Giới thiệu > Chi tiết giới thiệu

Quá trình hình thành và phát triển

(Bqp.vn) - Ngay sau khi được thành lập, các chi bộ, đảng bộ thuộc Xứ ủy Trung Kỳ đã thâm nhập sâu rộng trong quần chúng công nông, tuyên truyền giác ngộ phát động đấu tranh, đặc biệt hưởng ứng phong trào ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), bất chấp sự đàn áp của địch, các tỉnh Nam Trung Bộ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, bãi thị liên tục và kéo dài nhiều ngày.

Những năm 1936 - 1939, các tổ chức đảng phát triển rộng khắp, tập trung lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đòi dân chủ, nhân quyền và ủng hộ Mặt trận bình dân, đòi ân xá tù chính trị. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, quân Nhật tràn vào Việt Nam, Đảng ta đã chỉ rõ kẻ thù của nhân dân Việt Nam là phát xít Nhật và thực dân Pháp. Tháng 01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Người trực tiếp triệu tập Hội nghị Trung ương 8 và đề ra 3 chủ trương là mở rộng Mặt trận đoàn kết toàn dân, xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1941, thực dân Pháp lấy cớ chiến tranh, ra lệnh tập trung tù chính trị để quản thúc, Đảng ta có chủ trương “biến nhà tù của đế quốc thành trường học của đảng viên”, các nhà lao, các khu an trí ở Kon Tum, Ban Mê Thuột, Ba Tơ… đều mở lớp học văn hóa, chính trị, quân sự. Năm 1942, nhiều chi bộ nhà tù tổ chức cho đảng viên vượt ngục trở về hoạt động. Khi Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), trong thời gian Nhật - Pháp bắn nhau, ta đã đấu tranh khôn khéo nên hầu hết tù chính trị được thả về, nhờ vậy các tổ chức đảng có thêm lực lượng, các tổ chức quần chúng hoạt động sôi nổi.

Ngày 11/3/1945, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Căng an trí Ba Tơ lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở Nam Trung Bộ giành thắng lợi trọn vẹn. Ngày 12/3/1945, Đội du kích Ba Tơ ra đời do đồng chí Phạm Kiệt và Nguyễn Đôn chỉ huy lãnh đạo. Tháng 4/1945, đồng chí Nguyễn Chánh được Tỉnh ủy Quảng Ngãi tăng cường cho đội làm Chính trị viên. Đến tháng 8/1945, đã phát triển thành 2 đại đội: đại đội Phan Đình Phùng ở chiến khu phía Bắc và đại đội Hoàng Hoa Thám ở chiến khu phía Nam, gồm 8 phân đội, quân số hơn 1.000 người, với 200 khẩu súng, cùng hàng ngàn đội viên tiểu tổ du kích và trên 1 vạn đội viên tự vệ ở các địa phương.

Sau Đội du kích Ba Tơ ra đời, ngày 04/5/1945, Đội du kích Vũ Hùng, ở Quảng Nam cũng được thành lập và nhiều tỉnh đã có các đội tự vệ như: tự vệ công nhân xí nghiệp dệt Đờlinhông, tự vệ hỏa xa Diêu Trì (Bình Định), tự vệ nhà máy Đồng Bò, tự vệ thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), tự vệ công nhân Hòn Khói (Khánh Hòa), đội du kích Dư Khánh, đội tự vệ chiến đấu Vĩnh Hy, đội danh dự Tháp Chàm và Vạn Phước (Ninh Thuận), đội tự vệ chiến đấu của công nhân đồn điền Cada (Đắc Lắc)… các đội tự vệ đều có trang bị một số vũ khí, được huấn luyện quân sự và có tổ chức chỉ huy chặt chẽ. Đây chính là những tổ chức vũ trang tiền thân của Lực lượng vũ trang Quân khu 5 sau này. Do đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên khi có lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong vòng 15 ngày (từ 14 - 28/8/1945), nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.

Yêu cầu đòi hỏi của chiến tranh chống xâm lược ngày càng lớn, do đó phải phát triển lực lượng vũ trang qui mô lớn. Đi đôi với tổ chức xây dựng các đội tự vệ chiến đấu là việc khẩn trương xây dựng giải phóng quân. Từ tháng 9 - 12/1945, các tỉnh đều thành lập các Chi đội giải phóng quân: chi đội Phan Thanh (Đà Nẵng), chi đội Trần Cao Vân (Quảng Nam), chi đội Lê Trung Đình (Quảng Ngãi), chi đội Phan Đình Phùng sau đổi tên thành chi đội Tây Sơn (Bình Định), Chi đội 3 (Khánh Hòa), chi đội 2 (Ninh Thuận), chi đội 1 (Bình Thuận), chi đội Hoàng Hoa Thám (Kon Tum), chi đội Nơ Trang Lơng (Đắc Lắc), Lâm Viên và Đồng Nai thượng thành lập một số phân đội.

Cuối tháng 9/1945, sau khi quân Pháp gây hấn ở Nam Trung Bộ và đánh vào Nha Trang, để đối phó với âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh trên địa bàn Nam Trung Bộ của thực dân Pháp, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ quyết định thành lập Ủy ban Quân chính nam phần Trung bộ để chỉ huy chiến đấu trên mặt trận phía nam từ Phú Yên đến Bình Thuận và các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai thượng. Điều động 2 chi đội quân giải phóng, nòng cốt là chiến sĩ du kích Ba Tơ vào cực Nam Trung Bộ; đồng thời tiếp nhận 10 chi đội quân Nam Tiến từ Bắc bộ và Trung bộ vào chi viện cho mặt trận phía Nam.

Để tổ chức lại chiến trường phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định thành lập Chiến khu 5 và Chiến khu 6. Chiến khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum do đồng chí Cao Văn Khánh làm Khu trưởng và đồng chí Nguyễn Chánh làm Chính ủy, Chiến khu 6 gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên và Đồng Nai thượng do đồng chí Trần Công Khanh, sau đó là đồng chí Nguyễn Tế Lâm làm Khu trưởng và đồng chí Trịnh Huy Khang làm Chính ủy.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy và Ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ, Lực lượng vũ trang của Chiến khu 5 và Chiến khu 6 không ngừng trưởng thành lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng thực dân Pháp không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, chúng đem quân trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa.

1. Ngày 23/9/1945, Pháp gây hấn ở Nam bộ.

Ngày 22/10/1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, quân Nhật, thực dân Pháp đánh chiếm Nha Trang, tiếp đó từ Nam bộ đánh ra Bình Thuận và đánh lên Đắc Lắc để thực hiện âm mưu nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ vĩ tuyến 16 trở vào trong vài tháng. Trước tình hình đó, Xứ ủy đã xác định rõ nhiệm vụ chính trị hàng đầu của quân dân Nam Trung Bộ là kiên quyết chặn đánh các cuộc tiến công lớn của địch, giữ vững vùng tự do, góp phần cùng cả nước đánh bại âm mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của thực dân Pháp và chủ trương: Tích cực chuẩn bị mọi mặt, kiên quyết đánh địch, tiêu hao ngăn chặn địch từng bước; Giữ vững giao thông để chi viện cho chiến trường Nam Bộ; Chú trọng bảo tồn lực lượng, nhất là giữ cho được một số vùng tự do để làm căn cứ kháng chiến lâu dài.

Thực hiện chủ trương trên, quân và dân Nam Trung bộ đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí, sáng tạo trên khắp các mặt trận, vây hãm quân địch ở Nha Trang; đánh chặn các mũi tiến công của địch trên đường 14, đường 21; đánh quân Nhật ở Phan Thiết, Phan Rang. Khi toàn quốc kháng chiến, các Lực lượng vũ trang Chiến khu 5, Chiến Khu 6 đã anh dũng, chủ động đánh địch khắp nơi, bao vây quân Pháp ở Đà Nẵng, chặn đánh các cánh quân địch tấn công ra các hướng ở Quảng Nam, nổi bật là trận phục kích trên đèo Hải Vân ngày 22/5/1947 đã tiêu diệt hoàn toàn đoàn xe cùng hơn 100 lính Âu Phi tinh nhuệ do tên đại tá Roogie chỉ huy, gây hoang mang trong hàng ngũ binh lính địch ở Đà Nẵng và tạo tiếng vang khắp chiến trường. Trận đánh ở Phú Lâm, Phú Yên ngày 19/01/1947, ta giết và làm bị thương gần 400 tên địch, buộc quân Pháp phải lui về nam sông Bàn Thạch.

Tuy lực lượng vũ trang của ta còn rất non trẻ, chưa được huấn luyện chu đáo, trang bị vũ khí hết sức thô sơ, nhưng với lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã đương đầu với đội quân nhà nghề thiện chiến của Pháp, có máy bay, đại bác và các phương tiện chiến tranh hiện đại yểm trợ. Cùng với quân và dân cả nước, quân và dân Nam Trung Bộ đã đứng vững và vượt qua những thử thách gay gắt của thời kỳ đầu chiến tranh, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh của thực dân Pháp, giữ vững một vùng tự do rộng lớn Nam - Ngãi - Bình - Phú, bảo toàn và phát triển lực lượng. Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh cực kỳ oanh liệt, có đơn vị đánh địch đến viên đạn cuối cùng như: trung đội tự vệ Võ Ký đánh địch ở ga Nha Trang (10/1945), trung đội Nguyễn Trung Thành đánh địch ở đèo Phượng Hoàng (01/1946), 64 cảm tử quân đánh đồn Tú Thủy (14/3/1947) và tiêu biểu nhất là tiếng bom của quyết tử quân Ngô Mây trận Rộc Dừa (12/1947) đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các LLVT Nam Trung Bộ. Trước những tình hình diễn biến trên chiến trường, để phù hợp với nhiệm vụ quân sự, tháng 9/1947, Trung ương lại có quyết định tách các tỉnh Tây Nguyên thành lập Khu 15.

2. Chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh” bị thất bại, buộc địch phải kéo dài chiến tranh, đặc biệt sau thất bại ở Việt Bắc Thu Đông (1947), thực dân Pháp quay về “bình định” miền Nam.

Ở Nam Trung Bộ, Pháp dùng nhiều biện pháp để củng cố vùng chiếm đóng (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và bắc Quảng Nam), đưa lực lượng đóng đồn bốt dọc các trục đường giao thông và xung quanh các thành phố: Đà Nẵng, Nha Trang, các thị xã, thị trấn, các địa bàn có vị trí quân sự quan trọng. Tổ chức lực lượng ứng chiến nhỏ, vừa càn quét đánh phá, vừa ứng cứu cho các đồn bốt khi bị ta đánh. Ra sức đánh phá vùng tự do của ta (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) bao vây, bóp nghẹt kinh tế, làm suy yếu hậu phương chiến lược trực tiếp chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ.

Ngày 25/01/1948, Chính phủ có Sắc lệnh 120/SL về việc thành lập các Liên khu trong cả nước. Theo đó, ngày 20/10/1948, các Khu 5, Khu 6, Khu 15 sát nhập thành Liên khu 5. Bộ chỉ huy Liên khu gồm: đồng chí Nguyễn Thế Lâm giữ quyền Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Chánh - Chính trị ủy viên, đến cuối năm 1948 bổ sung đồng chí Đàm Quang Trung làm Phó Tư lệnh. Địa bàn Khu 5 từ đèo Hải Vân đến Hàm Tân, Bình Thuận. Nhiệm vụ của quân và dân Khu 5 lúc này là:

- Đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng địch tạm chiếm, đánh bại kế hoạch “bình định” của địch, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta.

- Xây dựng và củng cố vùng tự do thành căn cứ vững chắc, thành hậu phương chiến lược trực tiếp của chiến trường Khu 5, Nam Lào và Đông bắc Cămpuchia.

- Phối hợp với cách mạng 2 nước Lào và Cămpuchia phát động chiến tranh du kích, xây dựng thế trận đánh địch ở khu vực biên giới 3 nước Đông Dương.

Về quân sự, ta đề ra chủ trương: Chấn chỉnh tổ chức lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cho phù hợp, tích cực luyện tập nâng cao sức chiến đấu, phát triển rộng khắp phong trào dân quân du kích; Đẩy mạnh phòng thủ bảo vệ vùng tự do; Mở rộng các xưởng quân giới, sản xuất nhiều vũ khí đạn dược cho cả lực lượng chủ lực và dân quân du kích.

Thực hiện chủ trương trên, phong trào “luyện quân lập công” đã diễn ra rộng khắp ở các cấp. Sau “luyện quân lập công”, trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội có sự tiến bộ rõ rệt. Từ phục kích tại chỗ tiến lên phục kích vận động như: Tiểu đoàn 79, Tiểu đoàn 19 đánh trên đèo Hải Vân diệt từng đại đội địch (25/5/1948 và 02/01/1949); Tiểu đoàn 365 bất ngờ thọc sâu xuống bắc thị trấn Vạn Giã (Khánh Hòa) phục kích khu vực cầu Ninh Mã, diệt đoàn xe địch có 01 đại đội Âu phi hộ tống (07/7/1949). Ở Quảng Nam, Trung đoàn 108 được tăng cường Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79, đã phục kích cả đường ô tô và đường xe lửa, tiêu diệt, làm bị thương trên 300 tên địch trên đèo Hải Vân (24/01/949); sau đó vận động phục kích tiêu diệt hoàn toàn 1 đại đội và 14 xe cơ giới tại Gò Cà (31/3/1949). Ở cực Nam Trung Bộ, Liên Trung đoàn 81, 82 phục kích trên đường 11, đường Suối Kiết, Tánh Linh diệt gần 100 tên địch.

Ngoài ra, ta đã sử dụng các hình thức chiến thuật cường tập, kỳ tập đánh tiêu diệt các cứ điểm, đồn bốt cỡ đại đội, trung đội địch đóng giữ, làm thất bại kế hoạch đóng đồn và tháp canh dày đặc với chiến thuật “cứ điểm nhỏ, ứng chiến nhanh” của địch. Tháng 5/1949, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu đã ra quyết định thành lập Trung đoàn 210, là trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu do đồng chí Đàm Quang Trung làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đôn làm chính ủy và đồng chí Phan Hàm làm Trung đoàn phó. Đến tháng 6/1950, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu tiếp tục ra quyết định thành lập trung đoàn 803 do đồng chí Lư Giang làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Sắc Kim làm Chính ủy và đồng chí Võ Quang Hồ làm Trung đoàn phó.

Ở vùng địch hậu, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, ta đã xây dựng được nhiều cơ sở làng xã chiến đấu, điển hình như ở Ba Lá, Cheo Reo (Đắc Lắc), Gia Hội, Đắc Bót (Gia Lai), mà tiêu biểu nhất là làng chiến đấu Xi tơ của anh hùng Núp ở An Khê. Phát huy sức mạnh của LLVT ba thứ quân, ta đã mở nhiều đợt hoạt động mạnh ở vùng địch hậu kết hợp đánh tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch với phong trào đấu tranh của quần chúng, làng chiến đấu được xây dựng và trở thành pháo đài chiến đấu trong lòng địch. Trước sức mạnh đó, giữa năm 1949, toàn bộ quân địch ở thị trấn Lagi tháo chạy, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) không còn giặc chiếm đóng. Tháng 9/1949, một loạt cứ điểm nam sông Vu Gia, quân Pháp cũng rút bỏ nên 16 xã vùng nam huyện Đại Lộc và Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng hoàn toàn giải phóng.

Ở vùng tự do, ta đã liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân càn quét có qui mô tiểu đoàn của địch. Ở Quảng Nam đánh tiêu diệt 200 tên địch tại Hương An (03/6/1948), ở Phú Yên đánh bại cuộc đổ bộ của Pháp lên Xuân Đài (30/6/1948), ở Bình Định đánh bại cuộc hành quân lớn có phối hợp giữa lục quân, không quân vào khu tam giác Đề Gi - Chợ Đồn - Phù Mỹ (30/7/1948). Năm 1949, ta lại tiếp tục đánh thắng giòn giã 2 cuộc hành quân lớn của địch vào vùng Tam Quan, chợ Cát (Bình Định), Sông Ba, Trường Lạc (Phú Yên) bảo vệ vững chắc vùng tự do.

Đồng thời với các nhiệm vụ trên, ta đã cử quân tình nguyện sang Nam Lào và đông bắc Cămpuchia phối hợp với lực lượng bạn vừa tác chiến, vừa xây dựng cơ sở, đã uy hiếp mạnh quân địch, buộc Pháp phải rút bỏ nhiều đồn bót dọc sông Mê Kông. Đến năm 1950, ta đã đứng vững trên các địa bàn trọng yếu, làm cho phong trào kháng chiến ở địa bàn chiến lược quan trọng này lớn mạnh.

3. Mặc dù, bị thất bại đau đớn ở biên giới phía Bắc (1950), nhưng với bản chất ngoan cố của kẻ xâm lược, lại được đế quốc Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp quyết đẩy mạnh chiến tranh, gấp rút phản công quyết liệt nhằm đè bẹp lực lượng ta, cố giành lại quyền chủ động trên chiến trường bằng cách:

- Ra sức củng cố và kiểm soát các thành phố, hải cảng có vị trí chiến lược quan trọng, đẩy mạnh “chiêu an” dồn dân vào vùng tạm chiếm, liên tiếp mở các cuộc hành quân lớn, chà đi xát lại các vùng đồng bằng giáp ranh, vùng núi, đánh phá vùng tự do.

- Tập trung củng cố Tây Nguyên, tách Tây Nguyên khỏi vùng chiến thuật nam trung phần (3/1951), dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm để hòng nắm được dân và kiểm soát Tây Nguyên.

- Đi đôi với xây dựng hệ thống cứ điểm “boong ke”, địch đẩy mạnh củng cố ngụy quyền, ra sức bắt lính phát triển ngụy quân để rút bớt quân Âu phi đưa ra chiến trường Bắc bộ.

Trước tình hình đó, sau khi có nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (họp từ ngày 11/02 - 19/02/1951), Đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ II (họp từ ngày 16/7 - 21/8/1951) đã xác định: Yêu cầu nhiệm vụ chính trị đối với Nam Trung Bộ lúc này là nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả chiến đấu, phát động cho được một cao trào du kích chiến tranh, liên tục tiến công địch khắp vùng bị tạm chiếm, trong đó nhiệm vụ quan trọng số 1 là mở rộng và xây dựng cơ sở địch hậu, phá chính sách “bình định”, phá âm mưu củng cố Tây Nguyên của địch.

Thực hiện chủ trương trên, LLVT Liên khu 5 đã bước vào đợt chỉnh huấn, chỉnh quân để chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn. Kết quả qua chỉnh huấn, chỉnh quân đã đem lại hiệu suất chiến đấu cao, trình độ kỹ chiến thuật của bộ đội được nâng lên khá rõ rệt. Tiêu biểu là trận diệt cụm cứ điểm Com-pơ-lông (bắc Kon Tum) trong chiến dịch Hè thu năm 1951 của Trung đoàn 108 và 803. Ngày 06/8/1951, Trung đoàn 108 đơn vị chủ công của chiến dịch, sau 8 giờ nổ súng chiến đấu quyết liệt, ta đã diệt 90 tên, bắt sống 195 tên, thu trên 200 súng các loại, 20 tấn đạn dược, quân trang quân dụng làm chủ hoàn toàn trận đánh và mở ra bước ngoặt về đánh địch trong công sự vững chắc của LLVT Liên khu 5.

Chiến dịch An Khê (01/1953) đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của bộ đội Khu 5 cả về chính trị, chiến thuật và chiến dịch dưới hình thức đánh điểm diệt viện. Cùng một lúc, 2 Trung đoàn 108 và 803 nổ súng tiến công tiêu diệt 3 cứ điểm: Tú Thủy, Cửu An, Eo Gió. Mặc dù bị hỏa lực trong đồn bắn ra nhiều tầng nhưng các tổ bộc phá vẫn liên tục mở cửa, các đội thọc sâu chiến đấu dũng cảm, mưu trí nên đã tiêu diệt 3 cứ điểm này (13/01/1953). Sau khi các lực lượng địch kéo đến ứng cứu, Trung đoàn 108 với kỹ thuật ngụy trang khéo léo từ những cánh rừng thưa và đồi trọc, nhanh chóng vận động, bất ngờ đánh thẳng vào đội hình Tiểu đoàn sơn chiến số 8 có xe bọc thép dẫn đầu của địch làm chúng không kịp đối phó, tên chỉ huy tiểu đoàn bị ta bắt sống giữa ban ngày (17/01/1953). Ngày 24/01/1953, khi Tiểu đoàn dù số 1 Ngụy kéo đến cách Thượng An 9 km thì Tiểu đoàn 39 của ta từ trong rừng nhanh chóng vượt qua các sườn đồi xông ra chặn đầu, khóa đuôi chia cắt đánh tả tơi quân địch, diệt 2 đại đội làm cho tiểu đoàn này hoàn toàn mất sức chiến đấu.

Trong vùng địch hậu, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh tiêu hao tiêu diệt kìm chân địch. Học tập kinh nghiệm của Nam Bộ, LLVT Quân khu đã phát triển lối đánh đặc công diệt được nhiều địch, ta ít thương vong. Tiểu biểu là trận đánh cứ điểm Ngã Hai (9/1952) của LLVT Bình Thuận diệt gọn 1 đại đội địch mở ra cách đánh mới trên chiến trường Liên khu 5.

Có thể nói, giai đoạn này LLVT Liên khu 5 trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và kỹ chiến thuật, chiến dịch, tác chiến ngày càng thắng lớn, tiêu diệt gọn một bộ phận sinh lực địch, đánh bại âm mưu “bình định”, “chiêu an” của địch; củng cố mở rộng được nhiều vùng căn cứ du kích sau lưng địch, xây dựng và bảo vệ vùng tự do ngày càng vững chắc.

4. Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường, thực dân Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức đã vạch ra kế hoạch Nava, hòng xoay chuyển tình hình, giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng. Ý đồ chiến lược của chúng là cuối năm 1953, đầu năm 1954, giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tiến công chiến lược miền Nam, Đông Xuân 1954 - 1955 tập trung toàn lực lượng đánh chiếm toàn bộ miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Trên chiến trường Liên khu 5, địch ra sức dồn quân, bắt lính, xây dựng thêm nhiều tiểu đoàn ngụy, đánh phá các khu căn cứ du kích, ổn định vùng chiếm đóng. Tập trung lực lượng (40 tiểu đoàn) mở cuộc hành quân Át lăng đánh chiếm vùng tự do của ta với 3 bước (bước 1: đánh chiếm Phú Yên, bước 2: chiếm Bình Định, bước 3: chiếm Quảng Ngãi).

Để phá âm mưu của địch, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của Tổng quân ủy, phải tập trung lực lượng lên Tây Nguyên “phát triển Tây Nguyên phải coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và củng cố vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai”. Hội nghị Liên khu ủy, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu đầu tháng 12/1953 quyết định:

- Tập trung toàn bộ chủ lực cho nhiệm vụ tiến công Tây Nguyên, đánh chắc thắng chắc và thắng ngay trận đầu. Vì có đánh tiêu diệt địch, mở rộng khu căn cứ kháng chiến ở Tây Nguyên mới thu hút địch, đánh bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do của địch, mới làm chuyển biến cục diện chiến trường.

- Giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương, đánh địch đến địa phương nào thì địa phương đó dùng lực lượng tại chỗ tích cực đánh tiêu hao, tiêu diệt, ngăn chặn bước tiến của địch, địa phương nào địch chưa đánh đến thì động viên nhân dân phục vụ tiền tuyến.

Về kế hoạch tiến công lên Tây Nguyên, ta xác định hướng chính là tiến công giải phóng Kon Tum, hướng phụ là đường 19 An Khê đánh cứ điểm, đánh giao thông giam giữ địch.

Ngày 21/01/1954, địch tiến công vào Phú Yên thực hiện bước 1 cuộc hành quân Átlăng. Ngày 26/01/1954, ta tiến công đập tan cụm phòng ngự đông bắc Kon Tum, thừa thắng ta phát triển về phía tây tiêu diệt quân địch từ Đắc Tô đến Đắc Lây giải phóng bắc Kon Tum, nối liền vùng tự do Nam - Ngãi với căn cứ cách mạng của bạn ở Nam Lào, đông bắc Cămpuchia. Đồng thời ở các hướng khác, lực lượng của ta cũng đánh mạnh, phối hợp với hướng chính buộc Na-va phải ra lệnh bỏ thị xã Kon Tum về phòng thủ Pleiku và dừng cuộc hành quân Átlăng, đưa một phần lớn đơn vị đang càn quét ở Phú Yên lên phòng thủ tuyến đường 19 và nam Tây Nguyên. Như vậy, thị xã Kon Tum và tỉnh Kon Tum hoàn toàn giải phóng (07/02/1954), thế chủ động trên chiến trường đã hoàn toàn thuộc về ta, quân địch càng bị động phải quay về chống đỡ.

Phối hợp với chiến trường chính ở Bắc Bộ, đặc biệt là khi ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, các LLVT trên toàn chiến trường Nam Trung Bộ đã đẩy mạnh hoạt động tác chiến đánh tiêu hao tiêu diệt, cầm chân địch làm chúng bị động đối phó với khắp nơi, không tập trung lực lượng chi viện cho chiến trường chính. Sau 7 tháng hoạt động, đông xuân 1953 - 1954 trên chiến trường Liên khu 5, ta đã tiêu diệt được 28.471 tên địch và đã hoàn thành xuất sắc 3 mục tiêu chiến lược là: tiến công giải phóng Kon Tum, đánh bại cuộc hành quân Át-lăng, giữ vững vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Nổi bật là trận chiến thắng Đắc Pơ. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, quân địch đóng ở An Khê tháo chạy. Ngày 24/6/1954, Trung đoàn 96 được lệnh cơ động nhanh, triển khai phục kích đánh vào đội hình rút chạy của địch tại khu vực Đắc Pơ trên đường 19.

Kết quả ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ binh đoàn cơ động Âu phi 100 (GM100), tiểu đoàn lính ngụy 520, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, thu 229 xe, 15 pháo (12 pháo 105 ly, 03 pháo 37 ly), diệt và bắt 1.200 tên, toàn bộ bộ tham mưu và tên quan 5 Ba-ru chỉ huy GM 100 bị bắt.

Đây là trận vận động phục kích lớn nhất và thắng lợi vang dội nhất của Liên khu 5, lần đầu tiên bộ đội Liên khu 5 diệt gọn một binh đoàn cơ động Âu phi, cũng là một đòn nặng nề bồi thêm sau khi địch thất bại ở Điện Biên Phủ.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp trong điều kiện cực kỳ khó khăn gian khổ của một chiến trường bốn mặt đều có quân thù lại xa sự chỉ đạo của Trung ương, song LLVT Quân khu 5 nêu cao được tinh thần tự lực tự cường, quyết chiến quyết thắng vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất đã đánh bại âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, nhiều chiến công đã đi vào lịch sử như: cuộc vây hãm quân thù ở Nha Trang, bao vây chặn địch ở Đà Nẵng - Quảng Nam, Phú Yên, cuộc tiến công ở Tây Nguyên giải phóng Kon tum, chiến thắng Đắc Pơ, chiến thắng Bồ Bồ… Góp phần cùng cả nước kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Quân và dân Quân khu 5 đã đánh 15.000 trận (tính từ 22/10/1945 - 22/7/1954), tiêu diệt 82.230 tên địch (12.300 lính Âu phi), thu 13.164 súng các loại, 646 tấn đạn, 272 xe các loại. Phá hủy 7.000 súng, pháo các loại, 600 tấn đạn, 19 kho đạn, 76 đầu máy và 492 toa và xe lửa, 1.225 xe cơ giới vận tải, 36 máy bay, 158 đồn, cứ điểm, 320 tháp canh… Huy động dân công phục vụ tiền tuyến 165.644 người, có hơn 10.000 nữ với hơn 11 triệu ngày công.

Lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và đi lên CNXH, miền Nam tạm thời vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng của kẻ thù. Thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đế quốc Mỹ đã hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào miền Nam với tham vọng quyết tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ để tiến công ra miền Bắc, lập phòng tuyến ngăn chặn CNXH phát triển xuống Đông Nam châu Á… Chúng coi Nam Trung Bộ là chiến trường trọng điểm, tập trung nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh, có lúc quân Mỹ - Ngụy, chư hầu lên bằng nửa số quân ở miền Nam; xây dựng nhiều căn cứ quân sự, thí điểm nhiều quốc sách, biện pháp chiến lược, nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc tàn bạo, đồng thời xây dựng ở đây một bộ máy ngụy quyền phản động hiếu chiến thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Do đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Nam Trung bộ diễn ra rất quyết liệt và phức tạp, có ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện toàn chiến trường miền Nam.

Ngày 25/01/1955, Bộ Chính trị quyết định sát nhập 2 tỉnh Quảng Trị (từ nam sông Bến Hải vào) và tỉnh Thừa Thiên vào Liên khu 5 và thành lập 4 liên tỉnh trực thuộc Liên khu 5 gồm:

- Liên tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam;

- Liên tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên;

- Liên tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng);

- Liên tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc.

1. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1960), là những năm cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam nói chung và Khu 5 nói riêng. Mỹ - Diệm đã thẳng tay đàn áp dã man phong trào cách mạng, lấy “tố cộng, diệt cộng” làm “quốc sách”, coi đây là mấu chốt để giành thắng lợi với các khẩu hiệu “diệt trừ cộng sản nằm vùng”, “diện tận gốc cộng sản”, “tát nước, bắt cá”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”… Mỹ - Diệm đã gây nên biết bao vụ tàn sát đẫm máu ở nhiều nơi như: chợ Được, Chiên Đàn, Vĩnh Trinh, Sơn Cẩm Hà (Quảng Nam), Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Hòa Mỹ (Bình Định), Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên)... Chúng ra Luật 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi khủng bố tàn sát, bắt bớ giam cầm, bắn giết bất kỳ ai tình nghi là “việt cộng” hoặc “thân việt cộng” (đến cuối năm 1957, hơn 70% cấp ủy xã, 60% huyện ủy viên, 40% tỉnh ủy viên các tỉnh đồng bằng đã hy sinh hoặc bị bắt, nhiều huyện và thị xã không còn cán bộ lãnh đạo. Tỉnh khá nhất chỉ còn 10 chi bộ, mỗi chi bộ chỉ có từ 3 - 5 đảng viên. Tỉnh yếu chỉ còn 2 - 3 chi bộ, 12 huyện không còn cơ sở Đảng. Một số huyện chỉ còn vài ba đảng viên đơn tuyến).

Tuy nhiên, Mỹ - Diệm vẫn không đè bẹp được ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng; dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng, sự đùm bọc chở che nuôi dưỡng của nhân dân, số cán bộ, bộ đội được giao nhiệm vụ ở lại không đi tập kết đã kiên cường trụ bám, xây dựng phong trào, xây dựng căn cứ địa (phần lớn hoạt động ở miền tây các tỉnh đồng bằng và Tây Nguyên) để vận động, hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Nhờ vậy, mặc dù địch đánh phá quyết liệt, dùng nhiều thủ đoạn thâm độc nham hiểm nhưng phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở miền núi vẫn giữ được, cơ sở chính trị được củng cố.

Từ năm 1958, ở nhiều nơi đã tổ chức đội tự vệ vũ trang, tỉnh có đội du kích tập trung. Nhiều nơi nhân dân đã vùng dậy diệt ác ôn, diệt từng tốp lính đi lùng sục ở các buôn làng, một số nơi đã xóa bỏ ngụy quyền ở cơ sở, xây dựng căn cứ cách mạng. Nhiều cuộc nổi dậy liên tiếp diễn ra như cuộc đấu tranh chống địch cướp đất lập “dinh điền” của đồng bào ở Gia Lai, chống dồn dân của đồng bào Chăm H’roi ở Phú Yên, cuộc nổi dậy của đồng bào Ba na ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), đồng bào Rắc lây ở Bác Ái (Ninh thuận) và nổi bật là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng ở miền tây Quảng Ngãi. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần với qui mô khá lớn trên một địa bàn rộng, giành được thắng lợi to lớn đầu tiên sau khi có Nghị quyết Trung ương 15. Cùng với phong trào đồng khởi của nhân dân Nam Bộ, từ thời điểm này, cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam nói chung, quân và dân Khu 5 nói riêng đã bước vào giai đoạn mới.

2. Quốc sách “tố cộng, diệt cộng” bị phá sản, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, Mỹ ngụy buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Đây thực chất là cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới, dùng lực lượng ngụy quân ngụy quyền là chủ yếu, cùng với vũ khí trang bị chiến tranh và viện trợ tài chính của Mỹ, do Mỹ chỉ huy, có lực lượng Mỹ yểm trợ. Trên chiến trường Nam Trung Bộ, chúng tập trung 4/7 sư đoàn chủ lực ngụy tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét dài ngày, thực hiện dồn dân lập ấp chiến lược.

Trước tình hình trên, sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 xác định con đường cách mạng miền Nam bằng con đường bạo lực cách mạng. Ở các địa phương đã khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang tập trung. Đầu năm 1960, các tỉnh đều có đại đội tập trung, trong đó Quảng Ngãi có 3 đại đội, Quảng Nam có 2 đại đội, các huyện có phong trào khá đã xây dựng được trung đội thoát ly, ở nhiều xã đã có đội công tác, đội vũ trang tuyên truyền, du kích, tự vệ.

Để giúp cho Liên khu chỉ đạo xây dựng và đấu tranh vũ trang, Liên khu quyết định thành lập Ban quân sự Liên khu 5 trực thuộc sự chỉ đạo của Liên khu ủy 5. Ban quân sự gồm các đồng chí: Huỳnh Hữu Anh (Quang), Lê Đình Lệ (Trực), Đoàn Y Thanh (Sự) do đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Liên khu ủy trực tiếp làm trưởng ban. Đây là cơ quan chỉ huy quân sự đầu tiên của Liên khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 31/7/1960, LLVT tỉnh Bình Thuận đã mở đầu đợt hoạt động của toàn Khu 5, đánh địch giành quyền làm chủ ở một số khu vực giáp ranh giữa đồng bằng và rừng núi, phá thế kìm kẹp của địch bằng trận tiến công Bắc Ruộng và quận lỵ Hoài Đức, tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch. Từ đó ta đánh liên tiếp nhiều trận ở đồng bằng cũng như miền núi, kết hợp với tiến công quân sự, nhân dân ở nhiều nơi đã nổi dậy phá tan khu tập trung trở về làng cũ.

Giữa lúc phong trào cách mạng toàn miền Nam đang phát triển mạnh mẽ, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đánh dấu một bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Đầu tháng 01/1961, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 15/02/1961 là ngày thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

Để đáp ứng với yêu cầu phát triển lực lượng trên chiến trường, từ đầu năm 1961, Quân ủy Trung ương đã thông qua kế hoạch tăng cường lực lượng cho chiến trường Khu 5. Đến tháng 7/1961, lực lượng tăng cường của Bộ đã vào đến Quân khu 5 gồm: 1 cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu, 2 cơ quan Bộ Tư lệnh phân khu, 104 cán bộ chủ trì và trợ lý, 3 tiểu đoàn đủ quân, 5 khung tiểu đoàn, 12 khung đại đội, 1 đại đội và 2 trung đội thông tin, 1đại đội và 2 khung đại đội vũ trang tuyên truyền, 5 đại đội đặc công.

Theo chỉ đạo của Trung ương, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ Liên khu 5 lại được tách thành 2 quân khu. Ngày 27/7/1961, thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 6. Quân khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai do đồng chí Nguyễn Đôn làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Quân khu 6 gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng do đồng chí Y Blốc Êban làm quyền Tư lệnh.

Càng chiến đấu càng trưởng thành, LLVT Quân khu lúc này đã phát triển đến cấp tiểu đoàn và trung đoàn (đến năm 1962, Quân khu đã hình thành 3 trung đoàn bộ binh: 1, 2, 3; mỗi trung đoàn đều có tiểu đoàn pháo và một đại đội đặc công. Đến năm 1963, bộ đội địa phương nhiều tỉnh đã tổ chức đến tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng: đặc công, công binh, trinh sát, thông tin…; mỗi huyện đều có từ 1 - 2 trung đội bộ đội tập trung. Toàn Quân khu có hơn 2 vạn dân quân du kích được tổ chức rộng rãi ở khắp các làng xã và đã có những trận đánh tiêu biểu xuất sắc như trận Nà Niêu (Quảng Ngãi) tháng 8/1962 đánh bại cuộc đổ bộ bằng trực thăng của địch, bắn rơi 12 máy bay, bắn bị thương một số chiếc khác. Trận tiến công Sở chỉ huy hành quân của sư đoàn 23 ngụy ở Đầm Ròn (Tuyên Đức) tháng 12/1962 diệt 300 tên địch; trận tập kích tháng 01/1963 của Tiểu đoàn đặc công 407 tiêu diệt trung tâm huấn luyện biệt kích Plây Krong (Gia Lai) diệt và bắt 400 tên địch (có 12 tên Mỹ); trận Kỳ Sanh (Quảng Nam) tháng 8/1964 diệt 1 đại đội ngụy và đánh thiệt hại nặng 1 chi đoàn M113 - trận đầu tiên đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch trên chiến trường Khu 5.

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, ta liên tiếp giành được những thắng lợi lớn như trận tiêu diệt chi khu quân sự An Lão (Bình Định) của Trung đoàn 2 cùng Tiểu đoàn 406 đặc công và LLVT Bình Định tháng 12/1964. Trận đánh điểm diệt viện ở Dương Liễu - đèo Nhông (02/1965) của Trung đoàn 2 và bộ đội địa phương Bình Định; trận tiêu diệt căn cứ Việt An đánh vỡ phòng tuyến sông Khang - Quế Sơn tháng 02/1965 của Trung đoàn 1 và bộ đội địa phương Quảng Nam và đỉnh cao là chiến thắng Ba Gia (Quảng Ngãi) tháng 5/1965 của Trung đoàn 1 diệt gọn 1 chiến đoàn Ngụy. Những chiến công oanh liệt, chiến thắng vẻ vang của LLVT Quân khu đã góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, tạo cơ sở vật chất, tinh thần vững chắc chuyển sang giai đoạn mới.

3. Để cứu vãn tình thế ở miền Nam, Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ồ ạt nhảy vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Ngày 08/3/1965, đơn vị đầu tiên là Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đến tháng 10/1965 số lượng lính Mỹ và Nam Triều Tiên trên chiến trường Khu 5 lên tới 120 ngàn/180 ngàn tên của toàn miền Nam. Đồng thời với việc lập căn cứ quân sự ở Đà Nẵng, Chu lai, Cam Ranh, An Khê, Pleiku, Quy Nhơn, Nha Trang… Chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực ta và “bình định” các địa bàn quan trọng, qua đó trấn an tinh thần quân ngụy đang trên đà suy sụp.

Để đáp ứng với nhiệm vụ tác chiến qui mô ngày càng lớn, LLVT của Quân khu đã phát triển đến cấp sư đoàn. Sư đoàn 3 (02/9/1965), sư đoàn 2 (20/10/1965). Ở các tỉnh Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định có 2 tiểu đoàn tập trung. Các tỉnh khác có 1 tiểu đoàn tập trung và một số đại đội binh chủng, ở các huyện có từ 1 - 2 đại đội. Ở những nơi quân Mỹ đặt chân đến lập tức hình thành nên các vành đai diệt Mỹ như ở Hòa Vang, Chu Lai và phong trào “tìm Mỹ mà đánh, lùng Ngụy mà diệt”. Thực hiện chủ trương của trên là phải hạ uy thế quân Mỹ ngay từ đầu và rút kinh nghiệm cho toàn miền trong chiến đấu với quân Mỹ, đêm 25 rạng ngày 26/5/1965, đại đội 2, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương Quảng Nam được tăng cường một mũi đặc công đã tấn công trong vòng 30 phút tiêu diệt 1 đại đội Mỹ tại Núi Thành. Chiến công Núi Thành đã khẳng định cho tinh thần “dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ” của quân và dân Khu 5.

Tiếp theo chiến thắng Núi Thành là những trận chiến thắng oanh liệt như: chiến thắng Vạn Tường (18/8/1965), Trung đoàn 1 cùng với LLVT huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” mang tên “Ánh sao”, loại khỏi vòng chiến đấu 900 tên Mỹ; chiến thắng Thuận Ninh (Bình Định) ngày 18/9/1965, 1 tiểu đoàn của trung đoàn 2 đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” của lữ đoàn 101 và sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, diệt 200 tên. Đặc biệt là chiến thắng của chiến dịch Pleime (từ 19/10 đến 26/11/1965), bộ đội chủ lực Tây Nguyên đã chủ động kéo sư đoàn kỵ binh không vận số 1 lên Ia Đrăng để tiêu diệt (loại 2.964 tên địch, có 1.700 tên Mỹ, bắn rơi phá hỏng 59 máy bay, 88 xe tăng xe bọc thép).

Bị thất bại đau đớn, đế quốc Mỹ vừa đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, vừa huy động tối đa lực lượng bộ binh, không quân, pháo binh tổ chức các cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1966) và lần thứ hai (1967) mà trọng điểm là chiến trường Khu 5, tập trung trên 3 hướng chính: bắc Bình Định; nam Quảng Ngãi; tây Quảng Nam và tây bắc Tuy Hòa (Phú Yên) với tham vọng giành thắng lợi quyết định về chiến lược nhanh chóng chuyển bại thành thắng “đánh gãy xương sống Việt cộng”. Các LLVT Quân khu dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân chiến đấu hết sức dũng cảm ngoan cường, liên tục phản công và tiến công địch đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ ngụy và Nam Triều Tiên ở bắc Bình Định; lực lượng địa phương cũng bẻ gãy cuộc hành quân “diều hâu 11” ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) và đánh bại cuộc hành quân Vanbuaren của lính dù Mỹ và Lữ rồng xanh Nam Triều Tiên ở Phú Yên.

Trước tình hình phát triển của chiến trường, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về việc thành lập Quân khu Trị Thiên Huế tách ra từ Quân khu 5. Ngày 27/4/1965, Quân khu Trị Thiên Huế thành lập. Cùng ngày 27/4/1966, Bộ Chính trị BCHTW Đảng quyết định thành lập Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.

Phát huy thắng lợi, thừa thắng xông lên, đến cuối năm 1966, ta mở chiến dịch Đông Xuân 1966 - 1967 đánh mạnh vào cả quân Mỹ, Ngụy và chư hầu, mà tiêu biểu là chiến dịch Sa Thầy của bộ đội chủ lực Tây Nguyên đánh phủ đầu sư đoàn 4 Mỹ, chiến thắng Quang Thạnh (Quảng Ngãi) tiêu diệt 1 tiểu đoàn Nam Triều tiên… Những chiến thắng oanh liệt trên chiến trường đã góp phần làm thất bại hoàn toàn 2 cuộc phản công chiến lược đầy tham vọng của Mỹ.

Thừa thắng, cùng với quân và dân toàn miền Nam, quân và dân Khu 5 đã làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), đồng loạt bất ngờ đánh vào tận hang ổ của địch ở 10 thành phố, thị xã, 40 thị trấn diệt trên 30 nghìn tên địch, phá hủy hơn 600 máy bay, hàng trăm đại bác và xe cơ giới, làm sụp đổ phần lớn bộ máy kìm kẹp của địch ở nông thôn, đưa chiến tranh vào thành phố, thị xã.

4. Sau 4 năm ào ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” nhưng bị thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh nhưng vẫn không từ bỏ chính sách xâm lược thực dân kiểu mới với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà thực chất là “thay màu da trên xác chết” với công thức quân Ngụy cộng với vũ khí trang bị, tài chính và cố vấn Mỹ. Ở Khu 5, địch lấy Tây Nguyên làm nơi thí điểm “Việt Nam hóa chiến tranh”, vùng đồng bằng ven biển làm trọng điểm bình định. Từ cuối năm 1968, địch sử dụng toàn bộ quân địa phương và từ 1/2 đến 2/3 quân chủ lực (kể cả quân Mỹ, Nam Triều Tiên, ngụy) liên tiếp càn quét, đánh phá dai dẳng ác liệt, dùng kinh tế để mua chuộc, dụ dỗ, ráo riết bắt lính, phát triển lực lượng gây cho ta rất nhiều khó khăn.

Do dồn sức hoạt động liên tục trong Xuân Hè và Thu năm 1968 và 1969, LLVT của ta có đơn vị bị tiêu hao nặng, quân số vũ khí chưa kịp bổ sung, thiếu đạn, thiếu lương thực nghiêm trọng. Giữa lúc quân và dân Nam Trung Bộ đang ở thời điểm đầy khó khăn thử thách thì Bác Hồ qua đời. Thực hiện lời thề trước anh linh Bác, biến đau thương thành hành động cách mạng, LLVT Quân khu 5 đã từng bước khắc phục khó khăn, vững vàng vượt qua những thử thách ngặt nghèo của chiến tranh, ra sức củng cố xây dựng và phát triển lực lượng. Đến cuối năm 1970, đầu năm 1971, so sánh lực lượng trên chiến trường lúc này có lợi cho ta, ta bắt đầu tổ chức những chiến dịch tổng hợp lớn như chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Đắc Tô - Tân Cảnh đánh thiệt hại Sư đoàn 22 Ngụy giải phóng bắc Kon Tum, đánh chiếm quận lỵ Hiệp Đức, diệt căn cứ Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam), giải phóng Ba Tơ (Quảng Ngãi)… Thắng lợi ở chiến trường Khu 5 trong năm 1972 đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973).

5. Hiệp định Pari được ký kết nhưng trên chiến trường Khu 5 không có một ngày ngừng bắn. Địch vẫn tiếp tục đánh phá, hành quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng nhằm giành dân, lấn đất mở rộng vùng chúng kiểm soát. Bước vào thời kỳ mới, mặc dù đã chiến đấu liên tục căng thẳng, nhiều đơn vị chưa kịp bổ sung quân số, vũ khí trang bị nhưng LLVT Quân khu đã nêu cao tinh thần kiên cường anh dũng nắm chắc tay súng khắc phục khó khăn, tích cực tấn công và phản công địch để giữ vững thành quả cách mạng, giữ vững được những địa bàn quan trọng: Hiệp Đức (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Hoài Ân (Bình Định), bắc Kon Tum.

Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tạo thế chiến trường có lợi, chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo, ta mở chiến dịch Hè Thu năm 1974 và liên tiếp giành được những thắng lợi lớn ở Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức rồi lần lượt tiêu diệt địch, giải phóng nhiều chi khu miền núi như Minh Long - Giá Vụt, Măng Bút, Măng Đen. Bộ đội chủ lực Tây Nguyên tấn công tiêu diệt căn cứ Đắc Pét (Kon Tum), Ia Súp (Đắc Lắc). Ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng đánh lớn tiêu diệt chi khu Phú Long, LLVT Lâm Đồng đánh địch ở Tân Rai, Minh Rông, Tứ Quý, LLVT Tuyên Đức đánh địch ở Nam Thi, Nam Ban…

Bước vào Xuân 1975, LLVT Quân khu đã có một khí thế mới “một ngày bằng 20 năm”, “đạp lên đầu thù xốc tới”, “tất cả cho phía trước, tất cả để giải phóng miền Nam”. Từ đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột (10/3/1975), đập tan cuộc phản kích, kết thúc số phận Sư đoàn 23 Ngụy, truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, chỉ trong vòng 15 ngày, đại bộ phận quân đoàn 2 Ngụy bị tiêu diệt. Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên toàn thắng, từ đòn tiến công chiến lược này đã đưa đến cuộc tổng tiến công chiến lược toàn miền Nam. Ở đồng bằng, LLVT Quân khu đã nhanh chóng giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi (24/3/1975), chia cắt và cô lập Quân đoàn 1 Ngụy, hiệp đồng cùng với bộ đội chủ lực giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975) rồi lần lượt tiến công và nổi dậy giải phóng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, đến ngày 29/4/1975, địa bàn Quân khu 5 cả đất liền và các đảo ngoài khơi đã hoàn toàn được giải phóng. Chấp hành mệnh lệnh của trên, LLVT Quân khu vừa đánh địch trên địa bàn, vừa cùng với các đơn vị bạn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Tổng kết kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Khu 5 đã đánh hàng chục ngàn trận lớn nhỏ. Loại khỏi vòng chiến đấu 251.335 tên Mỹ và chư hầu, 1.208.607 tên ngụy, thu và phá hủy 13.948 chiếc máy bay, 3.509 khẩu pháo, 44.107 xe quân sự, 11.302 xe tăng và xe bọc thép, 117 tàu thuyền, 403.980 tấn bom đạn, 642 triệu lít xăng dầu và 2.859 lượt chiếc cầu cống bị phá sập.

Như vậy, kể từ ngày 16/10/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Chiến Khu 5 và Chiến khu 6, đến ngày 30/4/1975, Đảng bộ, quân và dân Liên khu 5 trước đây và Quân khu 5 ngày nay đã chiến đấu liên tục 10.788 ngày đêm vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ ác liệt, chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên, chiến đấu ngoan cường dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng cùng với quân và dân cả nước đánh bại 2 cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế từ năm 1975 đến nay

Từ sau ngày đất nước thống nhất (mùa Xuân 1975) đến nay, phát huy truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất trong chiến tranh giải phóng, quân và dân Quân khu 5 ra sức thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm nhiệm vụ quốc tế.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 lại tiếp tục chiến đấu trên các trận chiến mới: Khắc phục hậu quả chiến tranh, truy quét Fulro, xây dựng và bảo vệ biên giới, giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pônpốt. LLVT Quân khu đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân phát hiện đấu tranh phá gỡ các tổ chức phản động, loại khỏi vòng chiến đấu 11.890 tên (8.098 tên Fulro, 1.088 tàn quân ngụy, 2.706 tên phản động khác), trong đó có 381 tên đầu sỏ, diệt 894 tên, bắt 6.238 tên, kêu gọi đầu hàng 4.750 tên, thu 1.686 súng các loại, 127 kg thuốc nổ.

Để đáp ứng với tình hình mới ở biên giới Việt Nam - Cămpuchia, căn cứ vào quyết định của Bộ Quốc phòng và yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế. Quân khu đã thành lập thêm 3 sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 307 (03/7/1978), Sư đoàn 309 (06/9/1978) và Sư đoàn 315 (29/02/1979), đồng thời thành lập Mặt trận 579 để trực tiếp chỉ huy các lực lượng bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, LLVT Quân khu đã đánh 642 trận, diệt 2.044 tên, bắt 26 tên, thu 648 súng các loại.

Mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, các đơn vị trong Quân khu đã đánh trên 1.000 trận, tiêu diệt 5.888 tên tàn quân Pônpốt, bắt sống hàng ngàn tên, kêu gọi ra hàng 110 tên, thu 10.695 súng các loại, 5 ngàn tấn đạn, 16 ô tô, cứu đói trên 30 vạn người dân Cămpuchia tị nạn ở Thái Lan trở về nước. Trong gian khổ ác liệt của chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ tình nguyện luôn yên tâm với nhiệm vụ giúp bạn, chiến đấu dũng cảm, công tác tích cực, đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và quân đội bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Được Nhà nước Cămpuchia tặng 66.485 huân, huy chương các loại.

Từ năm 1989 đến nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, LLVT Quân khu 5 đã thường xuyên đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch; tăng cường phòng thủ sẵn sàng chiến đấu trên cả 3 tuyến: biển đảo, biên giới, nội địa. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Quân khu, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên, giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vụ bạo loạn chính trị các năm 2001, 2004 và 2008 ở Tây Nguyên. Chủ động tiến hành các hoạt động tổng hợp, ngăn chặn đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên sang Cămpuchia và chống xâm nhập, góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội của các địa phương. Phát hiện ngăn chặn các phần tử hoạt động đội lốt tôn giáo hoạt động chống phá trên địa bàn.

Nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân từng bước được xây dựng và củng cố cơ bản liên hoàn vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được chú trọng xây dựng củng cố cả về chất lượng, số lượng và hiệu quả hoạt động. Công tác giáo dục quốc phòng ngày càng tiến bộ.

Chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của các LLVT Quân khu được đặc biệt quan tâm xây dựng, trước hết là vững mạnh về chính trị. Vì vậy, trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình, sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, LLVT Quân khu 5 vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân Khu 5.

LLVT Quân khu 5 đã thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, vùng căn cứ cách mạng. Làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết kịp thời những tồn đọng sau chiến tranh; tham gia tích cực vào phong trào đền ơn đáp nghĩa và thực hiện các chương trình định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế miền núi… đặc biệt những năm qua trên địa bàn Quân khu thường xảy ra thiên tai bão lụt, các LLVT Quân khu 5 đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập, kịp thời cơ động và phối hợp với các lực lượng địa phương cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.

Trong phòng chống thiên tai, bão lụt, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại càng tỏa sáng trong lòng nhân dân các địa phương trên địa bàn Quân khu. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội và dân quân tự vệ; hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng học tập đã kịp thời giúp đỡ nhân dân vùng bị nạn nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, xây dựng sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, góp phần ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Hàng năm, các đơn vị đã thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương, các ban ngành và đoàn thể tổ chức kết nghĩa và xây dựng chương trình phối hợp hành động, tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, xây dựng xã phường vững mạnh toàn diện được đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao.

Phát huy tinh thần tự lực tự cường, quán triệt tốt phương châm trên dưới cùng lo, lực lượng vũ trang Quân khu đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất làm kinh tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội. Chất lượng ăn ở, sinh hoạt, đời sống vật chất tinh thần của bộ đội ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, Quân khu 5 đã thực hiện chủ trương kết hợp phát triển kinh tế xã hội với qui hoạch bố trí quốc phòng, xây dựng các cụm khu dân cư xã hội, củng cố thế trận lòng dân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên, tạo vành đai bộ đội và nhân dân cùng bảo vệ biên giới, góp phần vào xây dựng Tây Nguyên vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, LLVT Quân khu 5 đã không ngừng phát huy mạnh mẽ truyền thống anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với sự tin cậy và là chỗ dựa vững chắc của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn Quân khu. Trong mọi hoàn cảnh, LLVT Quân khu 5 luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc; luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường vượt qua khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thường xuyên nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công “bám thắt lưng địch mà đánh”, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, dũng cảm mưu trí sáng tạo, có tinh thần quyết chiến quyết thắng, biết đánh và biết thắng, càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành; đoàn kết nội bộ chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của bộ đội cụ Hồ; luôn nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, đoàn kết thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình... xứng đáng với truyền thống cách mạng “Tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo, chiến đấu kiên cường, chiến thắng vẻ vang".

File đính kèm:

(Báo QĐND)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.