Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Bác Hồ đặt tên cho Quân chủng Phòng không - Không quân

22:47 | 30/06/2013

(Bqp.vn) - Đầu những năm sáu mươi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân miền Nam đã đồng loạt nổi dậy chống lại Mỹ, ngụy tạo thành Phong trào Đồng khởi trên quy mô rộng lớn khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ. Sau đó, Phong trào phát triển từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công đã giáng một đòn nặng nề vào những chính sách của Mỹ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, tăng cường các hoạt động do thám, tung biệt kích nhằm phá hoại miền Bắc, ngăn chặn sự viện trợ, chi viện của miền Bắc cho miền Nam.


Bác Hồ biểu dương và chúc Tết đại biểu ưu tú Bộ đội Phòng không - Không quân, sáng mồng Một Tết Kỷ Dậu - 1969.

Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng trên miền Bắc. Lúc này, tôi đang là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không. Ngày 19 tháng 4 năm 1963, tôi nhận được Chỉ thị của đồng chí Văn Tiến Dũng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương về vấn đề chấn chỉnh tổ chức. Trong Chỉ thị nêu rõ: “trong kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, có một số vấn đề nghiên cứu giải quyết để tăng cường công tác phòng thủ, hợp lý hóa tổ chức và tiết kiệm quân số, Thường trực Quân ủy giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Phòng không cùng Đảng ủy Cục Không quân nghiên cứu vấn đề hợp nhất quân chủng...”. Đồng chí Văn Tiến Dũng còn giao nhiệm vụ cho hai Đảng ủy phải nghiên cứu thu thập ý kiến diện hẹp trước ngày 30 tháng 4 năm 1963. Ngày 29 tháng 4 năm 1963, tôi đã cho tổ chức hội nghị đề bàn bạc, đóng góp ý kiến ba vấn đề:

Có nên hợp nhất không? Hợp nhất thì thuận lợi, khó khăn gì? Hợp nhất thì tổ chức như thế nào? Rất nhiều ý kiến đóng góp, nhưng mọi người đều thấy việc hợp nhất là hợp lý. Ngày 10 tháng 6 năm 1963, tôi chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không và lãnh đạo chỉ huy Cục Không quân cùng đại diện các ban ngành chính trị, tham mưu, hậu cần của hai bên. Chúng tôi đã đi đến thống nhất hợp nhất là hoàn toàn đúng vì những lý do sau:

Trước hết hợp nhất là để tạo cho việc hợp đồng, sử dụng và chỉ huy đơn vị, do đặc điểm tình hình nước ta nhỏ, hẹp; lực lượng Phòng không và Không quân của chúng ta có hạn nên không thể phân chia rạch ròi giữa phòng không tiền tuyến, phòng không hậu phương. Hơn nữa hợp nhất lại có thể sử dụng chung một số trang bị...

Hợp nhất lại sẽ rất thuận lợi cho việc chỉ huy hiệp đồng giữa các lực lượng Phòng không và Không quân, thuận tiện cho việc quản lý vùng trời.

Điểm cuối cùng, hợp nhất lại sẽ giảm được quân số đáng kể trên khối cơ quan.

Đồng chí Đặng Tính lúc đó là Cục trưởng Cục Không quân có đưa ra phương án tổ chức khi hợp nhất. Phương án bên không quân có nhiều điểm hợp lý, nhưng cũng có những vấn đề còn phải bàn như: Chỉ có một cơ quan tác chiến, một cơ quan huấn luyện liệu có đảm nhận được không? Vấn đề quản lý và xây dựng sân bay nên để ở hậu cần hay để tham mưu? Còn phương án của Bộ Tư lệnh Phòng không do tôi trình bày, Hội nghị cũng có nhiều ý kiến về phương án này như: có nhiều cơ quan tác huấn quá; cơ quan nghiên cứu, bộ phận kỹ thuật nên chăng đưa về Cục Kỹ thuật; bộ phận nghiên cứu khoa học quân sự nên đưa về các phòng tác huấn... Chúng tôi làm việc nguyên một ngày để đi đến thống nhất về biên chế, tổ chức. Riêng về tên gọi lúc đó rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng kết luận có thể đặt hai tên đó là: Quân chủng Phòng không quân hoặc Quân chủng Không quân.

Tại hội nghị này chúng tôi cũng thành lập ra Ban Nghiên cứu hợp nhất. Tôi là Trưởng ban, đồng chí Đặng Tính là Phó ban cùng các thành viên các ban, ngành hai bên. Chúng tôi đề ra chương trình công tác có ba bước. Trước hết hai bên thống nhất chủ trương, rồi tiến hành công tác tổ chức biên chế, sau đó giải quyết các vấn đề chính sách...

Trong quá trình nghiên cứu, có nhiều ý kiến khác nhau về tên của quân chủng. Có ý kiến đề nghị đặt tên là quân chủng “Phòng không quân”, có ý kiến lại đề nghị nên đặt tên là quân chủng “Không quân - Phòng không”. Chúng tôi có gửi lên trên các ý kiến để Quân ủy Trung ương xem xét. Quân ủy Trung ương trình Bác Hồ xem xét và Bác đã quyết định tên quân chủng là Quân chủng Phòng không - Không quân. Bác có thêm vào giữa tên hai lực lượng một dấu gạch ngang. Có một lần tôi và đồng chí Đặng Tính được gặp Bác Hồ, Bác có nói vui với chúng tôi, đại ý: “Bác không bênh chú Tài đâu, mà để tên Quân chủng như vậy đọc nó thuận hơn, Bác đã để gạch ngang ở giữa như vậy là có ý coi hai lực lượng đều quan trọng như nhau”.

Sau này, do yêu cầu nhiệm vụ Quân chủng Phòng không - Không quân được tách ra thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Đến khi hợp nhất lại hai quân chủng, có nhiều ý kiến về tên của Quân chủng. Có ý kiến muốn học tập một số nước lấy tên là Quân chủng Không quân - Phòng không. Tôi đã trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà đề nghị để nguyên tên Quân chủng như tên Bác Hồ đã đặt cho, đó là Quân chủng Phòng không - Không quân.

Đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in những ngày mới thành lập. Chúng tôi đã đoàn kết bên nhau, bỏ qua những vấn đề còn chưa thật sự hiểu nhau để hướng tới hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao cho, đó là bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

File đính kèm:

Đoàn Hoài Trung (ghi theo lời kể của Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh đầu tiên Quân chủng Phòng không - Không quân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.