Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Đơn vị cao xạ đầu tiên của Quân đội ta phát huy truyền thống cha ông quyết đánh, quyết thắng

14:52 | 30/03/2013

(Bqp.vn) - Ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Theo quyết định, Trung đoàn gồm sáu tiểu đoàn hỏa lực mang phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có ba Đại đội Pháo cao xạ 37 (12 khẩu) và một Đại đội súng máy 12,7mm (12 khẩu). Trung đoàn còn có một tiểu đoàn lái xe kéo pháo, xe vận tải và thợ sửa chữa.

Ban Chỉ huy đầu tiên của Trung đoàn pháo cao xạ 367 gồm các đồng chí: Lê Văn Tri, Trung đoàn trưởng; Đoàn Phụng, Chính ủy; Ngô Từ Vân, Phó chính ủy; Nguyễn Quang Bích, Trung đoàn phó. Một thời gian sau Ban Chỉ huy trung đoàn được bổ sung đồng chí Hoàng Khải Tiến, Trung đoàn phó và đồng chí Trần Văn Giang làm Phó chính ủy.


Pháo cao xạ 37mm số hiệu 510.681 trở thành Bảo vật quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (ảnh:VTC)

“...việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hiện vật Pháo cao xạ 37 mm, số hiệu 510.681 là Bảo vật quốc gia là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, là sự tôn vinh truyền thống, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với hiện vật có giá trị lịch sử, đối với những chiến công và thành tích của Bộ đội Pháo cao xạ nói riêng và bộ đội phòng không, không quân nói chung. Đây là niềm vinh dự, tự hào đáp ứng được nguyện vọng và lòng mong mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Phòng không - Không quân”- Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Nhân dịp kỷ niệm truyền thống bộ đội cao xạ, cách đây chục năm có lẻ, tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 367 ngày ấy. Giờ đây Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích đã đi xa, nhưng tôi vẫn nhớ dáng hình cao lớn, khỏe mạnh, minh mẫn và toát ra vẻ uy nghiêm từng trải của con người đã vào sinh ra tử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nói về những ngày đầu tiên thành lập Trung đoàn 367, Thiếu tướng vẫn nhớ như in những gian lao vất vả của Trung đoàn đã vượt qua để đi đến chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ năm xưa. Thiếu tướng kể:

“…Tôi tham gia cách mạng từ 20 tháng 8 năm 1945 trong đội quân giải phóng Hà Nội. Tháng 9 năm 1945, tôi đã theo đoàn quân Nam tiến chiến đấu ở mặt trận Quân khu 5. Giữa năm 1952 tôi được cử ra dự hội nghị ở chiến khu Việt Bắc thì được trên giữ lại để chuẩn bị cho việc thành lập Trung đoàn cao xạ 367. Ngày 26 tháng 1 năm 1953, tôi được giao cùng anh Trần Văn Giang phụ trách đoàn cán bộ gồm 114 đồng chí sang Trung Quốc học tại Trường Sĩ quan cao xạ Thẩm Dương, Trung Quốc. Lúc này ở Trung Quốc đã có một đoàn 33 người do anh Nguyễn Tâm Trinh phụ trách dự định học về không quân. Do tình hình lúc đó quân đội ta chưa có điều kiện xây dựng không quân nên các đồng chí này sáp nhập cùng đoàn chúng tôi để học pháo cao xạ. Sau lại thêm một đoàn nữa do đồng chí Đinh Thịnh làm trưởng đoàn sang sáp nhập vào là một đoàn.

Đầu tháng 5 năm 1953, khóa bổ túc của chúng tôi kết thúc. Lúc này “ở nhà” đã thành lập Trung đoàn 367, 2.700 cán bộ chiến sĩ trong đó có 350 đảng viên dưới sự chỉ huy của đồng chí Ngô Từ Vân đã chia thành nhiều khối bí mật hành quân sang Trung Quốc. Tiểu đoàn học lái xe và thợ sửa chữa gồm 690 người, mang phiên hiệu 690 do đồng chí Phạm Duy Lâm phụ trách đã đến Nam Ninh học. Các tiểu đoàn hỏa lực hành quân đến Tân Dương tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc học. 147 người chúng tôi được biên chế vào Trung đoàn pháo cao xạ 367. Về trang bị, Trung đoàn tiếp nhận 72 khẩu pháo cao xạ 37 và 72 khẩu súng máy phòng không 12,7mm và một số khí tài, xe máy do Liên Xô giúp. Số vũ khí này được biên chế về các Đại đội hỏa lực, Đại đội pháo cao xạ 37 có bốn khẩu, Đại đội súng máy phòng không có 12 khẩu phụ trách ba cơ quan trung đoàn là đồng chí Lê Văn Thêm, Tham mưu trưởng, Trần Văn Giang, Chủ nhiệm chính trị, Lê Văn Thiêm, Chủ nhiệm cung cấp, Lê Phước, Chủ nhiệm quân khí Trung đoàn.

Ngày 15 tháng 5 năm 1953, Trung đoàn bắt đầu bước vào khai giảng huấn luyện chuyển binh chủng.

Sau khi khai giảng huấn luyện chúng tôi được học nguyên tắc chiến thuật của đại đội, tiểu đoàn và Trung đoàn pháo cao xạ trong chiến đấu độc lập và chiến đấu hiệp đồng, chi viện và bảo vệ bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự. Tài liệu học tập dựa vào giáo trình huấn luyện của Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phòng không của giải phóng quân Trung Quốc. Việc học tập lúc đó rất khó khăn với chúng tôi vì văn hóa thấp. Rất nhiều đồng chí mới thoát khỏi nạn mù chữ, nay phải tiếp xúc với các lý thuyết toán cao cấp, lý thuyết xạ kích, nguyên lý cấu tạo máy… nên tâm trạng rất lo lắng. Có đồng chí tâm sự: “Mình chịu không theo học nữa, có lẽ phải xin về thôi. Đi chiến đấu không thấy ngại, mà học thì ngại quá”. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn chúng tôi đã họp lại và phát động phong trào “công nông làm vũ khí mới”. Nhiều biện pháp phong phú, cụ thể phù hợp với đối tượng học tập và yêu cầu, nội dung chương trình đã được các đơn vị tận dụng. Các giáo viên sử dụng nhiều tranh vẽ, mô hình và vật thực làm cho buổi học sinh động, dễ hiểu, chú trọng hướng dẫn học viên thực hành thao tác. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội quan tâm theo dõi từng bước đi của đứa con đầu lòng trong buổi đầu xây dựng một binh chủng mới. Tôi còn nhớ ngày 10 tháng 6 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367. Tháng 7 năm 1953, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong dịp sang làm việc ở Trung Quốc đã đến thăm và kiểm tra việc học tập của chúng tôi. Đồng chí đã chuyển lời hỏi thăm ân cần của Bác Hồ đến cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn: “Không quân là chỗ mạnh của giặc. Muốn thắng giặc, ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng… Muốn bắn rơi máy bay địch phải học tập tốt, giữ gìn súng đạn cho tốt”.

Ngày 20 tháng 8 năm 1953, toàn Trung đoàn 367 đã bước vào cuộc diễn tập, chiến thuật bắn đạn thật với “máy bay địch”, đánh giá kết quả huấn luyện bằng thành tích bắn đạn thật. Cuộc diễn tập bắn đạn thật kết thúc thắng lợi là kết quả kiên trì học tập, rèn luyện của những cán bộ chiến sĩ lần đầu tiên làm quen với vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại trong một thời gian rất ngắn: chưa tròn 100 ngày.

Đầu tháng 11 năm 1953, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện triệu tập cán bộ Trung đoàn pháo cao xạ 367 về Bộ nhận nhiệm vụ. Đảng ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn đã cử tôi và đồng chí Hoàng Hoa Nam, Tham mưu phó và một số cán bộ tác chiến như Nguyễn Mạnh Đàn, Nguyễn Như Sơn… về nước báo cáo với Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh kết quả huấn luyện và nhận nhiệm vụ. Đại tướng ra lệnh cho chúng tôi nhanh chóng đưa lực lượng pháo cao xạ Trung đoàn 367 về nước tham gia chiến đấu trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 . Đồng chí Hoàng Hoa Nam và Nguyễn Mạnh Đàn lên Tuyên Quang chuẩn bị địa điểm đóng quân, tôi trở về Trung đoàn.

Đảng ủy Trung đoàn đã họp bàn bạc kế hoạch hành quân về nước chiến đấu. Theo kế hoạch, khối đi đầu gồm hai tiểu đoàn pháo cao xạ 383, 394 và Đại đội súng máy phòng không 834 (Tiểu đoàn 396). Tôi và anh Ngô Từ Vân, Phó chính ủy Trung đoàn được cử chỉ huy khối này.

Ngày 24 tháng 11 năm 1953, chúng tôi tổ chức lễ xuất quân về nước chiến đấu. Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri đã trao lá cờ “Lập công đầu” cho đoàn quân.

Đoàn xe đầu tiên hơn hàng chục chiếc, trong đó có 24 xe kéo pháo được nguỵ trang kín đáo hành quân hàng nghìn ki-lô-mét từ đất bạn về tập kết ở Tây Bắc thị xã Tuyên Quang an toàn, bí mật.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, những ngày đầu tháng 12 năm 1953, khi lực lượng địch chưa được tăng cường, trận địa phòng ngự mới xây dựng, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Ngày 21 tháng 12 năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn công Pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch. Anh Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn 351 chỉ huy trưởng cuộc hành quân, anh Đào Văn Trường, Đại đoàn phó 351 và tôi chỉ huy phó. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo 2,5 tấn qua bao đèo dốc, núi cao, vực sâu là bản hùng ca của bộ đội cao xạ mà không bao giờ tôi quên được.

Những địa danh đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu là những cái tên không thể quên được với chiến sĩ Trung đoàn 367.

Đêm đêm tiếng “hò kéo pháo” náo động núi rừng Điện Biên.

Ngày 25 tháng 1 năm 1954, chúng tôi đã đưa được một đại đội pháo vào bố trí trận địa tại cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu đúng theo kế hoạch của trên giao. Nhưng lúc này địch tăng cường lực lượng lên Điện Biên Phủ, tổ chức hệ thống phòng thủ khá vững chắc. Thấy tình hình không thể “đánh nhanh giải quyết nhanh” đuợc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm chiến dịch sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định sáng suốt, chính xác, bảo đảm cho chiến thắng sau này. Nhưng với bộ đội pháo cao xạ lúc đó việc rút pháo ra là một gian nan thử thách. Có thể nói cuộc kéo pháo bằng tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một sự kiện phi thường, đầy tính anh hùng ca của bộ đội pháo binh, pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” chúng tôi đã cùng bộ đội công binh, bộ binh bạt đồi, xẻ núi, mở các con đường men theo các sườn núi quanh lòng chảo Điện Biên Phủ để pháo binh và pháo cao xạ có thể cơ động chiến đấu.

Ngày 13 tháng 3 năm 1953, đợt 1 chiến dịch bắt đầu, tham gia có hai tiểu đoàn pháo cao xạ 383 và 394. 8 giờ sáng 14 tháng 4 năm 1954, Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383) bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt 1, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 14 máy bay các loại, bắn bị thương 25 chiếc khác.

Để tăng cường lực lượng chiến đấu, tiếp theo các tiểu đoàn 396, 381, 385 và 392 vào Điện Biên chiến đấu đợt 2 và đợt 3, cũng lần lượt rời Tân Dương về nước. Như vậy đến cuối tháng 3 năm 1954, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn pháo cao xạ 367 (sáu tiểu đoàn hỏa lực) đã về nước tham gia chiến đấu: 383, 394, 381, 396 chiến đấu ở Điện Biên Phủ và bảo vệ hậu phương chiến dịch. Hai tiểu đoàn 392, 385 chiến đấu bảo vệ hậu phương chiến lược.

Trong 55 ngày đêm ở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay và bắn bị thương 117 chiếc máy bay khác của thực dân Pháp.

Đã nhiều năm trôi qua, tiếng “hò dô ta” vẫn cứ ngân vang trong lòng tôi. Tôi luôn nhớ về các đồng chí đồng đội, những chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 367…”.

File đính kèm:

Nam Việt (Ghi theo lời kể Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.