Web Content Viewer
ActionsNghệ thuật quân sự thời cận đại
(Bqp.vn) - Thời kỳ hình thành chủ nghĩa tư bản, ở châu Âu do cách tuyển mộ lính đánh thuê nên không thể tổ chức những đội quân đông người. Tinh thần chiến đấu thấp của binh lính cũng không cho phép thực hiện chiến lược quân sự có tính kiên quyết và tích cực.
Chiến lược
Mục đích và đối tượng của hành động chiến lược không phải là quân đội đối phương mà là lãnh thổ của nó. Kết quả cao nhất của chiến lược là chiếm được nhiều lãnh thổ đối phương mà không cần phải có hội chiến quyết định. Đó là “chiến lược cơ động” nhằm uy hiếp hai bên sườn địch và các trục giao thông của địch, buộc đối phương phải rút lui để chiếm đất. Bên phòng thủ, muốn bảo vệ lãnh thổ của mình phải xây dựng những pháo đài vững chắc, các đồn lũy biên phòng kiên cố nhằm “bịt” tất cả các hướng và kiểm soát các ngả đường mà đối phương có thể dùng để tiến quân, không cho địch lọt vào tuyến sau của hệ thống pháo đài, đồn lũy. Hệ thống phòng ngự thụ động như vậy gọi là hệ thống đóng quân theo tuyến, hay “chiến lược ngăn phòng”.
Đến cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhân dân Pháp đã thành lập quân đội cách mạng mới và phương pháp tiến hành chiến tranh mới. Những nét cơ bản của chiến lược mới là: tiến công kiên quyết nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang đôi địch để đạt mục đích chiến tranh, mạnh dạn cơ động thần tốc bất ngờ và tập trung lực lượng giáng đòn tiêu diệt như một số hội chiến do Napôlêông chỉ huy. Chiến lược của quân đội cách mạng Pháp dựa trên tư tưởng giải quyết kết cục của chiến tranh trong một trận tổng hội chiến. Trong các cuộc chiến tranh chống Áo, Phổ và liên minh phong kiến châu Âu, quân Pháp đã giành được những chiến thắng lớn lao. Nhưng từ đầu thế kỷ XIX, chính sách của Napôlêông đã thay đổi, theo đuổi mục đích xâm lược nô dịch các dân tộc, nên chiến lược của họ mang tính chất phiêu lưu.
Trong cuộc chiến tranh Nga – Pháp (1812), Kutudốp đã thay thế một trận tổng hội chiến bằng việc áp dụng các hình thức tác chiến chiến lược khác nhau: tiêu hao địch trong quá trình rút lui, phòng ngự ngoan cường trên các tuyến có lợi, phản công, truy kích chiến lược... Điều đó phù hợp với điều kiện lực lượng địch có ưu thế và quân đội đã có số lượng lớn.
Để chống lại đạo quân xâm lược của Napôlêông, nhân dân Tây Ban Nha đã tiến hành chiến tranh du kích trường kỳ (1805 - 1812) làm tiêu hao sinh lực, mòn mỏi ý chí của địch, buộc đối phương phải rút quân.
Vào giữa và nửa cuối thế kỷ XIX, chiến lược ngày càng được phát triển do có các đường xe lửa đảm bảo điều động lực lượng, triển khai chiến lược nhanh và tạo thuận lợi sử dụng lực lượng dự bị tập trung. Máy điện tín cho phép thông tin liên lạc chỉ huy, hiệp đồng nhanh, kịp thời. Các hoạt động tác chiến mở rộng dưới hình thức một loạt các trận chiến đấu diễn ra trên khoảng không gian rộng của từng hướng chiến trường (chiến lược), theo chính diện trận tuyến và cả trong chiêu sâu - mầm mống của chiến dịch đã xuất hiện.
Chiến thuật
Sự phát triển của chiến thuật gắn liền chặt chẽ với những biến đổi trong phương pháp tuyển mộ và huấn luyện quân đội, gắn liền với sự cải tiến vũ khí và sự phát triển của chiến lược.
Ở các quân đội Tây Âu, gắn liền với “chiến lược cơ động”, “chiến lược ngăn phòng” là “chiến thuật thành tuyến”. Nó được dùng làm phương pháp chủ đạo trong mọi trận đánh và được duy trì mãi đến tận cuộc cách mạng tư sản Pháp thắng lợi. Trong một loạt trận chiến đấu, quân Phổ đã đánh thắng đối phương của mình mà hội chiến Lêuthen, Rôsbách là nổi bật.
Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ (1775 - 1783) đã ra đời một chiến thuật mới gọi là “khối kết hợp phân tán”. Cơ sở của đội hình chiến đấu là bộ binh được tổ chức thành 2 - 3 tuyến tiểu đoàn hàng dọc, phía trước là các tiểu đoàn bộ binh nhẹ theo đội hình giãn thưa đế xạ kích vào đội hình địch; sau khi pháo binh bắn mật tập thì lực lượng chủ yếu là các tuyến tiểu đoàn hàng dọc xông lên đánh giáp lá cà và dùng kỵ binh để phát triển. Khi chiến đấu phòng ngự thì dùng hỏa lực pháo binh và súng bộ binh gây cho địch tổn thất cao nhất, kết hợp với các loại vật cản để tiêu hao ngăn chặn địch và đánh bại địch bằng đánh giáp lá cà.
Đến cuộc chiến tranh cách mạng Pháp, nhân dân Pháp và Napôlêông I đã phát triển chiến thuật “khối kết hợp phân tán” lên mức cao. Nâng cao tính kiên quyết, tạo ưu thế lực lượng ở đoạn đã chọn, cơ động, táo bạo và sâu, tổ chức lực lượng dự bị mạnh, sử dụng pháo binh tập trung, giỏi tạo bất ngờ.
Các cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1870 - 1871) và chiến tranh Nga - Thổ (1877 - 1878) đã kết liễu đội hình khối bởi tổn thất nặng nề của nó. Để tự vệ và chiến thắng, các chiến binh buộc phải tự động tản ra lợi dụng địa hình, địa vật để tiếp cận địch theo kiểu chạy - nằm - chạy vừa vận động, vừa xạ kích. Pháo binh bố trí ở phía sau bắn qua đầu bộ binh để chi viện. Bộ binh tiến đến gần địch thì thực hành xung phong đồng loạt vừa bắn vừa đột kích, kỵ binh vu hồi tiến công bất ngờ vào sườn và sau lưng địch rồi truy kích.
Trận chiến đấu phòng ngự cũng có nhiều biến đổi, đặc biệt là sự phát triển các yếu tố phòng ngự dã chiến. Ngoài các vật cản, ụ đất, các lôcốt, công sự dã chiến của bộ đội tuyến I còn phải đào các mạng chiến hào, hầm hố công sự cho các lực lượng dự bị, vũ khí hỏa lực... sử dụng rộng rãi các tuyến có lợi cho việc tổ chức phòng ngự. Vai trò của công binh được đề cao trong mọi hình thức chiến đấu.