Web Content Viewer
ActionsHai danh hiệu Anh hùng, một cuộc đời binh nghiệp
(Bqp.vn) - “... Trong kháng chiến, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Sang là một tấm gương kiên trung, dũng cảm, quyết chiến và quyết thắng kẻ thù trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; cho dù mình bất lợi về vũ khí, trang thiết bị... Hành động quả cảm đó của người lính Cụ Hồ Nguyễn Xuân Sang đã để lại những ấn tượng và bài học sâu sắc trong quân đội ta.
Trang bìa tập truyện ký “Vị tướng hai danh hiệu Anh hùng”.
Khi hòa bình lập lại, trưởng thành từ người lính qua các trọng trách được giao, Anh hùng Lao động - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã thể hiện và luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, người lính của đội quân công tác, đội quân lao động. Chịu trách nhiệm chính về tổ chức con người, bộ máy và đường hướng phát triển của cả một binh đoàn trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Sang đã quy tụ được lòng người, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất và có những quyết sách kịp thời để Binh đoàn 15 vừa làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa giữ vững an ninh - quốc phòng; xây dựng tình đoàn kết, hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng Lào và Cam-pu-chia...”.
Trên đây là trích lời tựa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mở đầu tập truyện ký “Vị tướng hai danh hiệu Anh hùng”, do NXB Thông tấn xã Việt Nam xuất bản và phát hành cuối tháng 3/2013. Đây là ấn phẩm thuộc dự án “Tủ sách chân dung tài trí Việt Nam” do Trung tâm thông tin truyền thông vì môi trường phát triển thực hiện.
Với những tác giả chuyên nghiệp thì viết về một nhân vật như Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang là rất khó, bởi: Phải viết sao cho đúng tầm vóc một vị tướng đã hai lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng? Phải viết sao để không trùng lặp với rất nhiều những trang viết của các đồng nghiệp đã kể về ông? Phải viết sao để thông qua đó tôn vinh thành tích của một tập thể Anh hùng - một Binh đoàn Xanh trên cao nguyên đỏ? Và nữa: Nhân vật là một người khiêm tốn, rất ít khi nói về mình và là người luôn chìm ngập trong công việc, rất ít thời gian rỗi...
Khắc phục những khó khăn, trở ngại trên đây, nhà thơ - nhà báo Đoàn Mạnh Phương, tác giả tập truyện ký này đã có một lối đi riêng khá... đắc dụng. Anh chia sẻ trong “Lời vào sách” rằng: “Trong cuốn sách này, bằng những mảnh ghép của ký ức và hơi thở của thực tại, tôi muốn chuyển tới bạn đọc chuyện kể về chân dung người Anh hùng bằng tất cả sự chân thực, từ sự bình dị khiêm nhường của người trong cuộc, của nhân vật trung tâm để đem đến cho bạn đọc một câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đời một con người... Những mảnh ghép từ hai chiều thời gian để hình thành nên câu chuyện này, chúng tôi đã nhận được sự cộng hưởng từ những người đồng đội, bạn bè và người thân của ông. Sự cộng hưởng ấy đã lan tỏa, đã thấm sâu vào trong tôi những cảm xúc, những hội tụ ấm áp... Và tôi coi đó là những mảng màu đa sắc, những cộng hưởng quý giá giúp tôi viết nên những trang sách này để gửi tới bạn đọc...”.
Cùng với những “cộng hưởng” quý giá trên đây, Đoàn Mạnh Phương còn có lối dẫn chuyện của một nhà thơ chuyên nghiệp, từng đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội và Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Chất thơ ấy không thể hiện qua một giọng văn nhuần nhị truyền cảm, mà còn qua từng khổ thơ mở đầu mỗi chương mục, vừa tạo thêm một sự “cộng hưởng” nữa giữa tác giả và người đọc, vừa như một sự khái quát nội dung của chương mục ấy để người đọc dễ hình dung và tiếp nhận. Theo đó, mặc dù tác giả không ghi tên từng chương mục, nhưng phần chính của cuốn truyện ký gồm 4 “chương” như sau:
“Chương 1”: Nảy mầm từ trong cát trắng/ Tuổi thơ nặng trĩu tình quê/ Tháng năm thương cha nhớ mẹ/ Quê hương tỏa bóng đi về... Phần này kể về tuổi thơ lam lũ của Nguyễn Xuân Sang trên quê hương “chang chang cồn cát” Lệ Thủy, Quảng Bình. Mồ côi mẹ mới lúc mới 3 tuổi, trong khi cha đi dân công hỏa tuyến đánh Tây, lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của bà con làng xóm... Đáp đền công ơn ấy, Sang là một người con ngoan, trò giỏi, có thời kỳ phải cõng sách vở muối mè vượt rừng núi đi học cấp 3 sơ tán xa nhà...
“Chương 2”: Lửa cháy một thời để nhớ/ Đồng đội và tháng năm xưa/ Chuyện kể rộng dài tuổi trẻ/ Ngàn trang dầu dãi nắng mưa... là phần kể về những năm tháng Nguyễn Xuân Sang chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên; đặc biệt tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Chính nơi đây ông đã thể hiện rõ phẩm chất người Anh hùng để sau này được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, tỉnh Gia Lai và Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (người đứng giữa) gặp gỡ các đại biểu về dự cuộc Giao lưu nghệ thuật “Như cây một gốc, như con một nhà” lần thứ II tổ chức tại Binh đoàn 15, tháng 12/2011. (ảnh do tác giả Đoàn Mạnh Phương cung cấp)
“Chương 3”: Chiến trường xưa là người lính/ Hòa bình vẫn màu áo xanh/ Tay súng bên tay cày cuốc/ phủ xanh lên các buôn làng... kể về giai đoạn sau năm 1975, Nguyễn Xuân Sang được biên chế về làm một sư đoàn xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Năm 1985, Binh đoàn 15 được thành lập, ông về quê đưa vợ con vào cùng gắn bó với núi rừng Tây Nguyên, từng bước trưởng thành cùng sự lớn mạnh của binh đoàn...
“Chương 4”: Vẻ vang chiến công thầm lặng/ Xanh màu binh nghiệp thủy chung/ Cùng Binh đoàn Xanh phủ sáng/ Bản lĩnh tháng năm anh hùng... là giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2012, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang trên cương vị Tư lệnh đã cùng tập thể lãnh đạo và chỉ huy Binh đoàn 15 tiếp tục phát triển kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng-an ninh bằng những mô hình sáng tạo, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận với những phần thưởng và danh hiệu cao quý.
Ngoài 4 “chương” chủ yếu trên đây, tập truyện ký còn có phần “Vĩ thanh” kể những chuyện “đời thường” của “Vị tướng hai danh hiệu Anh hùng”. Đó là những tình cảm và nghĩa cử của ông và gia đình dành cho quê hương, người thân, bè bạn... và nhất là với những đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa. Tập sách còn có nhiều bức ảnh ghi lại nhiều khoảnh khắc và sự kiện quan trọng, gắn liền với lịch sử phát triển của Binh đoàn 15 và những chặng đời của cá nhân Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang. Nhờ vậy những trang viết về ông và binh đoàn càng thêm hấp dẫn, sinh động và chân thực.
Những trang mở đầu tập sách, cùng với lời tựa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hơn 1 trang viết của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đánh giá về một cán bộ cấp dưới trực tiếp nhiều năm của Đại tướng, với lời kết: “Cùng với những nỗ lực của toàn quân, những kinh nghiệm tốt được đúc kết qua thực tiễn của mô hình phát triển kinh tế - quốc phòng ở Binh đoàn 15; cũng như những tư duy sáng tạo, phẩm chất tốt đẹp của tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mà tiêu biểu là đồng chí Tư lệnh Nguyễn Xuân Sang, đã và sẽ góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng quân đội ta là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất” ngày càng lớn mạnh, như lời Bác Hồ đã dạy”.
File đính kèm:
Nội dung cùng chuyên mục
- Phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho các tập thể, cá nhân trong lực lượng công an
- Chủ tịch nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
- Hai danh hiệu Anh hùng, một cuộc đời binh nghiệp
- Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Dũng cảm kiên cường “Dũng sĩ Đồi Xanh”
- “Kính chào anh, con người đẹp nhất”