Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Nghệ thuật quân sự thời cổ đại

14:57 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Thời cổ đại có nhiều cuộc chiến tranh, kéo dài. Cùng với việc xuất hiện chiến tranh, trên thực tế cũng đã nảy sinh nghệ thuật quân sự. Trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài đã dần dần tổng kết, khái quát thành lý luận về chiến lược quân sự. Đây là lĩnh vực cao nhất của nghệ thuật quân sự, bao gồm cả việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nói chung, chiến lược và chiến thuật nói riêng.

1. Chiến lược

Xuất phát từ những mục đích chính trị và tính toán đến tiềm lực của đất nước, nhiệm vụ cơ bản của chiến lược là: chuẩn bị lực lượng vũ trang, nghiên cứu đối phương, tổ chức các cuộc hành binh, xác định các phương thức tiến hành, các trận hội chiến quyết định.

Cùng với sự phát triển kinh tế, các nhà nước cổ đại được mở rộng hơn, số quân tăng lên, quy mô các hoạt động quân sự và thời gian các cuộc chiến tranh cũng tăng lên. Chiến lược phải giải quyết những nhiệm vụ mới liên quan đến việc trù hoạch và chuẩn bị sẵn trước khi gây chiến tranh như về số quân tham chiến, lương thực - thực phẩm, vũ khí... việc lựa chọn địa điểm và thời điểm hội chiến, xác định các đường tiến quân, các nơi chính để đột kích, các thủ đoạn hoạt động và chỉ đạo bộ đội.

Từ thế kỷ V trước công nguyên, nhiều Nhà nước cổ đại đã có nguồn nhân lực, vật lực như Ba Tư, Maxêđoan, Cáctagiơ, LaMã, Trung Quốc... cho phép thành lập quân đội đông tới 4 - 5 vạn, thậm chí vài chục vạn người và thủy quân có vài trăm chiến thuyền . Quy mô các hoạt động quân sự mở rộng cả không gian và thời gian. Trong các cuộc chiến tranh như vậy phải nghiên cứu kỹ đối phương, tính toán nguồn nhân lực và phương tiện cần thiết, đề ra các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hậu phương, bảo đảm an ninh các đường giao thông kéo dài. Quá trình tiến hành chiến tranh xuất hiện các phương thức và hình thức tác chiến mới như: bất ngờ thọc sâu vào đất nước đối phương, vây hãm và công thành; thực hành phong tỏa đường biển, cửa biển, đánh vào các đường giao thông, tiến hành các trận thủy chiến.

Việc tạo cớ phát động chiến tranh, lôi kéo liên minh, chia rẽ cô lập làm suy yếu đối phương... cũng được vận dụng, thể hiện rõ ở cuôi thời chiến quốc của Trung Quốc. Đến nửa cuối thế kỷ IV trước công nguyên, chiến tranh bước vào giai đoạn quyết định giữa liên minh 6 nước chống Tần, Tần Thủy Hoàng đã kết hợp đấu tranh quân sự với ngoại giao xảo quyệt, một mặt phá vỡ liên minh 6 nước, xúi giục họ đánh lẫn nhau, lôi kéo các nước ở xa đánh các nước ở gần và mở những cuộc tiên công quyết liệt, đẫm máu, cuối cùng tiêu diệt 6 nước, thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước công nguyên.

Nhiều dân tộc tiến hành chiến tranh chính nghĩa tự vệ như người Sythơ chống quân đội BaTư, các dân tộc Tây Á chống quân đội La Mã, Âu Lạc chống Tần đã vận dụng phương thức tác chiến du kích lâu dài, một phương thức tác chiến chiến lược để làm chuyển hóa dần lực lượng và khi tạo được thời cơ, chuyển sang phản công giành thắng lợi quyết định.

Thời cổ đại cũng đã đặt ra và giải quyết vấn đế bảo đảm an toàn cho đất nước mình và củng cố các vùng trọng yếu trên lãnh thổ đã đánh chiếm được. Chiến trường được chuẩn bị sẵn trước, xây dựng các tuyến phòng thủ mạnh trên biên giới quốc gia như Trung Quốc có Vạn lý trường thành, Rome đã xây dựng "Tuyến  lũy La Mã" trên lãnh thổ của đế quốc, Việt Nam có thành cổ Loa...

2. Chiến thuật

Chiến thuật, theo nghĩa ban đầu là bày binh bố trận và tiến hành giao chiến. Theo sự tăng thêm về số lượng, chất lượng quân đội, cải tiến vũ khí và tích lũy kinh nghiệm chỉ huy, các phương pháp chuẩn bị và tiến hành trận đánh của các quân đội cổ đại đã hình thành, phát triển.

Thời cổ đại, vũ khí sát thương là bạch khí, uy lực chủ yếu dựa vào sức cơ bắp của người và vật. Trận đánh được giải quyết bằng cuộc giáp chiến (đánh giáp lá cà) là chính. Muốn tạo ra sức mạnh phải khéo tổ chức, sắp xếp đội hình chiến đấu tạo ra sức mạnh tập thể để tiến công mạnh, phòng ngự vững. Do vậy, chiến thuật phát triển từ những cách sắp xếp bộ đội rất đơn giản và xung trận chính diện giữa hai bên nên các đội hình chiến đấu phức tạp hơn việc cơ động đội hình chiến đấu trên chiến địa. Ở những nước phương Đông cổ đại (Ai Cập, Trung Quốc, Ba Tư...), từ thiên niên kỷ 11 trước công nguyên, đã có những hình thức dàn trận đơn giản, các phương pháp cơ động; các khối quân đã tổ chức những đơn vị tiền vệ, các đội bảo vệ sườn và phía sau. Mở đầu trận đánh thường cho các đội xung kích hoặc xe chiến lao lên trước đánh lạc hướng hoặc làm dao động đội hình đối phương. Màn quyết định của trận đánh là cuộc giáp chiến của lực lượng chủ yếu - bộ binh trang bị gươm, giáo. Kỵ binh được sử dụng truy kích kết thúc trận đánh. Chỉ huy trận đánh bằng khẩu lệnh hoặc các tín hiệu nghe, nhìn (cờ, kèn, trống, chiêng, ánh lửa...). Một số quân đội đã chú ý đến tiếp cận bí mật, công kích bất ngờ, lập thế, nghi binh lừa địch, vận dụng cách đánh độc lập của lính cung nỏ cũng như phối hợp giữa lính cung nỏ, bộ binh gươm giáo với kỵ binh; kết hợp phòng ngự với tiến công.

Trong quân đội các quốc gia Hy Lạp cổ đại (Aten, Xpáctơ, Maxêđoan...), khi chiến đấu đội hình xiết chặt dày đặc thành một khối của bộ binh nặng có chiều sâu từ 8 - 16 hàng, có khi tới 25 hàng. Các chiến binh chĩa giáo về phía trước và che kín toàn bộ chính diện bằng dãy khiên mộc của mình. Nó như một bức tường dày tiến lên công kích đối phương từ chính diện hoặc đứng vững đẩy lùi công kích của đối phương.

Quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài, người Hy Lạp tổ chức ra bộ binh hạng trung, vừa có khả năng công kích vừa có thể phân thành đội lẻ cơ động trên địa hình phức tạp để tập trung tại điểm quyết định.

Nửa sau thế kỷ IV trước công nguyên, Alếchxăngđơ, vua xứ Maxêđoan, đã phát triển chiến thuật lên mức cao thể hiện trong trận quyết định diệt quân Ba Tư ở Gapgamen năm 331 trước công nguyên. Trong trận đánh này, Alếchxăngđơ đã tập trung bộ binh và kỵ binh trang bị vũ khí hạng trung ở một bên sườn để tạo thành lực lượng đột kích mạnh. Sau khi kiềm chế đối phường ở chính diện, ông sử dụng lực lượng này cơ động giáng đòn quyết định vào bên sườn quân Ba Tư và giành thắng lợi. Ông cũng là người đầu tiên có tư tưởng dùng lực lượng dự bị. Như vậy, nguyên tắc phân bố lực lượng không đồng đều đã được phát triển và được bổ sung bằng cách cơ động, mạnh bạo.

Chiến thuật của quân đội La Mã có những thay đổi mới vào thế kỷ I trước công nguyên, đội hình chiến đấu triển khai thành 3 tuyến, tuyến 3 được sử dụng như lực lượng dự bị. Xêda đã vận dụng thành công trong trận Phácsan (năm 48 trước công nguyên) khi ông chỉ có 2,2 vạn quân nhưng đã đánh tan 4,5 vạn quân của Bombay.

Ở phương Đông, chiến thuật phát triển theo hướng sắp xếp thế trận (bày trận) và phương pháp cơ động lực lượng chuyển hóa thế trận (trận pháp) nhằm tạo ra thế đánh có lợi trước đối phương. Điển hình cho chiến thuật của các nước ở phương Đông cổ đại là Trung Quốc. Đội hình chiến thuật cơ bản của họ là "đội hình bát quái" và từ đội hình cơ bản này được cơ động chuyển hóa thành các thế trận mới tùy theo địa hình và đôi phương mà người chỉ huy điều khiển trận pháp. Trong nhiều trận đánh đã phản ánh chiến thuật của Trung Quốc hồi đó rất chú trọng đến lập thế, tạo thời, mưu mẹo, nghi binh lừa lọc.

Trong thủy quân, chiến thuật của trận đánh là sử dụng thuyền có mái chèo dàn thành hàng đánh đổ vỗ mặt. Thủ đoạn chiến đấu cơ bản là áp mạn công kích, bắn chất cháy sang đốt thuyền hoặc đâm phá thuyền đối phương.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.