển - đảo và xây dựng BĐBP vững mạnh. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP và Ngày Biên phòng toàn dân cần tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để Ngày Biên phòng toàn dân trở thành phong trào sâu rộng của toàn dân vì biên giới, biên phòng, trở thành ngày hội truyền thống và tập quán sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của quân, dân biên giới, biển đảo; tạo ra được nhiều mô hình tiên tiến, cơ sở vật chất và tinh thần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.
Ngày Biên phòng toàn dân hàng năm được tiến hành hoạt động trong cả nước ở các cấp chính quyền, trong các ban, ngành, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị xí nghiệp. Nhưng thường xuyên và trực tiếp là trên các tuyến biên giới có sự tham gia đông đảo của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, cán bộ, công nhân viên, các đoàn thể, cơ quan xí nghiệp, cán bộ, chiến sĩ biên phòng và các lực lượng vũ trang hoạt động trên biên giới, dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, các ngành, các cấp đã có những chương trình hành động cụ thể, với những giải pháp thiết thực hướng về đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, động viên giúp đỡ BĐBP, góp phần xây dựng và củng cố vùng biên giới vững mạnh. Sự phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng và đồng bào biên giới ngày càng chặt chẽ hơn, tạo nên nhiều phong trào hoạt động trong địa bàn biên giới; một số chương trình phối hợp đã được ký kết giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về vận động phong trào “Phụ nữ vì biên giới”, với Bộ Giáo dục - Đào tạo về công tác “Xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học”, với các địa phương về phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới”, tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu, các hội nghị già làng, trưởng bản, người Công giáo điển hình, thanh niên xung kích làm chủ đường biên... Đặc biệt, phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc biên giới” được hình thành từ hoạt động thực tiễn, lần đầu xuất hiện ở tỉnh Cao Bằng (năm 1997) sau phát triển sang nhiều tỉnh; đó là hình thức giáo dục, tổ chức thích hợp để đưa nhân dân các dân tộc trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có hiệu quả nhất, làm cho mỗi người dân thực sự trở thành chủ nhân ở khu vực biên giới, góp phần củng cố đoàn kết dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị và thúc đẩy các phong trào khác ở địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền biên phòng toàn dân lên một bước mới.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và và trưởng thành, mặc dù tổ chức nhiều lần thay đổi, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sỹ BĐBP đã không ngừng kế thừa và phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, vẫn luôn đoàn kết một lòng, quán triệt và thực hiện tốt mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của lực lượng, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, tích cực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần to lớn cùng quân dân cả nước giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc và ra sức xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, trưởng thành. Toàn lực lượng BĐBP đã vinh dự được Đảng, Quốc hội, Nhà nước 2 lần tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng 1 huân chương Sao Vàng và 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Toàn lực lượng đã có 143 lượt tập thể và 63 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
(1) Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng- Những văn bản của Đảng và Nhà nước về lực lượng Biên phòng, Hà Nội, 1989, tr.12-13.