Giới thiệu > Chi tiết tin bài

Nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

15:09 | 23/08/2012

(Bqp.vn) - Ngay sau khi cách mạng tháng Tám (1945) thắng lợi, thấy trước ý đồ của kẻ thù và nguy cơ chiến tranh nhất định sẽ xảy ra, ta đã đánh giá đúng cục diện chiến lược, tranh thủ thời gian để chuẩn bị đất nước, chuẩn bị hậu phương và lực lượng tiến hành chiến tranh, tránh được tình huống phải kháng chiến sớm khi còn kẹp giữa nhiều kẻ thù và chưa được chuẩn bị.

Chiến lược quân sự đã giải quyết thành công việc triển khai thế trận cả nước đánh giặc trong những năm đầu kháng chiến toàn quốc. Quyết định chiến lược chủ động mở đầu cuộc chiến tranh khi khả năng hòa hoãn không còn nữa là sáng suốt, kịp thời. Cuộc công kích đồng loạt các vị trí quân địch trong tháng 12/1946 đánh dấu tiến bộ mới về công tác tổ chức hiệp đồng và nghi binh giữ bí mật giành bất ngờ của ta. Chủ trương bất ngờ tiên công, nhanh chóng chuyển sang bao vây, tiêu hao ngăn chặn, kìm giữ quân địch ở các đô thị lớn nhằm mục đích chuyển toàn quốc sang thời chiến là một thành công về vận dụng phương thức tác chiến ở thời kỳ đầu.

Cũng từ đầu kháng chiến nghệ thuật quân sự đã xác định con đường phát triển của cuộc kháng chiến phải từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy và xem sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy là một quy luật giành thắng lợi của chiến tranh nhân dân. Bên cạnh cách đánh du kích, hình thành phương thức tác chiến bằng các tiểu đoàn, trung đoàn, mở các trận tiến công, các đợt tác chiến, các chiến dịch nhỏ trên hướng lựa chọn. Quá trình xây dựng bộ đội chủ lực là quá trình nghiên cứu cải tiến không ngừng về tổ chức biên chế, về trang bị vũ khí, về huấn luyện cách đánh và các chế độ chính quy.

Trong việc kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, chiến lược đã kịp thời giải quyết việc lãnh đạo chỉ huy thống nhất, phối hợp các chiến trường trong cả nước và giữa ba nước Đông Dương.

Giữa lúc lực lượng địch được tăng thêm, phạm vi chiếm đóng của chúng mỏ rộng nhất, chiến lược đã đánh giá đúng so sánh thế và lực giữa ta và địch, hạ quyết tâm mở chiến dịch đúng thời cơ, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.

Từ ngày 7/10 đến 22/12/1947, quân và dân ta mở cuộc phản công đánh bại cuộc tiến công của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc. Đây là chiến dịch đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và của cả cuộc kháng chiến 30 năm đã được hình thành và là một chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược, được cơ quan chiến lược trực tiếp điều hành phù hợp với tình hình, điều kiện của ta lúc đó. Ngay trong chiến dịch đầu tiên, một số nội dung cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phản công đã bước đầu hình thành.

Một là, đề ra mục đích chiến dịch đúng đắn, kiên quyết và toàn diện. Hai là, chọn loại hình chiến dịch đúng. Ba là, xác định đúng hướng (khu vực) phản công, tổ chức thế trận chiến dịch phù hợp (ba mặt trận), bẻ gãy từng gọng kìm của địch, phá thế hợp vây chiến dịch của chúng. Bốn là, tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo vận dụng chiến thuật sáng tạo, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu mặt yếu của chúng. Từ tháng 3/1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta ở khắp Bắc, Trung, Nam đã mở khoảng 20 chiến dịch nhỏ, chủ yếu là chiến dịch tiến công. Nghệ thuật chiến dịch tiến công đã có bước tiến bộ rõ rệt.

Chiến dịch Biên Giới (Thu Đông - 1950) đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Pháp. Bước phát triển đó là sự kế thừa, kết quả tích lũy những kinh nghiệm của hơn 20 chiến dịch nhỏ trong suốt hơn hai năm trước đó. Đó là nghệ thuật chọn đúng cách đánh chiến dịch, xác định chính xác hướng tiên công và mục tiêu tiên công, bảo đảm chắc thắng trận mở màn chiến dịch, nổi bật nhất là nghệ thuật triển khai thế trận và bố trí lực lượng đánh địch tăng viện để tiêu diệt .

Chiến lược, chiến dịch thực hiện thắng lợi qua những trận chiến đấu cụ thể trên chiến trường. Chiến thuật du kích (du kích chiến) được lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân các địa phương vận dụng với nhiều cách đánh cụ thể khác nhau. Chiến thuật du kích của ta vừa kết hợp cơ động đánh địch với bám trụ đánh địch ngay tại địa phương. Xây dựng làng chiến đấu dựa vào dân để đánh địch, bảo vệ dân, đã xuất hiện nhiều làng đánh giặc nổi tiếng. Chiến thuật du kích đánh địch mọi lúc mọi nơi, đánh bằng mọi thứ vũ khí: giáo mác, gậy tầm vông, đòn gánh, dao kiếm, chông, mìn, cạm bẫy... đã tỏ rõ hiệu lực chiến lược.

Cùng với phát triển cách đánh du kích, bộ đội chủ lực đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật thích hợp: phục kích, kỳ tập, tập kích... tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch.

Trong chiến đấu tiến công, chiến thuật phục kích được vận dụng tương đối phổ biến theo nguyên tắc: nắm chắc địch và thời cơ, bí mật triển khai thế trận hiểm, bất ngờ, tiến công nhanh, mạnh, lui quân mau lẹ, bảo toàn lực lượng. Trong các trận đánh đồn, bộ đội ta đã từng bước làm quen với tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, giữa bộ phận phá vật cản, mở cửa với xung kích và giữa các hướng với nhau.

Trong khoảng thời gian gần hai năm kể từ trung tuần tháng 9/1950 đến tháng 6/1953 là thời kỳ ta nắm quyền chủ động mở nhiều chiến dịch trên chiến trường chính Bắc Bộ và Thượng Lào. Từ chiến dịch Biên Giới trở đi, phương thức tiến hành chiến tranh chính quy xuất hiện và ngày càng phát triển, cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích. Đây là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch nhằm tranh giành quyền chủ động chiến lược.

Trong chỉ đạo chiến tranh, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm mở chiến dịch - Chiến dịch Biên Giới đúng lúc.

Nhưng sau thắng lợi lớn ở biên giới xuất hiện tư tưởng chủ quan, nôn nóng. Qua chỉ đạo thực tế ba chiến dịch trong năm 1951 và Chiến dịch Hòa Bình cho ta rút ra kết luận: trong tình hình so sánh lực lượng lúc đó, chiến trường rừng núi là hướng chiến lược tốt nhất của ta.

Để tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc Bộ, ta không chủ trương trực tiếp tiến công vào đó, mà phải đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp và mạnh mẽ, có sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các binh đoàn chủ lực, buộc địch phải phân tán đối phó, và mỗi khi khối chủ lực mở chiến dịch tiến công trên hướng rừng núi thì hướng đồng bằng cũng được tăng cường lực lượng chủ lực, đẩy mạnh tác chiến phối hợp.

Từ năm 1951 đến giữa 1953, (Chiến dịch Hòa Bình đến Chiến dịch Thượng Lào) là thời kỳ nghệ thuật chiến dịch của ta phát triển với những nội dung ngày thêm phong phú.

Mục đích chiến dịch đề ra cụ thể, kiên quyết, phù hợpvới so sánh lực lượng địch, ta nhất là phù hợp với trình độ bộ đội. Do đó, các chiến dịch trong thời kỳ này đều đáp ứng yêu cầu chiến lược cả về tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân.

Về cách đánh chiến dịch: cấp chiến dịch đã phân tích đánh giá đúng chỗ mạnh chỗ yếu trong thế trận chiến dịch chiến lược của địch để chọn đúng hướng tiên công chủ yếu.

Chỉ đạo kết hợp đánh địch với phá hoại giao thông địch, kết hợp tác chiến với địch vận, vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở chính trị... là những biểu hiện cụ thể về bước tiến mới trong nghệ thuật chỉ đạo chỉ huy tác chiến chiến dịch.

Cùng với sự phát triển chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật đã có bước phát triển khá cao.

Để khắc phục “vành đai trắng” của địch ta dùng chiến thuật “bôn tập”. Bộ đội ta phải vừa cơ động từ xa đến, vừa tiến công dứt điểm, vừa cơ động về vị trí an toàn trong đêm.

Chiến thuật phục kích là chiến thuật sở trường của lực lượng vũ trang ta được cả ba thứ quân vận dụng thành thạo.

Chiến thuật tập kích ở giai đoạn trước ít được vận dụng ở quy mô vừa, thì trong thời kỳ này được vận dụng cả ở quy mô tiểu đoàn, trung đoàn tăng cường đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Chiến đấu chống càn diễn ra phổ biến đối với bộ đội địa phường, dân quân du kích và các đơn vị chủ lực tác chiến trong địch hậu.

Chiến thuật của du kích được phát triển hết sức sáng tạo và phong phú bằng vũ khí thô sơ tự tạo và vũ khí lấy được của địch ngày một nhiều. Phát huy ưu thế chính trị tinh thần và quen thạo địa hình, cách đánh du kích ngày càng phát huy hiệu quả cao và đã phối hợp đắc lực với chiến tranh chính quy.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Mặc dù kẻ địch cố che giấu giữ kín ý đồ chiến lược, nhưng ta vẫn phát hiện ra bản chất của kế hoạch Nava là tăng quân, tập trung quân cơ động chiến lược để giành lại chủ động.

Phương hướng chiến lược của ta là vững quyền chủ động tiến công địch, trên những hướng mà địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải bị động đối phó lại, phải “đoài từng ngón tay” đến “xòe cả bàn tay” để không còn khả năng “đấm” vào vùng tự do của ta. Trong thời gian đầu của chiến cuộc chủ trương tác chiến của ta nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phân tán lực lượng nhưng tránh đánh vào nơi địch phòng ngự mạnh như tập đoàn cứ điểm. Khi lực lượng cơ động chiến lược của địch đã bị phân tán thì ta có điều kiện tập trung cao độ chủ lực (gần 5 đại đoàn trên 7 đại đoàn) để kiên quyết tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương.

Kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa các hướng chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương là thành công nổi bật trong chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến của ta trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954.

Sự chỉ đạo kết hợp hai phương thức chiến tranh của ta đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, vừa có khả năng tập trung cao lại có thể nhanh chóng phân tán khi cần; theo đó mà hình thành mặt trận chính diện, mặt trận sau lưng địch, chiến trường chính và chiến trường phối hợp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và toàn Đông Dương.

Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng ta trong xây dựng - phát huy sức mạnh to lớn của hậu phương chi viện đầy đủ và kịp thời cho tiền tuyến.

Chủ trương “vừa kháng chiến vừa xây dựng” là tư duy chiến lược, sự chỉ đạo sắc bén và khoa học của Đảng, là quy luật phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến của một dân tộc có nền kinh tế chưa phát triển chống lại mọi kẻ thù  mạnh. Thắng lợi to lớn trong Đông Xuân 1953 - 1954 của ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Điều đó thể hiện tính nghệ thuật vì nó phản ánh đúng so sánh lực lượng địch ta trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó, đồng thời thể hiện đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế của Đảng ta, bảo đảm được thắng lợi của kháng chiến.

Trong thời kỳ này nghệ thuật chiến dịch có bước phát triển nhảy vọt chủ yếu là nghệ thuật chiến dịch tiến công.

Các chiến dịch tiến công ở thời kỳ đầu của chiến cuộc (từ tháng 10/1953 đến tháng 2/1954) có đặc điểm chung là: quy mô sử dụng lực lượng không - đại đoàn hoặc tương đương đại đoàn, chiến trường xa căn cứ hậu phương, địa hình phức tạp, mới lạ, lực lượng tại chỗ và cơ sở chính trị yếu, bảo đảm vận chuyển tiếp tế khó khăn. Ta đã nỗ lực rất để tiến hành chiến dịch đúng thời gian, gây bất ngờ cho địch, duy trì được nhịp độ tiến công (hoặc truy kích), đạt được hiệu suất chiến dịch- chiến đấu cao ở cả ba mục tiêu: tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, thu hút phân tán địch.

Về mặt nghệ thuật, ta đã giải quyết thành công việc tổ chức tiến hành chiến dịch trong trường hợp hầu như không có thời gian chuẩn bị. Việc giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, tổ chức bảo đảm từ cấp trung đoàn trở xuống được triển khai ngay trong quá trình hành quân tiếp cận địch.

Trong các chiến dịch từ tiến công chuyển sang tập kích, quân ta đã biết lợi dụng đường tắt, vượt lên trước địch, đuổi địch trên nhiều hướng, chia cắt đội hình rút chạy của chúng. Kết hợp truy kích với chốt chặn, đón lõng, kết hợp đánh địch với gọi hàng và truy quét tàn quân, kết hợp diệt địch rút chạy với chặn đánh quân tiếp viện nên đã tiêu diệt được hầu hết các lực lượng địch rút chạy, rút ngắn được thời gian và đường truy kích.

Đỉnh cao phát triển nghệ thuật chiến dịch trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp thể hiện tập trung trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ bộ đội ta đã tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương. Một chiến dịch tiến công trận địa được tiến hành bằng một loạt trận chiến đấu tiêu diệt địch phòng ngự trong công sự vững chắc.

Lúc đầu ta chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” nhưng sau đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

Về mặt nghệ thuật chiến dịch, đánh chắc tiến chắc cho phép ta tạo ra ưu thế không chỉ về binh lực mà cả về hỏa lực trong từng trận đánh. Đánh chắc tiến chắc, ta có điều kiện để điều tra, nghiên cứu nắm chắc địch ở mục tiêu định tiến công, có thời gian chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chắc thắng mới đánh, rút kinh nghiệm của trận trước bổ khuyết cho trận sau.

Cách đánh chung của chiến dịch Điện Biên Phủ là: vây hãm kết hợp với đột phá lần lượt có trọng điểm từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu địch, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ địch.

Để thực hiện vây hãm, quân ta đã sớm hình thành thế bao vây. Xây dựng trận địa tiến công và bao vây ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của chúng.

Hệ thống chiến hào là trận địa xuất phát tiến công được bộ đội ta đào qua các hàng rào, sân bay, vật cản của cứ điểm địch, góp phần đột phá để tiêu diệt địch nhanh. Nó còn là trận địa ngăn chặn tiếp viện, tiếp tế của địch, chia cắt địch, mới để ta triển khai bắn tỉa, quấy rối, tập kích.

Để đột phá, ta tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch. Vây hãm, tạo điều kiện cho đột phá thắng lợi, tạo cho vây hãm chặt hơn, hiểm hơn. Quá trình chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất  hiện những chiến thuật mới như vây lấn, tiêu diệt từng cứ điểm, cắt đôi, vô hiệu hóa cả sân bay; phòng ngự trận địa để giữ vững trận địa bao vây tiến công của ta; đánh địch phản kích, bắn tỉa, đột kích bất ngờ của từng tổ nhỏ vào vị trí địch v.v...

Những chiến thuật độc lập và hiệp đồng của pháo binh, phòng không, công binh cũng có sự phát triển, được bộ đội ta vận dụng linh hoạt phong phú.

File đính kèm:

(Bách khoa Tri thức Quốc phòng toàn dân)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: Số 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.