Web Content Viewer
ActionsNghệ thuật quân sự trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945)
(Bqp.vn) - Đặc điểm chung của nghệ thuật quân sự trong chiến tranh thế giới lần thứ hai là sự phát triển theo hướng tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, quân chủng với quy mô rất lớn, cơ giới hóa phát triển nhanh. Sự phát triển các lực lượng vũ trang và uy lực của binh khí, kỹ thuật, dẫn đến phương pháp mới triển khai chiến lược lực lượng vũ trang, khác với các cuộc chiến tranh đã qua.
1. Chiến lược
Quá trình chiến tranh, đặc biệt là ở thời kỳ đầu, Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề phòng ngự chiến lược trong điều kiện tình thế rất bất lợi - tuyến phòng thủ của các quân khu biên giới bị vỡ nhanh, địch có ưu thế, lại nắm quyền khống chế trên không.
Nhưng quân đội Xô viết đã dần dần ổn định được tình hình. Mùa hè năm 1941 - 1942, Hồng quân đã chặn được các cuộc tiến công ồ ạt và mạnh mẽ ban đầu của địch, làm suy yếu lực lượng của chúng, giữ vững được các mục tiêu trọng yếu, tạo điều kiện để chuyển sang phản công. Từ năm 1943, việc phòng ngự chiến lược dựa trên cơ sở có chủ định và chuẩn bị trước nhằm tiêu hao, làm tê liệt sức mạnh của địch và chủ động chuyển sang phản công, tiến công (như ở Cuốcxcơ).
Trong các điều kiện và tình huống rất khó khăn phức tạp, quân đội Xô viết đã tổ chức và tiến hành thắng lợi những cuộc phản công chiến lược ở Mátxcơva, Xtalingrát, Cuốcxcơ, giành lại từng bước và sau đó đã giành lại quyền chủ động hoàn toàn về chiến lược, chuyển sang tổng tiến công.
Khi đã nắm được quyền chủ động hoàn toàn vê chiến lược, Hồng quân đã tổ chức và tiến hành thắng lợi những cuộc tiến công chiến lược có quy mô rất . Tiến công chiến lược được tiến hành trong các trường hợp so sánh lực lượng rất khác nhau của quá trình chiến tranh và phương pháp tiến hành cũng rất đa dạng. Lúc đầu tiến công chiến lược được thực hiện liên tiếp, xong chiến dịch này mở tiếp chiến dịch khác. Ở thời kỳ cuối, Quân đội Xô Viết có thể đồng thời tiến công chiến lược trên toàn mặt trận Xô - Đức.
Để bảo đảm mọi mặt cho cuộc chiến tranh, Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng hậu phương, xây dựng và sử dụng các đội dự bị chiến lược, cung cấp cho chiến trường những lực lượng và phương tiện ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, thực hiện càng đánh càng mạnh. Phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp ở vùng sau lưng địch, góp phần tiêu hao và kìm chân các lực lượng tiến công địch. Chiến tranh du kích có vai trò ngày càng quan trọng.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang các nước tư bản chủ nghĩa cũng có sự thay đổi, phát triển , trong đó có chiến lược quân sự.
Chiến lược quân sự của nước Đức phát xít phản ánh tham vọng xâm lược quá, không tính toán đầy đủ lực lượng của mình và của đối phương, nên mang tính chất phiêu lưu. Tiến công chiến lược bị thất bại, phòng ngự chiến lược cũng bị thất bại, cuối cùng rút lui chiến lược cũng không cứu vãn được nước Đức khỏi bị thất bại hoàn toàn.
Chiến lược quân sự của các nước Mỹ, Anh... cũng có bước phát triển mới, thể hiện trong các cuộc tiến công ở Bắc Phi, Ý, Tây Âu và đặc biệt là nghệ thuật tổ chức và thực hành những cuộc đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không chiến lược ở Noócmăngđi, ở Thái Bình Dương. Song cũng cần nhận rõ rằng những quan điểm hạn chế về chiến lược của Anh, Mỹ còn thể hiện tính chờ thời. Không phải do mục đích quân sự chi phối mà do các mục đích chính trị, tham vọng làm suy yếu Liên Xô.
Chiến lược quân sự của Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương là tiêu diệt các căn cứ hải quân, không quân của quân đồng minh, giành thế chủ động chiến lược trên biển. Trên bộ, Nhật đưa quân tiến công và chiếm đóng nhiều nước. Song do khả năng có hạn, lại phải rải quân trên khu vực rộng, nên chiến lược quân sự của Nhật cuối cùng đã bị phá sản, không đạt được mục đích đề ra.
2. Chiến dịch
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nghệ thuật chiến dịch Xô viết phát triển mạnh ở cả hai hình thức: tiến công (loại hình đặc biệt là phản công) và phòng ngự, với các loại hình chiến, dịch hiệp đồng quân binh quân chủng và các chiến dịch độc lập của từng quân chủng.
Về phương pháp tác chiến chiến dịch tiến công, thời kỳ đầu chiến tranh thực hiện bằng cách tiến hành một số đòn đột kích cấp tập đoàn quân trên các hướng cách biệt nhau (cuộc phản công ở Mátxcơva), hay đột phá bằng lực lượng của một phương diện quân thực hiện trên một số hướng với lực lượng và phương tiện hạn chế làm cho kết quả chiến dịch đạt thấp.
Ở giai đoạn cuối chiến tranh, phổ biến là đột kích chính diện ở ngay trung tâm, trên một hoặc cả hai bên sườn, rồi phát triển tiến công nhằm bao vây và tiêu diệt một bộ phận địch bằng lực lượng của một phương diện quân.
Nghệ thuật chọn hướng trong các chiến dịch tiến công (phản công) thường được chọn đánh vào những chỗ yếu trong phòng ngự của địch, nới địa hình cho phép bố trí, sử dụng có hiệu quả nhất là binh chủng, trước hết là xe tăng.
Nghệ thuật sử dụng lực lượng thể hiện ở việc tập trung lực lượng và phướng tiện trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch.
Chiến dịch tiến công (phản công) của quân đội Xô viết đã giải quyết thành công nhiệm vụ đột phá khu phòng ngự chiến thuật của địch, cơ động lực lượng vào bên trong, thực hiện bao vây vu hồi chiến dịch quân địch, có chiến dịch còn thực hiện bao vây địch thành nhiều vòng (vòng trong, vòng ngoài), chia cắt và tiêu diệt quân địch bị bao vây.
Truy kích chiến dịch là một trong những kinh nghiệm của chiến dịch tiến công (phản công). Sau khi đột phá khu phòng ngự chiến thuật hoặc phát hiện địch có ý định rút lui, các phương diện quân (tập đoàn quân) nắm thời cơ chuyển sang truy kích. Việc truy kích địch rút chạy do các đơn vị phái đi trước của chiến dịch đảm nhiệm, thường triển khai thành đội hình hàng dọc theo các trục, song song với trục địch rút chạy, hành động nhanh chóng và kiên quyết chiếm tuyến trung gian các đầu mối giao thông, bến phá... nhằm chặn địch lại, tạo điều kiện cho chủ lực bao vây tiêu diệt.
Cùng với sự phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công (phản công), nghệ thuật tổ chức và thực hành các chiến dịch phòng ngự của Quân đội Xô Viết cũng phát triển mạnh.
Các chiến dịch phòng ngự được tổ chức phù hợp với lực lượng, trang bị của Hồng quân và thực tiễn chiến trường.
Thời kỳ đầu chiến tranh, đội hình phòng ngự của phương diện quân mạnh ở thê đội một, trong khi thê đội hai rất yếu. Những năm sau, đội hình chiến dịch được tổ chức tương đối đầy đủ các thành phần, gồm hai thê đội và các đội dự bị mạnh binh chủng hợp thành (đối với phương diện quân). Còn đội hình chiến dịch của tập đoàn quân bao gồm thê đội 1, thê đội 2, cụm pháo binh, pháo cao xạ, các đội dự bị pháo chống tăng và các đội cơ động vật cản. Việc sử dụng thê đội hai và các đội dự bị theo một kế hoạch đã được xác định, trong đó có hướng và tuyến triển khai phản đột kích, các yếu tố trên bảo đảm cho chiến dịch phòng ngự vững chắc.
Công tác bảo đảm công trình, tổ chức xây dựng hệ thống công sự trận địa phát triển và ngày càng hoàn thiện trong quá trình phòng ngự.
Trải qua thực tế chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt khó khăn, nhất là thời kỳ đầu chiến tranh, nghệ thuật chiến dịch phòng ngự của quân đội Xô Viết đã phát triển ngày càng hoàn thiện, góp phần to lớn vào thắng lợi chung.
Nghệ thuật chiến dịch của Quân đội Đức trong chiến tranh, đặc biệt là ở thời kỳ đầu phát triển mạnh mẽ. Khi thực hành các chiến dịch tiến công chiến lược, Quân đội Đức sử dụng các binh đoàn xe tăng - thiết giáp có mật độ cao làm mũi nhọn đột kích, sử dụng không quân chi viện và lực lượng đổ bộ đường không phối hợp.
Đội hình chiến dịch của cụm xe tăng - cơ giới Đức là đội hình nhiều thê đội, cho phép gia tăng lực lượng và phát triển sức mạnh vào chiều sâu phòng ngự của đôi phương, đạt hiệu quả cao như các chiến dịch tiến công Ba Lan, Pháp và Liên Xô ở thời kỳ đầu.
Mở đầu chiến dịch, quân Đức thường dùng không quân ném bom, đánh phá, tiêu diệt phần sân bay và máy bay của đối phương, giành quyền làm chủ trên không, chi viện cho lục quân tiến công.
Nghệ thuật chiến dịch của các nước Anh, Mỹ... cũng có những bước phát triển mới, thể hiện trong các cuộc tiến công ở Bắc Phi, Ý, Tây Âu và Thái Bình Dương.
Ở chiến trường châu Âu, nghệ thuật chiến dịch của Anh, Mỹ cũng phát triển cao, đặc biệt là chiến dịch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không.
Tuy nhiên, các chiến dịch của Anh, Mỹ bị hạn chế khi tiến công trên bộ, do hiệp đồng thiếu chặt chẽ giữa các lực lượng, khi tiến công thiếu kiên quyết, không tổ chức cụm cơ động trong các chiến dịch tiến công...
Nghệ thuật chiến dịch của Anh, Mỹ trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương cũng phát triển mạnh. Với những điều kiện đặc biệt của chiến trường trên biển, các loại tầu chiến, tầu ngầm đã được sử dụng và phát huy triệt để.
Trong các chiến dịch thực hiện ở chiến trường Thái Bình Dương, Anh, Mỹ còn sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh mới như bom nguyên tử, bom napan, đạn phản lực... góp phần làm cho chiến dịch đạt hiệu quả cao.
3. Chiến thuật
Binh đoàn chiến thuật cơ bản của Quân đội Xô Viết là binh đoàn binh chủng hợp thành, đóng vai trò chủ yếu trong tiến công.
Nguyên tắc kiên quyết tập trung lực lượng và phương tiện trên hướng đột kích chủ yếu, tạo ưu thế cần thiết, so với địch được vận dụng rộng rãi nhằm đột phá thành công khu phòng ngự chiến thuật của địch.
Dải tiên công, đoạn đột phá được xác định phù hợp với biên chế trang bị, nhằm bảo đảm mật độ chiến thuật cao khi tiến công.
Phương pháp chiến đấu tiến công của các đơn vị cũng phát triển trong quá trình chiến tranh và ngày càng hoàn thiện. Đó là khi thực hành tiến công, có pháo binh và không quân chuẩn bị mạnh, các phân đội xe tăng xuất kích tiến công, khi qua tuyến xuất phát của bộ binh, bộ binh xuất kích theo xe tăng thực hiện đột phá trận địa phòng ngự của địch. Nhờ tổ chức tốt các cụm cơ động của các tập đoàn quân, mà tốc độ đột phá phát triển nhanh.
Cùng với bước phát triển mới của chiến thuật tiến công, chiến thuật phòng ngự cũng ngày càng được hoàn thiện.
Kinh nghiệm tổ chức đội hình chiến đấu phòng ngự của quân đội Xôviết cho thấy các tập đoàn quân, các sư đoàn thường tổ chức từ một thê đội và đội dự bị ở thời kỳ đầu chiến tranh, phát triển lên đầy đủ các thành phần, bảo đảm giữ vững khu vực phòng ngự chiến thuật trong đội hình chiến dịch, bao gồm hai thê đội, cụm pháo binh tăng cường, các đội dự bị pháo chống tăng và các đội cơ động vật cản.
Công tác bảo đảm công trình cho khu vực phòng ngự ngày càng hoàn chỉnh. Đặc biệt hệ thống trận địa chống tăng được tổ chức chặt chẽ, có chiều sâu.
Hệ thống hỏa lực, trong đó hỏa lực pháo binh làm nòng cốt được tổ chức ngày càng tốt, là một trong những yếu tố bảo đảm cho trận chiến đấu phòng ngự vững chắc.
Phương pháp tác chiến phòng ngự được vận dụng sáng tạo, phong phú và linh hoạt. Với sự chi viện mạnh của không quân, các lực lượng đánh địch từ khi chúng cơ động đến khu vực xuất phát tiến công và trong chiều sâu khu vực phòng ngự chiến thuật.
Kinh nghiệm sử dụng thê đội hai tiến hành phản kích, hoặc cùng với cấp trên phản đột kích thể hiện tính tích cực cao trong chiến đấu phòng ngự, đồng thời thể hiện quyết tâm giữ vững khu vực phòng ngự được giao.
Phương pháp tổ chức, chỉ huy chiến đấu phòng ngự ngày càng tốt hơn, nhờ tích lũy được kinh nghiệm của chỉ huy các cấp, cùng với sự phát triển các phương tiện thông tin ngày càng hoàn chỉnh, phục vụ cho chỉ huy chiến đấu.
Chiến thuật của Quân đội Đức phát triển mạnh trong giai đoạn đầu chiến tranh (1939 - 1941).
Đặc điếm nổi bật nhất của chiến thuật tiến công là các đòn đột kích mạnh của các binh đoàn xe tăng phối hợp với pháo binh và không quân.
Đội hình chiến đấu tiến công của các binh đoàn tổ chức thành thê đội. Đặc biệt, việc tổ chức các đội phải đi trước trong đội hình tiến công đã đem lại hiệu quả cao.
Đơn vị chiến thuật đổ bộ đường biển của quân đội Đức là trung đoàn tăng cường. Khi đổ bộ, được không quân và lực lượng đổ bộ đường không chi viện mạnh nên rất có hiệu quả.
Chiến thuật đổ bộ đường không của quân Đức cũng có những phát triển mới, nhằm đánh chiếm các cầu qua sông, đánh chiếm các pháo đài phòng thủ, các điểm tựa nằm sâu trong hậu phương địch.
Chiến thuật của quân Mỹ, Anh phát triển khá phong phú trên các chiến trường khác nhau: Bắc Phi, Tây Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở vùng sa mạc Bắc Phi, chiến thuật chiến đấu tiến công là chiến thuật binh chủng hợp thành (bộ binh cơ giới, xe tăng, pháo binh).
Đội hình chiến đấu của các sư đoàn bộ binh và thiết giáp là đội hình một thê đội, bảo đảm cho đột phá thành công, và phát triển nhanh vào chiều sâu phòng ngự của đối phương.
Để bảo đảm tác chiến trên chiến trường sa mạc, các nước đã chú trọng huấn luyện đặc biệt cho đội ngũ sĩ quan và bộ đội về chiến thuật đánh trên sa mạc.
Trên chiến trường Tây Âu, chiến thuật nổi bật của quân đồng minh là đô bộ đường biển và đổ bộ đường không trong đội hình chiến dịch.
Trên chiến trường Thái Bình Dương, đặc điểm nổi bật của chiến thuật là lấy hải quân làm lực lượng chính trong chiến đấu.
Do có ưu thế về kỹ thuật rađa, quân Mỹ đã tổ chức tốt việc chỉ huy, trinh sát và chiến đấu trong điều kiện ban đêm.
Trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là ở các nước bị bọn phát xít chiếm đóng.
Cuộc chiến tranh du kích chống phát xít trước hết đều do các Đảng Cộng sản, các đảng tiến bộ lãnh đạo. Quá trình kháng chiến, các nước này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến du kích, tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng các khu du kích, căn cứ du kích, tiến hành kháng chiến trường kỳ, cướp vũ khí địch diệt địch. Ở một số nước có phong trào chiến tranh du kích tương đối rộng khắp đã xây dựng được những căn cứ rộng lớn và những đội quân du kích mạnh.
Đồng thời với phát triển chiến tranh du kích, nhiều nước ở châu Á đã phát triển lực lượng chính trị rộng khắp ngày càng vững chắc, làm cơ sở cho phát triển lực lượng vũ trang. Trên cơ sở của lực lượng chính trị phát triển và phong trào chiến tranh du kích rộng rãi, từng bước xây dựng những đội quân tập trung.
Nhiều nước đã khéo kết hợp chiến tranh du kích với khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.