Quá trình hình thành và phát triển

(Bqp.vn) - Ngày 29/6/1946, tại sân Vệ Quốc đoàn Trung ương, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Hoàng Văn Thái đọc Quyết định thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô gồm 3 trung đội: Pháo Đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh. 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng nổ phát súng đầu tiên, mở đầu tiếng súng toàn quốc kháng chiến. Ngày 29/6/1946 với việc thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Pháo binh Anh hùng.


Đúng 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng nổ phát súng đầu tiên, mở đầu tiếng súng toàn quốc kháng chiến

Trong ảnh: Pháo đài Láng nhận lệnh chiến đấu ngày 19/12/1946 (Ảnh: Tư liệu)

Trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp, Bộ đội Pháo binh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, chế tạo nhiều loại vũ khí có uy lực lớn như Badôca, AT, SKZ, SS… kịp thời trang bị nâng cao khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến thuật trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.

Trong chiến thắng Sông Lô tháng 10/1947, bằng cách đánh “đặt gần, bắn thẳng”, Bộ đội Pháo binh đã đánh bại đoàn tàu chiến địch mà các hãng thông tấn phương Tây gọi là Thảm họa Sông Lô. Đây là chiến thắng có ý nghĩa rất lớn đối với Bộ đội Pháo binh và cách đánh “đặt gần bắn thẳng” trở thành một phần độc đáo của nghệ thuật tác chiến pháo binh Việt Nam.

Đầu năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ quân sự Việt Bắc. Để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, tháng 9/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập trung đoàn pháo chủ lực tập trung trực thuộc Bộ lấy tên là Trung đoàn 95. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước nhảy vọt về xây dựng lực lượng pháo binh.

Ngày 27/3/1951, Đại đoàn công pháo 351 được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành lớn của bộ đội pháo binh. Nhiệm vụ chủ yếu của Đại đoàn 351 là chỉ đạo xây dựng, thống nhất quản lý các lực lượng biên chế trong đại đoàn. Trong tác chiến làm tham mưu cho Bộ, đề đạt sử dụng, phân chia lực lượng pháo binh, công binh cho thích hợp. Ngoài ra, đại đoàn còn có trách nhiệm giúp Bộ nghiên cứu, tổ chức lực lượng pháo binh trong các đại đoàn bộ binh.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh được huy động ở mức cao nhất để chi viện hỏa lực cho các đại đoàn, đánh phá pháo binh, kiềm chế sân bay, diệt lô cốt, hỏa tiễn địch. Sau chiến dịch, lực lượng pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao. Thành tích và chiến công của pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp; mở ra những vấn đề lớn đầu tiên để xây dựng và biên soạn một học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 07/9/1954, Bộ trưởng Quốc phòng ký Nghị định số 33/NĐ lâm thời thành lập Bộ Chỉ huy Pháo binh với nhiệm vụ: chỉ huy các đơn vị trọng pháo, dã pháo, cao xạ của Bộ, chỉ đạo công tác huấn luyện cho các đơn vị pháo trong các đại đoàn bộ binh; nghiên cứu kế hoạch huấn luyện và lãnh đạo, giáo dục các đơn vị pháo binh; dự trù, phân phối, bảo quản vũ khí, khí tài và các phương tiện kỹ thuật; nghiên cứu đề đạt ý kiến về tổ chức biên chế trang bị và sử dụng các đơn vị pháo binh; bổ nhiệm và đào tạo cán bộ pháo binh.

 Theo Nghị định này Bộ Chỉ huy Pháo binh thành lập 3 đại đoàn pháo binh mới, củng cố đại đoàn hiện có, thành lập 1 đại đoàn pháo cao xạ.

Ngày 28/5/1955, theo Quyết định số 880/G6 của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Pháo binh đổi tên thành Bộ Tư lệnh Pháo binh với nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, huấn luyện, xây dựng các đơn vị pháo binh mặt đất, pháo cao xạ trực thuộc Bộ chỉ đạo các quân khu, các sư đoàn bộ binh huấn luyện và sử dụng pháo binh trong biên chế. Lực lượng pháo binh được điều chỉnh lại gồm pháo binh trực thuộc và pháo binh biên chế. Bên cạnh các đơn vị pháo dự bị cơ động của Bộ là các trung đoàn pháo binh, tiểu đoàn pháo cao xạ trực thuộc các quân khu, sư đoàn bộ binh.

Từ chỗ chỉ có pháo mang vác, đến lúc này, quân đội ta đã có nhiều pháo tầm xa, uy lực lớn, đánh dấu bước nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng của bộ đội pháo binh của quân đội ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên chiến trường miền Nam, các tiểu đoàn pháo binh được thành lập trên cơ sở xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng từ miền Bắc đưa vào. Sau chiến thắng Ấp Bắc, tháng 01/1963, Bộ đội Pháo binh trên chiến trường miền Nam đã có bước phát triển mới về số lượng và cách đánh: vừa pháo kích độc lập vừa tác chiến hiệp đồng đến quy mô tiểu đoàn.

Ngày 13/4/1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội pháo binh đã lập công xuất sắc bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và bắn trả pháo binh địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu… và Bác tặng 8 chữ vàng truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”. Có thể nói, trận Dốc Miếu là một trận đánh điển hình của Pháo binh Việt Nam về sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng của các trận địa, các lực lượng phối thuộc. Đây là bước trưởng thành mới rất quan trọng, bảo đảm cho Binh chủng Pháo binh tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu trong cuộc đọ sức lâu dài, ngày càng ác liệt với quân Mỹ.

Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, Bộ đội Pháo binh đã tham gia nhiều trận đánh hay, đạt hiệu suất chiến đấu cao với các nhiệm vụ bắn chi viện cho các cánh quân, bắn chặn đường rút quân của địch, bắn phá các trận địa pháo binh địch, chế áp các sở chỉ huy địch, bắn phá các kho tàng, sân bay, bến cảng, đập tan ý đồ co cụm, lập tuyến phòng thủ mới và kế hoạch chi viện của địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Một số trận đánh tiêu biểu Bộ đội Pháo binh trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1975 lịch sử

- Từ ngày 22 đến ngày 25/3/1975 ta đã sử dụng pháo 130 mm và Đ74 bắn gần 3.000 viên đạn tạo thành lưới lửa khóa cửa Thuận An, cửa Tư Hiền không cho tàu địch tiếp cận đón quân địch, tạo điều kiện cho chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên -Huế.

- Từ trưa ngày 28/3/1975, pháo 130 mm và Đ74 bắn phá sân bay Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, chặn đường rút chạy của toàn bộ quân địch ở khu liên hợp quân sự Đà Nẵng.

- Đại đội 26 pháo 130 mm, thuộc tiểu đoàn 2, đoàn pháo binh Biên Hòa, bắn liên tục 12 ngày đêm với 326 viên đạn đã khóa chặt sân bay Biên Hòa, làm cho Không quân địch không thể sử dụng sân bay này kể từ ngày 26/4/1975.

- Từ ngày 28/4/1975, 4 khẩu pháo 130 mm của Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 164, hành quân theo đội hình của Sư đoàn 325 đã bắn khoảng 1.200 viên đạn, làm sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, lực lượng pháo binh của bộ đội chủ lực và lực lượng pháo binh địa phương được huy động với số lượng lớn pháo, cối các loại tiến hành tác chiến binh chủng, chi viện hỏa lực cho bộ binh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Xây dựng Binh chủng Pháo binh vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Pháo binh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng nên truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hiện nay, Binh chủng đang tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ)  trong tình hình mới.


Thực hành bắn đạn thật trong diễn tập binh chủng hợp thành.

 Ngày 29/6/1946, Đồng chí Hoàng Văn Thái thay mặt Bộ Quốc phòng công bố Quyết định thành lập Đoàn Pháo binh Thủ đô - đánh dấu sự ra đời của lực lượng pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng Pháo binh đã không ngừng lớn mạnh; từ những phân đội trợ chiến trang bị súng pháo tự tạo và thu được của địch, đã từng bước phát triển thành những tiểu đoàn, trung đoàn, lữ đoàn pháo binh hiện đại, có khả năng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn. Cùng với phát triển lực lượng, nghệ thuật tác chiến pháo binh cũng có sự phát triển không ngừng qua mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh. Nếu như trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị pháo binh đánh địch bằng các phân đội nhỏ, tác chiến độc lập, tập kích vào mục tiêu nhỏ, lẻ là chủ yếu, thì đến chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháo binh Việt Nam đã phát triển các cách đánh mới, như: “đặt gần, bắn thẳng”, hiệp đồng binh chủng...

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng pháo binh đã phát triển mạnh, được tổ chức trong các đơn vị bộ binh và tham gia hầu hết các chiến dịch, các trận đánh trên chiến trường. Trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đó, các đơn vị pháo binh đã thể hiện tính sáng tạo, sự phát triển về nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tạo lập thế trận, phương pháp tổ chức hoả lực... lập nhiều chiến công vẻ vang, từng bước khẳng định vị trí là “hỏa lực chủ yếu của lục quân”, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.


Bộ đội Pháo binh huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và quân đội, Binh chủng đã thành lập các đơn vị tên lửa hiện đại; tập trung xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu ngày càng cao, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng và các đơn vị pháo binh đã được Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, 14 cán bộ, chiến sĩ và 70 đơn vị được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đặc biệt, năm 2006, Binh chủng Pháo binh được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta.

Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn, lật đổ; đồng thời, sẵn sàng dùng vũ trang xâm lược khi có thời cơ. Chiến tranh BVTQ nếu xảy ra đối với nước ta, đối tượng tác chiến của quân đội nói chung và của Binh chủng Pháo binh nói riêng là kẻ thù có tiềm lực quân sự, vũ khí, trang bị hiện đại, với nhiều thủ đoạn tác chiến xảo quyệt. Tình hình đó đặt ra cho Binh chủng những yêu cầu mới, đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng Binh chủng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao. Theo đó, thời gian tới, các đơn vị pháo binh cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:  

Trong công tác chính trị, tư tưởng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ Binh chủng. Trong đó, chú trọng nắm chắc những chủ trương, định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, những vấn đề mới, có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng đảng, để vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa sát với đặc điểm nhiệm vụ của Binh chủng và đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục chính trị cả về nội dung và phương pháp tiến hành, theo hướng bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề mà lý luận và thực tiễn đang đặt ra, nhằm xây dựng cho bộ đội có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước những tác động nhiều mặt từ đời sống xã hội, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến pháo binh trong tình hình mới, các đơn vị còn phải đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong diễn tập, chiến đấu; trong đó, phải coi trọng rèn luyện cho bộ đội có tư tưởng, tâm lý vững vàng, trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Việc tổ chức phong trào Thi đua Quyết thắng của các đơn vị, cần bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong từng giai đoạn, hướng vào xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; chú trọng duy trì và đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi”, góp phần nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu của đơn vị. Từ kết quả tổng kết Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng cần tiếp tục giáo dục, rèn luyện bộ đội theo tấm gương đạo đức của Bác; trong đó, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu của bộ đội; nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên tích cực khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện và xây dựng đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của Binh chủng.

Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về tổ chức quân đội trong tình hình mới, Binh chủng tập trung xây dựng các đơn vị pháo binh dự bị theo hướng “gọn, mạnh”, có khả năng cơ động cao; ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, bảo đảm đạt từ 95 đến 100%; sẵn sàng tác chiến trong các nhiệm vụ chiến lược, trên hướng chiến lược và các khu vực trọng điểm phòng thủ quốc gia. Tổ chức các đơn vị pháo binh trong biên chế của các quân khu, quân đoàn, đơn vị bộ binh theo hướng bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa pháo chiến dịch với pháo chiến thuật, giữa pháo xe kéo và pháo mang vác...; bảo đảm trang bị, phương tiện phù hợp với từng vùng, miền. Việc xây dựng các đơn vị pháo binh bộ đội địa phương và dân quân tự vệ phù hợp với vị trí, tính chất, yêu cầu của từng địa bàn, bảo đảm sẵn sàng đánh địch ngay từ tuyến đầu biên giới, hải đảo, nơi địch gây bạo loạn và có khả năng tham gia đánh địch trong suốt quá trình chiến tranh, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong từng khu vực phòng thủ. Bên cạnh đó, các đơn vị còn phải quan tâm tổ chức, xây dựng lực lượng pháo binh dự bị động viên, phù hợp điều kiện thời bình và đáp ứng yêu cầu mở rộng lực lượng khi cần thiết.

Cùng với xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Trên cơ sở phương hướng, phương châm đã xác định, cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu: huấn luyện đồng bộ cả chỉ huy, cơ quan và phân đội. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung xây dựng người chỉ huy pháo binh có trình độ, kiến thức cơ bản, có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu tác chiến pháo binh trong chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong huấn luyện phân đội, phải huấn luyện đồng bộ các bộ phận trinh sát, kế toán, đo đạc, pháo thủ…; trong đó, chú trọng rèn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, khí tài chiến đấu cả trong biên chế, được tăng cường và khí tài mới. Trong diễn tập, tập trung rèn luyện, nâng cao khả năng cơ động dã ngoại của bộ đội, điều kiện thời tiết phức tạp; xây dựng các tình huống diễn tập phù hợp với phương pháp tác chiến của binh chủng hợp thành trong từng hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch ở các quy mô, hình thức khác nhau, sát với điều kiện thực tế chiến đấu. Cùng với đó, các đơn vị còn phải thường xuyên luyện tập phương án, kế hoạch tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, khả năng trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự, cách đánh của pháo binh, tên lửa trong chiến tranh BVTQ; trong đó, chú trọng tăng cường phối hợp với địa phương, phát huy khả năng bảo đảm chiến đấu tại chỗ của khu  vực phòng thủ trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công sự, trận địa và bảo đảm ngụy trang, nghi binh...  

Trước sự phát triển của vũ khí, trang bị và phương thức, nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh BVTQ, Binh chủng đang đẩy mạnh kết hợp huấn luyện-đào tạo với nghiên cứu phát triển lý luận, khoa học pháo binh, cả khoa học nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự; tích cực tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề mới về cách đánh của pháo binh, tên lửa trong chiến tranh BVTQ. Theo đó, việc tổ chức, bố trí lực lượng pháo binh phải linh hoạt, đa dạng, có khả năng cơ động, chuyển hoá nhanh chóng (có thể tổ chức cụm pháo binh hoặc duy trì tiểu đoàn, đại đội độc lập ngay từ đầu, hoặc chuyển từ cụm pháo binh thành các đơn vị độc lập, tuỳ theo diễn biến tình hình); coi trọng cách đánh truyền thống của Bộ đội Pháo binh với nguyên tắc sử dụng lực lượng “hoả khí phân tán, hoả lực tập trung”... Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghệ thuật pháo binh;  nhất là phương pháp tổ chức hỏa lực; bảo đảm phát huy được khả năng, sở trường, cách đánh của pháo binh 3 thứ quân để tạo không gian kiểm soát hỏa lực tối đa và tạo sức mạnh tổng hợp về hỏa lực đánh địch trên chiến trường.

Trong công tác SSCĐ, các đơn vị phải duy trì nghiêm túc chế độ trực SSCĐ; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch tác chiến và tăng cường tổ chức luyện tập nâng cao khả năng SSCĐ, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương, tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn đóng quân. Bên cạnh đó, các đơn vị còn phải thực hiện tốt các nội dung huấn luyện và sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai, bão lụt.

Để tạo sự chuyển biến vững chắc trong công tác rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, các đơn vị cần tăng cường các biện pháp quản lý con người, vũ khí, trang bị, hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm kỷ luật; coi trọng duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần, tạo sự thống nhất cao trong đơn vị; đồng thời, tập trung xây dựng cho bộ đội có ý thức tự giác chấp hành pháp luật nhà nước và Điều lệnh, điều lệ của quân đội. Bên cạnh đó, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thấp nhất các vụ mất an toàn khi tham gia giao thông. Công tác cải cách hành chính quân sự tiếp tục đổi mới theo yêu cầu hướng về cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở quy định chung, từng đơn vị phải phân định rõ nhiệm vụ, mối quan hệ giải quyết công việc của từng cấp, từng ngành, tạo ra cơ chế điều hành thông suốt, có hiệu quả trong quá trình hoạt động, nhất là trong hoạt động tác chiến.

Trong công tác hậu cần, kỹ thuật, cần ưu tiên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ theo quy định; thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các văn kiện hậu cần, kỹ thuật theo phương án, kế hoạch tác chiến. Công tác hậu cần thường xuyên phải tập trung vào việc đổi mới phương thức bảo đảm, chú trọng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định đời sống bộ đội; thực hiện các biện pháp tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 554/CTr-BQP của Bộ Quốc phòng; đồng thời, các đơn vị tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hướng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật. Trong công tác bảo đảm trang bị, Binh chủng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, kết hợp với chủ động tham mưu mua sắm vũ khí, trang bị, khí tài pháo binh, bảo đảm đúng định hướng “từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

File đính kèm:

(Cổng TTĐT BQP)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ QUỐC PHÒNG NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 7, Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội
*Tel: +84-69.553215 * Email: info@mod.gov.vn
Website: bqp.vn, mod.gov.vn *
Tổng Biên tập: Đại tá Nguyễn Thanh Bình
Quyết định cho phép hoạt động: 3548/QÐ-BQP, ngày 25/9/2012
® Ghi rõ nguồn bqp.vn hoặc mod.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTÐT BQP.