Giới thiệu > Chi tiết tin bài

“Kính chào anh, con người đẹp nhất”

17:42 | 06/03/2013

(Bqp.vn) - Trong một dịp tình cờ, chúng tôi đã được nghe Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, kể về người anh hùng mang tên Trần Minh Nghĩa.

Lớp lớp thời gian đã trôi qua, nhưng hình ảnh người anh hùng lưu danh sử sách bằng những chiến công vang dội và trở thành cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu sáng tạo nên “anh Giải phóng quân” trong “Bài ca Xuân 68”, vẫn chợt bừng sáng. Tên anh đang được đề nghị đặt cho một con đường tại thành phố Ninh Bình, nơi anh chôn nhau cắt rốn. Ấy sẽ là một việc làm ý nghĩa để tưởng nhớ về anh, để những thế hệ mai sau mãi khắc ghi hình ảnh anh-"con người đẹp nhất”.

Trần Minh Nghĩa sinh năm 1948 tại Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ tháng 5/1966. Ngày 6/6/1969, Trần Minh Nghĩa hy sinh trên chiến trường phía Nam. Chỉ trong 3 năm, Trần Minh Nghĩa đã lập những chiến công đặc biệt, được phong quân hàm Đại úy.


Anh hùng LLVT nhân dân Trần Minh Nghĩa.

Ngày 12/10/1967, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, được lệnh tấn công vào cao điểm 57 (đồi Phú Ân, An Cát Khê, huyện Gio Linh, Quảng Trị) nhằm tập kích tiêu diệt một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ. Đồng chí Trần Minh Nghĩa là chiến sĩ của Đại đội 11 tham gia trận đánh. Từ khi nhập ngũ, đây là trận đánh đầu tiên của anh và cũng là trận đầu tiên của Trung đoàn 101.

Trận tấn công bắt đầu bằng một khẩu lệnh ngắn gọn: “Xuất kích!”. Trung đội 2 lao đi giữa đội hình của đại đội. Trong đội hình của Trung đội 2 có tổ 2 của Trần Minh Nghĩa. Trần Minh Nghĩa tay xách súng diệt xe tăng như một mũi sắc nhọn lao thẳng vào đội hình địch giữa tiếng gầm rú của pháo ta, pháo địch đang đối nhau kịch liệt. Trời đất chuyển rung, tiếng đạn réo rú loạn xạ. Tiếng thủ pháo liệng vào các ngách chiến hào, các cứ điểm địch nổ đều ở cánh trái, cánh phải. Hỏa mù của địch che kín bằng một màn khói đục. Trần Minh Nghĩa phóng lên phía trước, lao nhanh qua màn khói, không buông lỏng một giây cho địch củng cố lại trận địa phòng ngự. Nam, xạ thủ phụ, lưng với bao đạn diệt tăng vẫn bám sát Nghĩa. Đôi mắt của Nghĩa vướng khói cay xè vẫn mở to ra quan sát. Một khẩu trung liên của địch tuôn đạn cố chốt cản đường. Nghĩa lướt nhanh lên phía trước. Một họng súng đen ngòm của địch nhô ra giữa hai bao cát. Nghĩa mím môi rút nhanh quả thủ pháo vứt tung lên, một tiếng nổ đanh gọn, tiêu diệt 3 tên địch. Tên còn lại tháo chạy, Nam nhảy qua xác 3 tên lính Mỹ, đuổi theo tên còn sống sót...

Trong ánh sáng lờ nhờ, Nghĩa thấy khẩu tiểu liên trong tay tên địch loáng nhoáng, lập tức, anh cầm đạn chống tăng rút mạnh dây châm lửa ném ra phía trước. Tên lính Mỹ bị tiêu diệt. Nam bị vướng đạn, chồm dậy nhưng người anh lặng đi. Nghĩa chạy tới gỡ ba lô đạn trên lưng Nam. Máu Nam thấm qua áo. Nghĩa tháo cuộn băng cá nhân của mình băng vết thương cho Nam và đặt bạn lên lưng. Nghĩa cõng bạn đi, đạn tiểu liên, súng máy của địch bắn lia lịa. Nghĩa nằm ẹp xuống, không thể để cho Nam bị thương lần thứ hai và cũng không muốn để Nam nằm lại sau đội hình quá xa. Nghĩa nhoài người lên, tấm lưng to rộng của Nam như phủ kín lên con người nhỏ bé của Nghĩa. Một sức nặng gần gấp đôi đè lên lưng mỗi lúc như kéo Nghĩa lại. Thế nhưng, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh nghĩa tình đồng đội, Nghĩa vẫn tiếp tục nhoài người lên, mỗi lúc một nhanh hơn. Đã có lúc, Nam tỉnh dậy, muốn buông tay nhưng rồi lại không nỡ. Cái con người nhỏ bé ấy đã nói với Nam bằng một mệnh lệnh thiêng liêng mà Nam không dám cưỡng lại.


Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng gia đình Anh hùng LLVT nhân dân Trần Minh Nghĩa nhà tình nghĩa (tháng 5/2010).

Nghĩa đang cứu Nam thì Nguyễn Văn Nghiêm, tổ trưởng tổ 3, đang lao lên phía trước. Sau này, đồng chí Nghiêm kể lại, anh ném xong quả thủ pháo, nhảy xuống kiểm soát chỗ ẩn nấp của lính Mỹ rồi liếc mắt sang trái thì không thấy Nghĩa nữa. Nghiêm nhớ lại: “Tôi lo lắm, cả Nam không thấy đâu cả, pháo sáng của địch lục đục nổ trên không, từng đợt phun ánh sáng trắng đục ra khắp vùng. Một bóng đen như một mũi tên vọt lên, khẩu trung liên của địch trước mặt. Tôi lia tiểu liên về phía địch, cùng lúc bóng đen cũng lướt qua. Tôi chưa kịp gọi thì Nghĩa đã lên tiếng: “Anh Nghiêm, kiềm chế để tôi lên”. Lợi dụng quả thủ pháo của Nghĩa ném ra, tôi chĩa thẳng họng tiểu liên vào ổ súng máy vừa kéo từng nhịp 3 viên, vừa vọt lên cùng Nghĩa. Lúc này, tôi không còn nhận ra hình ảnh quen thuộc - Nghĩa “con” hằng ngày nữa, khuôn mặt anh nhuộm đen khói thuốc súng, bụi, đất”.

Nghiêm kể tiếp: “Tôi chỉ kịp nâng tiểu liên ngắm vào hỏa điểm thì Nghĩa tiếp cận mục tiêu ngay, tống thủ pháo xuống. Tiếng lính Mỹ la ó, gào thét inh ỏi. Đứa còn sống tháo chạy nháo nhác. Nghĩa đuổi theo sát, ném thủ pháo hết quả này đến quả khác. Một quả cối rơi đánh bộp bên phải, tôi chưa kịp gọi Nghĩa thì người bị hẫng đi. Tôi cố gượng nhưng không sao đứng lên được. Nghĩa quay lui đặt tôi lên lưng, phóng nhanh ra phía trước, đặt tôi xuống sau gò đất để băng bó vết thương. Nghĩa thọc túi quần lấy sợi dây dù thắt ga-rô chèn mạch máu cho tôi. Máu mất nhiều, tôi miên man đi từng lúc. Chợt tỉnh, tôi sực nhớ khẩu tiểu liên đã bắn hết đạn, chưa kịp lắp băng mới. Tôi cố ngẩng đầu lên gọi thì một cảnh tượng vô cùng hùng tráng làm cho người tôi như quên hết cả đau đớn.

Trong ánh lửa, tôi thấy Nghĩa người vươn cao, hơi ngửa về sau, dang đôi cánh tay đập rất mạnh báng súng xuống, nghe đánh cạch, một tiếng khô gọn đến rợn người. Tôi cố định thần nhìn kỹ lên, vút lên nền đồi là bóng Nghĩa cắt hình lên nền trời đỏ rực lửa đạn. Báng súng nâng cao trên đôi tay sẵn sàng quật mạnh, ngực ưỡn ra như một bức tượng lẫm liệt, suy nghĩ mà tôi chưa bao giờ thấy. Bỗng tất cả như dồn lên báng súng, quật mạnh xuống một lần nữa. Sau tiếng cạch thứ hai thì tiếng ú ớ, kêu thét quằn quại cũng im bặt. Tôi sung sướng, xúc động đến nghẹn ngào. Nghĩa “con” dũng cảm quá, biết tùy cơ ứng biến dự kiến cả trường hợp hết đạn, nhanh trí dùng báng súng quật ngã kẻ thù. Tôi cố nhổm dậy, muốn chồm lên ôm chầm lấy Nghĩa, nhưng không sao cất mình lên được. Đúng lúc đó, Nghĩa đã nằm xuống bên tôi, nâng tôi lên lưng. Tôi tỉnh lại thấy mình nằm dưới công sự. Nghĩa đặt vào tay tôi mấy miếng bìa nho nhỏ bọc ni lông mềm mềm. Anh nói: “Đánh giáp mặt càng gần thì lính Mỹ càng toi. Anh mang hai chứng minh thư lính Mỹ bị quật bằng báng súng về cho Ban chỉ huy. Tôi phải chớp thời cơ thọc sâu ngay”.

Dứt lời, Nghĩa nhảy lên khỏi công sự dã chiến của lính Mỹ. Một cảnh tượng hào hùng diễn ra trước mặt Nghĩa. Thủ pháo của Tiểu đội 5, 6 của các trung đội bạn nổ bùm bụp hai cánh đã trùm lên 2/3 quả đồi. Khói thủ pháo cuộn xoáy lan tới đâu, cuốn sạch lính Mỹ đến đó như một cơn lốc kỳ lạ. Nghĩa chạy như bay về phía trước, chiếc thắt lưng đeo súng ngắn vừa tước được tụt xuống chân làm anh suýt lộn nhào. Xốc lại ba lô đạn sau lưng, tay trái kẹp súng diệt tăng, tay phải kẹp tiểu liên, Nghĩa phóng lên, cái thắt lưng lại tụt xuống. Vướng quá, sợ mất thời cơ, Nghĩa đành phải đặt khẩu súng ngắn xuống. Như một con sóc, Nghĩa vọt tới. Địch dồn lại một góc đồi, các cỡ đạn từ lũ lính Mỹ vón cục lại tuôn ra xối xả. Đạn pháo tầm gần, tầm xa của địch từ các vị trí trung tâm bắn tới tấp. Cái giờ phút quyết liệt chính là cái giờ chúng sắp tan rã hoàn toàn. Đạp lên đầu thù xốc tới, tranh thủ đoạt thời cơ, Nghĩa ném thủ pháo vào nơi họng súng địch đang chớp lóa rồi nhảy vọt lên. Phía sau có tiếng người trượt ngã. Nghĩa quay lại: “Bị thương à?” Tiếng Hiền, liên lạc của đại đội đáp lại: “Nghĩa tranh thủ thời cơ tiến lên đi, mình không can gì đâu”.

Một dáng người quen quá lướt qua, trong ánh pháo sáng vừa lóe lên, Nghĩa nhận ra chính trị viên Trường. Anh nói như khẩn khoản: “Anh cho Nghĩa lên bịt đại liên”. Chính trị viên hơi ngập ngừng rồi rút thủ pháo đưa cho Nghĩa. Vòng bên trái, thấp người xuống... trận địa như một chiếc chảo rang, đạn réo sôi, nổ lúp búp. Trước mắt Nghĩa là khẩu đại liên địch đang bắn dữ dội vào đội hình quân ta. Khẩu đại liên bỗng rê về phía Nghĩa. Nghĩa lăn đi mấy vòng rồi nhổm dậy. Chính trị viên Trường nhô cao hẳn lên, lia tiểu liên. Khẩu đại liên địch bất ngờ đổi hướng. Nghĩa tay giật mạnh thủ pháo, dây chạm lửa lóe lên, chớp thời cơ lao lên trong vòng vây của địch. Lắc mạnh một cái, Nghĩa băng băng chạy. Mười thước, bẩy thước, năm thước, quả thủ pháo rơi đúng vào những cái đầu đang chụm lại.

Xung phong! Nghĩa vọt lên, những tên Mỹ nằm lên nhau, mặt trắng bệch. Nghĩa nắm lấy chân súng, kéo tuột khẩu đại liên ra một bên. Nghĩa lấy truyền đơn để vào người lính Mỹ rồi cùng đồng đội phóng như bay lên phía trước, để lại sau lưng một trận địa im lìm với hàng trăm xác lính thủy đánh bộ Mỹ.

Trận đánh trên đồi Phú Ân ấy, Đại đội 11 tiêu diệt gọn 140 tên lính thủy đánh bộ Mỹ. Riêng Trần Minh Nghĩa tiêu diệt được 14 tên. Tiêu diệt 14 tên lính Mỹ chưa phải là nhiều so với nhiều đồng chí khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Song, đối với một chiến sĩ mới đánh trận đầu của một đơn vị vào chiến đấu trận đầu tiên, thì đây là một hành động anh hùng của tư tưởng dám đánh, quyết đánh, đánh đến cùng, dù có phải hy sinh. Từ hành động anh hùng của Trần Minh Nghĩa đã giải quyết tư tưởng không sợ Mỹ trong đơn vị, nhất là đối với các chiến sĩ mới vào trận. Không chỉ tạo ra khí thế quyết tâm đánh Mỹ trong đơn vị, hành động anh hùng của Nghĩa còn phát triển ra toàn mặt trận thời đó, góp phần đặc biệt quan trọng để cổ vũ toàn dân, toàn quân trong phong trào “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thừa thắng xông lên, toàn dân là dũng sĩ, toàn quân là dũng sĩ, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Sau trận đánh anh hùng trên đồi Phú Ân, Trần Minh Nghĩa tiếp tục tham gia chiến đấu ở nhiều trận như: Trận làng Vây (2/1968), trận tập kích tiểu đoàn Mỹ ở Ngọc Hồi, Kon Tum, Đắc Xiêng (6/1968), trận tập kích căn cứ Bà Chiêm ở Dương Minh Châu, Tây Ninh (5/1969)...

Trần Minh Nghĩa đã anh dũng hy sinh trong trận đánh trên trục đường 13 ở Bình Long, Bình Phước vào ngày 6/6/1969. Do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trần Minh Nghĩa được bầu làm Chiến sĩ thi đua Mặt trận B5, Mặt trận B3. Với 21 tuổi đời, 3 năm 1 tháng tuổi quân, đồng chí đã được thăng quân hàm đại úy và chức vụ tiểu đoàn phó. Năm 2010, đồng chí Trần Minh Nghĩa được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

File đính kèm:

Hàn Ngọc Lan (Báo QĐND)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.